Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 4/10/2012 8:45'(GMT+7)

Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi)

Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào tháng 10/2012. Luật có 6 chương 59 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích của hoạt động xuất bản, bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, khiếu nại tố cáo trong hoạt động xuất bản, điều kiện thành lập nhà xuất bản, nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử. Dự thảo có nhiều điểm mới so với Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008. 

Tại Thái Nguyên, các đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật cần phân định rõ những loại tài liệu phải thu phí thẩm định nội dung chứ không thu tất cả. Chẳng hạn như chỉ nên thu phí thẩm định các loại sách, kỷ yếu, tuyển tập... của các tổ chức, cá nhân. Không nên quy định thu với những tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các tài liệu truyền thông về y tế, giáo dục, những tài liệu không nhằm mục đích kinh doanh và đã được thẩm định về nội dung, được phát hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Đối với việc cấp giấy phép xuất bản tài liệu không nhằm mục đích kinh doanh, có ý kiến cho rằng khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xuất bản chỉ cần nộp kèm theo hai bản thảo tài liệu (trong dự thảo Luật quy định nộp ba bản), trong đó một bản lưu tại cơ quan cấp phép và một bản trả lại cho đơn vị đề nghị cấp phép, tránh gây lãng phí cho đơn vị cần cấp phép.

Còn tại Đồng Nai, các đại biểu cho rằng, dự Luật này chi tiết, cụ thể hơn so với một số Luật trước đây. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần trao đổi, làm rõ. Cụ thể, về sách điện tử, dự Luật chưa nói rõ về xâm phạm bản quyền sách điện tử qua mạng, do đó Luật nên bổ sung thêm điều khoản về vấn đề này.

Việc liên kết xuất bản, các đại biểu cho rằng không nên cho phép đơn vị liên kết tham gia đọc bản thảo. Dự thảo cũng cần thu hẹp đối tượng cho phép hoạt động nhà xuất bản, nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý được thực hiện tốt hơn; bỏ quy định việc thu hồi cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Về quy định đăng ký xuất bản, các đại biểu đề nghị nên đăng ký từ đầu năm chứ không nên đăng ký xuất bản theo từng ấn phẩm. Ngoài ra, một số vấn đề như: Cấp phép cho các nhà in hoạt động, Nhà nước không xét duyệt tác phẩm trước khi xuất bản… nhiều đại biểu đề nghị nên bổ sung, giải thích từ ngữ rõ ràng, điều chỉnh để phù hợp với thực tế./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất