Sáng 23/1, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, gặp mặt các đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh,
đất nước ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vô
cùng gian khổ. Cả nước có hơn 9 triệu người có công với cách mạng; gần
1,2 triệu người con ưu tú đã hy sinh anh dũng; hơn 800.000 người để lại
một phần xương máu nơi chiến trường; hàng trăm nghìn người bị địch bắt
tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 120.000 bà mẹ
được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng
nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
“Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân mãi ghi nhớ và đời đời biết ơn sự
hy sinh, cống hiến to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng
liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đối với
sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”,
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao và biểu dương thương binh,
bệnh binh, thân nhân liệt sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đã
không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu vươn lên,
tiếp tục góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Bằng ý chí, nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, thương binh, bệnh binh,
thân nhân liệt sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, gương mẫu đi đầu trong công
tác, chiến đấu, lao động, học tập, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ
sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và các phong trào
thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều người năng động, sáng tạo trong sản
xuất, kinh doanh, đi đầu trong các phong trào, vươn lên làm giàu, giải
quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tích cực góp phần xây dựng quê
hương, đất nước giàu mạnh, được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh
hiệu cao quý.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới chính sách đền ơn đáp nghĩa, góp phần
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia
đình liệt sĩ và người có công. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, pháp
luật về người có công ở một số địa phương còn có một số hạn chế, vướng
mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó
khăn trong cuộc sống. “Thời gian qua, Quốc hội, UBTVQH đã tăng cường
công tác giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người có
công với cách mạng, đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rà
soát, hoàn thiện thủ tục, không để sót người có công không được hưởng
chính sách”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết./.
(qdnd.vn)