Thứ Năm, 28/2/2013 22:0'(GMT+7)
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
Bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp
Một trong những thiết chế mới được bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 là Hội đồng Hiến pháp (Điều 120). Đây là một bước cụ thể hóa
nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp
và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền
lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội đồng
Hiến pháp cần được thiết kế là một thiết chế độc quyền, có khả năng tài
phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn, bảo đảm cho tính độc lập
của hoạt động kiểm hiến và hiệu lực tối cao của Hiến pháp.
Nâng cao hơn tính độc lập và thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp
TS Đặng Minh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, theo quy định như
Điều 120 của Dự thảo, Hội đồng Hiến pháp không phải là một cơ quan tài
phán hiến pháp độc lập mà hoàn toàn là một cơ quan chính trị. Hội đồng
Hiến pháp không độc lập do được Quốc hội thành lập, giúp Quốc hội thực
hiện chức năng bảo hiến. Hội đồng Hiến pháp không có quyền tài phán mà
chỉ có quyền kiến nghị Quốc hội và các cơ quan Nhà nước xem xét khi phát
hiện các vi phạm Hiến pháp.
Theo kinh nghiệm và lý
thuyết bảo hiến, Hội đồng Hiến pháp với tư cách là một cơ quan chính trị
sẽ không có vai trò đáng kể nào trong việc bảo vệ Hiến pháp. Bị lệ
thuộc về tổ chức, Hội đồng Hiến pháp không thể kiểm hiến các văn bản
pháp luật do Quốc hội ban hành. Những thẩm quyền hạn chế của Hội đồng
Hiến pháp cũng khiến cơ quan này khó có thể thực hiện được nhiệm vụ của
cơ quan bảo hiến.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, việc thành lập
một Tòa án Hiến pháp độc lập, có thẩm quyền rộng rãi và tạo điều kiện
thuận lợi cho người dân được quyền khởi kiện trực tiếp là những điều
kiện tiên quyết tạo ra sự thành công của thiết chế bảo hiến. Nếu chưa
thành lập được Tòa án Hiến pháp, cũng cần cải cách theo hướng nâng cao
hơn tính độc lập và thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp.
Bảo đảm hiệu quả của hoạt động kiểm hiến
Theo Điều 120 của Dự thảo, “chế tài” mà Hội đồng Hiến pháp áp dụng khi
kiểm tra phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm Hiến pháp là
“kiến nghị Quốc hội xem xét lại”, và “yêu cầu” các cơ quan khác (không
phải là Quốc hội) “sửa đổi, bổ sung” hoặc “đề nghị” các cơ quan có thẩm
quyền hủy bỏ.
Theo PGS.TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật – Đại
học Quốc gia Hà Nội), Điều 120 của Dự thảo chưa trả lời được đầy đủ các
câu hỏi có tính nguyên tắc khi xây dựng một cơ quan xem xét sự vi phạm
pháp luật như: Cơ quan đó nằm ở vị trí nào trong cơ cấu nhà nước ? Có
chức năng, thẩm quyền gì ? Thủ tục làm việc ra sao ? Chế tài nào được áp
dụng ? Hiệu lực phán quyết như thế nào ?...Bên cạnh đó, cần chú ý, một
nguyên lý quan trọng bậc nhất là dù định chế kiểm hiến ở dạng thức nào
(mạnh hay yếu, nằm ở đâu trong cơ cấu quyền lực nhà nước), vẫn phải bảo
đảm cho các thành viên thực hiện trực tiếp hoạt động kiểm hiến được độc
lập.
PGS.TS Ngô Huy Cương đồng tình, Hội đồng Hiến pháp
là một định chế kiểm hiến thích hợp nhất đối với hoàn cảnh cụ thể của
Việt Nam hiện nay xét từ phương diện chính trị, kinh tế-xã hội, truyền
thống cũng như văn hóa pháp lý và trình độ luật học. Tuy nhiên, ông cũng
cho rằng, nên xác định nó là nấc thang để tiến tới việc xây dựng cơ
quan tài phán hiến pháp. Do đó, dù sao cũng cần có một Hội đồng Hiến
pháp hoạt động có hiệu quả. Để bảo đảm cho tính độc lập, hiệu quả của
hoạt động kiểm hiến, tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền, Dự thảo
cần xây dựng một chương riêng, quy định rõ về thành viên; nhiệm vụ,
quyền hạn, thủ tục hoạt động...của Hội đồng Hiến pháp.
Cân nhắc mô hình tòa án hiến pháp
Theo nhận xét của TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật),
việc hiến định cơ quan bảo hiến chuyên trách thể hiện một bước tiến quan
trọng không chỉ về tư duy lập hiến mà còn về tư duy pháp quyền ở Việt
Nam. Đồng thời, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và mở ra một
khả năng mới trong việc bảo vệ hiệu quả tính tối cao của Hiến pháp, khắc
phục hạn chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” và những bất cập về trình tự,
thủ tục của mô hình Quốc hội giám sát sự tuân thủ Hiến pháp hiện nay.
Tuy nhiên, TS Vũ Công Giao cũng đặt vấn đề: Trong bối cảnh Việt Nam,
nên lựa chọn mô hình hội đồng hiến pháp hay mô hình tòa án hiến pháp ?
Đồng thời, ông chia sẻ thêm một cách nhìn khác cho rằng: Mô hình hội
đồng hiến pháp chủ yếu chỉ mang tính phòng ngừa chứ không nhằm xử lý
những vi phạm hiến pháp đã xảy ra. Do đó, không thể đáp ứng yêu cầu xây
dựng nhà nước pháp quyền và tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay đòi
hỏi phải có cơ chế xử lý những vi phạm hiến pháp. Thêm vào đó, với thành
phần bao gồm các nhà chính trị, mô hình hội đồng hiến pháp khó có thể
xử lý hiệu quả những vấn đề hiến pháp gây tranh cãi mà thông thường rất
phức tạp, đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cao. Ngoài ra, thủ tục
làm việc của hội đồng hiến pháp thường thiếu đặc trưng tố tụng. Trong
khi đó, mô hình tòa án hiến pháp khắc phục được tất cả các hạn chế này.
Mặc dù vậy, TS Vũ Công Giao cho rằng, dù lựa chọn mô
hình nào thì việc dành một điều duy nhất trong Hiến pháp cho thiết chế
quan trọng này như Dự thảo cũng là vấn đề cần xem xét thêm. Điều 120 Dự
thảo mới chỉ đề cập đến thẩm quyền thành lập và chức năng mà chưa hoặc
mới đề cập rất khái quát các yếu tố như cấu trúc tổ chức, số lượng,
nhiệm kỳ, thủ tục, điều kiện bầu các thành viên, hiệu lực phán quyết,
thủ tục làm việc...của Hội đồng Hiến pháp. Việc để những vấn đề quan
trọng này cho luật định có khả năng thiết chế này sẽ trở nên hình thức
và thiếu ổn định, do luật dễ thay đổi nhiều hơn so với Hiến pháp – TS Vũ
Công Giao bày tỏ lo ngại./.
(Thanh Hòa/TTXVN)