Chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Nhà báo và Công Luận, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội, Công ty Truyền thông Thiên Sơn tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam qua hệ thống: Kênh số 128 VTVCab; Kênh số 114 SCTVCab; Kênh số 71 HTVCab; Kênh số 71 MyTV; Kênh số 91 AVG; Kênh số 111 NextTV… vào lúc 20h00 ngày 28/5/2016 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Phương Thảo, Thành Lê, Hà Chương, Sơn Lâm và Thiếu nhi Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình.
Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 8 do Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, Công ty CP Đầu tư Mai Linh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy Sửa chữa và Đóng tàu Sài Gòn cùng nhiều tập thể, cá nhân khác đồng tài trợ.
Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 8 được kết cấu thành 2 phần:
Phần 1: Nỗi đau này không của riêng ai
Phần 2: Những trái tim đồng cảm
Ở phần 1: Với sự xuất hiện của NSƯT Phương Thảo, ca sỹ Thành Lê, Hà Chương, Sơn Lâm… khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc để lại nhiều cảm xúc trong lòng người nghe như: Em có về; Cõng mẹ đi chơi; Phận trẻ mồ côi; Nhớ mẹ; Khát vọng…
Đặc biệt, thông qua phóng sự “Gia đình có 10 người khuyết tật”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến một gia đình dân tộc Dao ở thôn Tân Xuân, xã Văn Lãng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có 10 người khuyết tật ở cả 3 thế hệ.
“Chúng tôi đến thăm ông Đặng Văn Thọ và bà Đặng Thị Tàn, dân tộc Dao ở thôn Tân Xuân, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên khi trời đã xế chiều. Đã hai chục năm rồi, ông Thọ bị mù và bị bệnh động kinh nên thỉnh thoảng khi lên cơn động kinh chân tay ông lại run lẩy bẩy, người co quắp, bọt mép sùi ra trông rất thương tâm. Bà Đặng Thị Tàn bị bệnh di truyền từ ông cha để lại chân tay tự nhiên mềm nhũn ra không thể đi lại được, vì thế đã mấy chục năm nay ông Thọ, bà Tàn suốt ngày phải làm bạn với chiếc giường bộn bề chăn gối cũ.
Anh Đặng Văn Quý, con trai ông Thọ cho biết, cả gia đình có 16 người thì có tới 10 người bị tật bệnh. Tất cả những người tật bệnh của gia đình anh đều giống nhau là chân tay cứ tự nhiên teo tóp, mềm nhũn ra và phải dùng gậy chống mới đi lại được. Trẻ em ở cái nhà này cứ học đến lớp 5 là phải bỏ học vì căn bệnh nói trên. Do mắc bệnh hiểm nghèo việc chồng con của những người phụ nữ trong gia đình cũng gặp nhiều trắc trở, buồn phiền.
Để tìm rõ nguyên nhân của căn bệnh ở gia đình ông Thọ, vừa qua Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đến khám và lấy mẫu máu đem về xét nghiệm. Vì căn bệnh quái ác chưa có phương cứu chữa mà nhiều năm nay gia đình ông Thọ, bà Tàn luôn đứng đầu danh sách những người nghèo truyền kiếp của địa phương. Cũng dễ hiểu thôi vì người lớn, trẻ em trên 10 tuổi ở cái nhà này đều không lao động được và nguồn thu nhập duy nhất của họ là khoản tiền trợ cấp với mức 260 ngàn đồng cho người lớn, và mức 360 ngàn đồng cho trẻ em hàng tháng. Số tiền trên gia đình ông Thọ lại phải trích ra từ 50 đến 100 ngàn đồng thuê người đi chợ cách nhà 7km mua lương thực, thực phẩm về dùng.
Biện pháp điều trị căn “bệnh lạ” ở gia đình ông Thọ cần phải có thời gian và còn phải trông chờ vào tiến bộ của nền y học hiện đại. Trong khi chờ đợi những điều kỳ diệu ấy, mong rằng phóng sự này sẽ thức gọi tấm lòng nhân ái hãy đùm bọc cưu mang những mảnh đời bất hạnh của gia đình ông Thọ, bà Tàn giúp họ vượt qua những tháng năm khốn khó của cuộc đời”.
Cũng ở phần 1, thông qua phóng sự “Vành khăn tang định mệnh”, khán giả màn ảnh nhỏ còn được biết đến em Thái Xuân Hằng, em Thái Xuân Tăng ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và em Trương Thị Huyền, Trương Thị Trang, Trương Thị Hoài Thu mồ côi cha mẹ ở xã Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang lâm trong cảnh mồ côi thật đáng thương tâm:
Bên mâm cơm của bà Hoàng Thị Thỏn ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hôm nay chỉ có bà Thỏn và đứa cháu nội Thái Xuân Hằng, vì cháu Thái Xuân Tăng đi học vẫn chưa về. Từ ngày chị Thái Thị Nga (mẹ của cháu Hằng) qua đời tháng 3/2011 vì căn bệnh ung thư, bên mâm cơm của bà Thỏn và các cháu thường đặt thêm chiếc bát, đôi đũa dành cho người đã khuất.
Chồng mất sớm, một mình nuôi 6 đứa con khôn lớn, bà Thỏn chưa bao giờ được nhàn hạ tấm thân cho dù đã ở tuổi 83 “gần đất xa trời”. Giờ đây, mỗi khi nhóm lửa trong gian bếp tuềnh toàng, hay nhìn vào chiếc chuồng lợn đã bỏ không… bà Thỏn lại xót thương người con dâu hiếu thảo. Còn nhớ, vào dịp Tết Nhâm Thìn 2011, sau khi từ bệnh viện trở về vì căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, chị Nga bảo chồng mổ con lợn đang nuôi làm quà biếu họ hàng cùng ăn Tết. Thế rồi, chị Nga đã vĩnh viễn đi xa vào mùa xuân năm ấy.
Vành khăn tang trên đầu người thân chưa kịp ngả màu, thì tháng 4/2013 anh Thái Sơn, chồng chị Nga lại qua đời do tai nạn giao thông, để lại 2 đứa con nhỏ dại và người mẹ già sống lay lắt như ngọn đèn trước gió. Khi phóng sự này được phát đi, chúng tôi tin bà Thỏn và các cháu sẽ không đơn độc giữa cuộc đời tràn ngập tình thương và lòng nhân ái.
Chúng tôi đến xã Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, Quảng Bình khi hoàng hôn sắp tắt. Đón chúng tôi là ông Mai Hợi – bố vợ đầu của anh Trương Quang Dục. Khi biết con bị bệnh hiểm nghèo, chị Mai Thị Dung - mẹ của cháu Linh đã bỏ mặc con cho chồng và ông bà ngoại nuôi rồi bỏ nhà đi bặt vô âm tín. Năm 1998, anh Dục lấy vợ hai là chị Lê Thị Thúy và sinh được 3 con gái là Trương Thị Huyền, Trương Thị Trang, Trương Thị Hoài Thu.
Sau hai cuộc hôn nhân, những tưởng hạnh phúc sẽ đem đến cho anh Dục và chị Thúy niềm vui trọn vẹn. Nào ngờ, chỉ trong vòng chưa đầy 6 năm, gia đình này phải đón nhận ba cái tang liên tiếp. Đó là, tháng 3/2007, anh Trương Quang Dục bị tử vong vì tai nạn giao thông; tháng 7/2013 ông nội Trương Quang Thế qua đời do bạo bệnh; tháng 10/2013 chị Thúy lại tử vong do tai nạn giao thông để lại ba đứa con sống bơ vơ như chim non lạc mẹ. Bữa ăn của các em chỉ đạm bạc với vài con cá trích, đĩa rau luộc và bát canh bõng nước hẳn sẽ còn đeo đẳng mãi các em suốt cuộc đời lập thân côi cút. Giờ đây, ở cái tuổi 15 chưa kịp lớn, Trương Thị Huyền vừa làm chị, vừa làm mẹ, vừa phải đối mặt với những cơn đau tim bẩm sinh hành hạ em không dứt.
Chúng tôi chia tay ba chị em Huyền khi màn đêm buông xuống. Vẫn biết rằng, “sinh – lão – bệnh – tử”, “hội ngộ - chia ly” là vòng tròn quy luật của cuộc đời. Nhưng sự ra đi của anh Dục, chị Thúy đẩy ba đứa con vào theo kiếp mồ côi mất cha, mất mẹ khiến ai ai cũng thấy nghẹn lòng.
Ở phần 2: Khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được thưởng thức chùm ca khúc: Neo đậu bến quê, Giấc mơ cánh cò và liên khúc hát múa Nụ cười – Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng do NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Thành Lê, Thiếu nhi TTVH quận Ba Đình biểu diễn.
Thông qua phóng sự “Những trái tim đồng cảm”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được biết đến trẻ em mồ côi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội, đang hàng ngày phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ không thuốc chữa. Thông qua phóng sự này, khán giả màn ảnh nhỏ còn được biết đến cựu chiến binh Hoàng Văn Huê, thương binh hạng 1/4 và cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn, thương binh hạng 2/4 và là nạn nhân chất độc da cam gần 40 năm qua đang lặng lẽ nuôi những đứa con bị bại não do nhiễm chất độc da cam dioxin, đó là:
“Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Bắc Giang hiện đang nuôi dưỡng 94 đối tượng là trẻ em mồ côi, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em khuyết tật, người già cô đơn và bệnh nhân bị bệnh tâm thần. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những phần quà của Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 8 tặng Trung tâm nhân dịp Tết Bính Thân như ngọn gió lành nhen lên niềm vui thật lớn cho những mảnh đời bất hạnh.
Nhìn các em má đỏ bồ quân, môi hồng chúm chín, đôi mắt trong veo vô tư sống, vô tư hát ở Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động Xã hội số 2 Hà Nội, mấy ai biết được rằng, các em đang mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Các em đến với trung tâm này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không ai biết bố mẹ của các em là ai, quê quán ở nơi nào!? Duy chỉ có một điều ai cũng biết các em là những đứa trẻ vô thừa nhận bị bỏ rơi phải sớm mang phận trẻ mồ côi. Chúng tôi đến với các em trong sáng mai này bằng tiếng tơ lòng của Ban tổ chức và các nhà tài trợ để động viên các em tiếp tục vượt qua chặng đường đầy gian nan phía trước”.
“Ông Hoàng Văn Huê, ở Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội là Thương binh hạng 1/4 bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông Huê thuộc sự quản lý của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nên ông được đơn vị cho điều dưỡng ngoại trú tại nhà riêng để giúp vợ chăm sóc 2 đứa con nạn nhân chất độc da cam bị bại não bẩm sinh.
Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Huê làm thêm nghề xay xát. Nhưng do không có tiền để lắp thêm chiếc máy lọc sạn, nên khách hàng đến với ông Huê cứ ngày một thưa dần. Mỗi lúc suy tư, ông Huê thường ngồi bên cửa nhìn ra con đường làng, hoặc nhìn vào một cõi xa xăm và thả hồn vào ký ức thời trận mạc. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huê khi cháu Hoàng Bình Lập vừa mới qua đời. Chỉ còn lại cháu Hoàng Thị Ngọc Hà vẫn gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn.
Người lính già này là ông Nguyễn Thanh Sơn, thương binh hạng 2/4, cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Chất độc da cam dioxin đã cướp đi quyền được làm người của 2 đứa con ông. Gần 40 năm kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa con gái tên là Nguyễn Phương Thúy của ông bị bại não bẩm sinh vẫn thân tàn ma dại. Đã bao năm ông lặng thầm nuốt nước mắt vào trong mỗi khi nhìn con gái vẫn vô thức trong căn phòng nhỏ hẹp”.
Để góp phần xã hội hóa công tác “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”… Thông qua Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 8, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo cho 8 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh (mỗi ca 50 triệu đồng); tặng 100 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo (mỗi số 5 – 10 triệu đồng); tặng 12 suất học bổng (mỗi suất 5 triệu đồng); tặng 300 suất quà (mỗi suất 500 ngàn đồng)… cho trẻ em nghèo trong cả nước . Đồng thời xây dựng “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Bia chiến tích Khẩu đội 5” Đại đội 16, Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Long, tỉnh Quảng Trị với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng nhân dịp “Tháng Hành động vì trẻ em” năm 2016.
Sau 8 lần tổ chức, Chương trình “Những trái tim đồng cảm” đã mổ tim nhân đạo cho 100 trẻ em nghèo bị tim bấm sinh; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng 1000 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng 1000 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng 100 xe lăn cho người khuyết tật; tặng 6000 suất quà cho trẻ em nghèo trong cả nước với tổng sổ tiền hơn 20 tỷ đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động xã hội của Ban Tổ chức Chương trình:
Ban tổ chức Chương trình tặng sổ tiêt kiệm cho gia đình
ông Hoàng Văn Huê, nạn nhân da cam ở Thường Tín, Hà Nội
|
Ban tổ chức Chương trình tặng sổ tiêt kiệm cho gia đình
ông Nguyễn Thanh Sơn, nạn nhân da cam ở Hoàng Mai, Hà Nội
|
Ban tổ chức chương trình tặng quà Tết cho người già cô đơn
ở Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Bắc Giang
|
Ban tổ chức chương trình tặng quà Tết cho trẻ em mồ côi ở Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Bắc Giang
|
Nhà báo Nguyễn Văn Á tặng quà cho trẻ em mồ côi nhiễm HIV
ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 Hà Nội
|
Nhà báo Nguyễn Văn Á tặng sổ tiết kiệm cho bà Hoàng Thị Thỏn
và cháu Thái Xuân Hằng mồ côi bố mẹ ở thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị
|
Nhà báo Nguyễn Văn Á tặng sổ tiết kiệm cho em Trương Thị Linh,
Trương Thị Huyền, Trương Thị Trang, Trương Thị Hoài Thu mồ côi bố mẹ ở Xuân Sơn, Bố
|
Nhà báo Nguyễn Văn Á và gia đình có 10 người khuyết tật ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên
|
Nhà báo Phùng Quốc Việt tặng quà cho trẻ em mồ côi nhiễm HIV
ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 Hà Nội
|
Trẻ em mồ côi nhiễm HIV ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 Hà Nội.
|
Trẻ em mồ côi nhiễm HIV ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 Hà Nội
|
BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH
Thông tin phản hồi xin liên hệ:
Nhà báo Khánh Văn – ĐT: 0913.288.092