Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 13/7/2016 13:21'(GMT+7)

Nhiều nước kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của PCA

Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở Lahay trong cuộc tuần hành tại Manila ngày 12/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở Lahay trong cuộc tuần hành tại Manila ngày 12/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên.

Washington đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi PCA ra phán quyết này. Bên cạnh đó, Mỹ còn nhấn mạnh vẫn tiếp tục nghiên cứu về phán quyết trên của PCA.

Cùng ngày, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia nêu rõ: “Malaysia nhận thức rằng điều quan trọng là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định bằng cách tự kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp hay làm leo thang căng thẳng và tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.”

Malaysia cho rằng “Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để phát triển các cuộc đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách lành mạnh, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình, an toàn và an ninh của khu vực.”

Bộ Ngoại giao Malaysia cũng kêu gọi tất cả các bên đảm bảo thực thi hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 12/7 đã đăng tuyên bố của phía Ấn Độ, cho biết Ấn Độ ghi nhận phán quyết của PCA là theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS.

Ấn Độ cho rằng các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển.

Là một bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ hối thúc tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với UNCLOS, công ước tạo ra trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương.

Phát biểu trước báo giới ngày 13/7, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân theo quyết định của tòa vì “đó là phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên". Đồng thời bà Bishop "kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế hành vi cưỡng chế và hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp. Tất cả các quốc gia có yêu sách đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Bà Bishop nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Đông Á, và phán quyết của PCA là một trường hợp thử nghiệm quan trọng cho khu vực trong quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.

Cũng trong ngày 13/7, Hàn Quốc lên tiếng kêu gọi thực hiện “các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo” để giải quyết tranh chấp về Biển Đông sau khi phán quyết của PCA.

Hãng tin Yonhap trích dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh nước này luôn duy trì quan điểm rằng tranh chấp cần được giải quyết phù hợp với những thỏa thuận có liên quan cũng như các quy định của quốc tế.

Tuyên bố có đoạn viết: “Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận phán quyết được công bố ngày 12/7 và hy vọng về một giải pháp cho cuộc tranh chấp tại Biển Đông thông qua các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo.”

Bộ trên tái khẳng định lập trường là hòa bình, ổn định và tự do hàng hải cũng như hàng không cần phải được đảm bảo tại khu vực trên - một tuyến đường thương mại hàng hải chủ chốt./.

TG



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất