Năm 2010 là năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2010) và là Năm Hữu nghị Việt - Trung. Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ về quan hệ Việt-Trung và các hoạt động sẽ diễn ra trong Năm hữu nghị Việt-Trung 2010.
** Thưa Đại sứ, năm nay là năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Đại sứ có nhận xét gì về chặng đường phát triển quan hệ Việt-Trung trong 60 năm qua?
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Ngày 18/1/1950, 4 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố “… sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam” và chưa đầy 3 tháng kể từ khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã chính thức công nhận lẫn nhau, thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc.
Trong 60 năm qua, tuy thời cuộc có lúc đổi thay, quan hệ có lúc thăng trầm, khúc khuỷu, nhưng tình hữu nghị Việt - Trung đã trải qua thử thách của thời gian và đang đứng trước những triển vọng tốt đẹp.
Đặc biệt, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5/2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Có thể nói, quan hệ Việt-Trung có những nền tảng cơ bản, có những điểm tương đồng hết sức quan trọng. Tình hữu nghị láng giềng truyền thống Việt - Trung - do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công gây dựng và vun đắp - là tài sản quý giá của hai nước, hai dân tộc; đòi hỏi mỗi người dân của cả hai nước phải cùng nhau nỗ lực giữ gìn và nâng niu.
Bất kỳ một ý nghĩ nào khác đều không đúng với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước ; không phù hợp với xu thế của thể giới hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển, thịnh vượng.
** Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, Năm hữu nghị Việt-Trung, hai nước sẽ tổ chức những hoạt động gì để kỷ niệm năm đặc biệt này?
|
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ |
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt với quan hệ Việt -Trung, là năm hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là năm được lãnh đạo hai nước xác định là “Năm Hữu nghị Việt - Trung”. Đây là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường hiểu biết và thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đưa mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung thực sự đi vào cuộc sống.
Năm hữu nghị Việt - Trung 2010 hứa hẹn nhiều hoạt động đa dạng, trong đó nổi lên hơn 30 hoạt động lớn, với 5 nhóm hoạt động chính.
Thứ nhất, về các hoạt động giao lưu kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung: Lãnh đạo hai nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan hai nước gửi điện mừng lẫn nhau; Tổ chức chiêu đãi trọng thể tại Hà Nội và Bắc Kinh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn về quan hệ hai nước; Tổ chức gặp gỡ Hữu nghị thanh niên Việt-Trung lần thứ 10 tại Việt Nam...
Thứ hai, về quan hệ và giao lưu chính trị: Hai bên tiếp tục duy trì các chuyến thăm và cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới. Lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ mời lãnh đạo các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và tỉnh Quảng Tây sang dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội….
Thứ ba, về hợp tác kinh tế, thương mại: Hai bên tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại, hội chợ, triển lãm tại cả hai nước như: Diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại, xúc tiến đầu tư Việt Nam-Trung Quốc; Việt Nam tích cực tham dự Hội chợ Triển lãm Quốc tế 2010 Thượng Hải.…
Thứ tư, tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân trên các lĩnh vực: văn hóa, thể dục thể thao… với nhiều hoạt động phong phú, nhằm giáo dục truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là đối với thế hệ trẻ như Tổ chức thi tìm hiểu về 60 năm quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc lần thứ nhất tại Việt Nam; Tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt Nam-Trung Quốc…
Thứ năm, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tuyên truyền báo chí, nhất là tuyên truyền hữu nghị, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, giới thiệu về đất nước con người Việt Nam và Trung Quốc, về quan hệ Việt-Trung.
** Đại sứ nhìn nhận thế nào về những tồn tại trong quan hệ Việt-Trung liên quan đến vấn đề Biển Đông?
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, những vấn đề do lịch sử để lại như biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc bộ đã được giải quyết ổn thỏa. Ngày 31/12/2008, hai nước đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài hơn 1.400 km. Ngày 18/11/2009, hai bên đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Sự kiện này đã chính thức kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước. Còn tại Vịnh Bắc bộ, sau khi tiến hành phân định, hai nước đã tiến hành tuần tra chung trên biển.
Hiện giữa hai nước còn có bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn Biển Đông. Đây là vấn đề do lịch sử để lại, có tính phức tạp nhất. Lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng là kiên trì thông qua đàm phán, hiệp thương hữu nghị tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề biển Đông trên cơ sở quan hệ láng giềng hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau; trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tuân thủ nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trong quá trình giải quyết, hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì ổn định trên biển, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, kể cả vấn đề nghề cá.
Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi này!./.