Tính chính xác, Giải vô địch điền kinh 2009 chỉ có 3 kỷ lục của Vũ Thị Hương (100m nữ), Văn Huyện (nhảy sào nam), Thanh Trúc (ném búa). Con số quá ít so sánh với kỳ vọng đặt vào các tuyển thủ, một điều đáng để lo khi SEA Games 25 đã cận kề...
Một chút mừng
Giả sử, vụ tranh chấp giữa TPHCM và Ninh Bình về nhà vô địch châu Á Trương Thanh Hằng không nóng lên trước thềm giải VĐQG 2009, rất có thể Thanh Hằng đã vượt qua được ít nhất 1 kỷ lục QG mà cô đang nắm giữ. Tuy nhiên, chỉ vì hành động không đẹp của ngành thể thao TPHCM đã khiến Hằng mất cơ hội thi đấu giải vô địch đầu tiên cho đơn vị mới Ninh Bình.
Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý thi đấu của cô và trên thực tế, Thanh Hằng chỉ chạy cho có vì chẳng có động lực phấn đấu. Thành tích 2’02”32 ở cự ly 800m của Hằng lại nói lên nhiều điều. Cô vẫn ổn định phong độ, dù vừa trải qua khá nhiều sóng gió. Dẫu thành tích này chưa làm hài lòng HLV trực tiếp của cô là Hồ Thị Từ Tâm, nhưng trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 25, đấy là kết quả tập luyện vượt ngưỡng yêu cầu.
Ấn tượng nhất trong số các tuyển thủ ở cuộc kiểm tra quan trọng này là “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, người mang về cho điền kinh An Giang 4 tấm HCV, trong đó có 2 HCV ở các nội dung tiếp sức 4x100m và 4x200m. Kỷ lục QG 11”43 ở cự ly ruột của Hương là 100m đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của cô gái gốc Thái Nguyên, sau gần 1 năm vắng mặt vì chấn thương cổ chân phải.
Sự trở lại của Hương đá xóa tan mối nghi ngờ về phong độ của cô trong suốt thời gian vừa qua. Đồng thời, thắp sáng trở lại hy vọng Hương sẽ giành trọn 2 tấm HCV ở các cự ly ngắn tại SEA Games 25 vào cuối năm.
Văn Huyện đã gây bất ngờ với kỷ lục môn nhảy sào nam
Một tuyển thủ gây ngạc nhiên khác là Vũ Văn Huyện của Quân Đội. Ai cũng biết Huyện thành danh nhờ sở trường 10 môn phối hợp. Nhưng thật bất ngờ, ở giải năm nay, Huyện phá kỷ lục QG nội dung nhảy sào với thành tích 4m70 (tương đương mức HCĐ của SEA Games). Tất nhiên, trước khi lên ngôi ở nội dung nhảy sào, Huyện đã kịp bổ sung vào bảng huy chương của mình tấm HCV 10 môn phối hợp. Nói chung, Huyện là một trong số những tuyển thủ thi đấu ổn định và là cơ sở để điền kinh Việt Nam tin tưởng vào mục tiêu “vàng” trên đất Lào.
Không cần vội vã, cũng chẳng phải vận hết sức, Nguyễn Đình Cương (Ninh Bình) vẫn dễ dàng thắng ở 2 đợt chạy chung kết 800 và 1.500m nam. Kinh nghiệm phân phối sức, khả năng tung ra cú nước rút ở khoảng 200m cuối của Cương vẫn là thách thức đối với mọi đối thủ trong nước. Và rõ ràng, người ta buộc phải đặt niềm tin ở VĐV về một cú “ăn 2” khác ở SEA Games giống như năm 2007.
Nhiều nỗi lo
Trái ngược với hình ảnh ấn tượng của Hương, Huyện, Hằng hay Cương chính là sự sa sút phong độ đến lo ngại của “nữ hoàng nhảy cao” Bùi Thị Nhung (Hải Phòng). Nhung có chuyên gia Misa kèm cặp, được chăm bẵm đầu tư và luôn được “quyền ưu tiên” dự các giải đấu quốc tế quan trọng. Nhưng giờ đây, cô gái đất Cảng đã bước qua thời đỉnh cao của mình.
Không phải tuyển thủ nào cũng duy trì được phong độ như Đình Cương
Ở giải vô địch 2009, cô chỉ qua được mức xà 1m86, thấp hơn so với thành tích của chính mình cách đây 2 năm. Trước đó Nhung vừa thất bại ở giải vô địch thế giới ở Italia khi không qua nổi mức xà 1m80, đấy là lý do khiến BHL đội tuyển điền kinh phải âu lo. Đối thủ của Nhung ở đấu trường Đông Nam Á là Chaipetch (Thái Lan) dạo này thường tập ở mức xà từ 1m89-1m92. Nếu tiếp tục sa sút, Nhung gần như mất cơ hội bảo vệ tấm HCV nhảy cao nữ ở kỳ SEA Games tới.
Rất nhiều người đã tin tưởng, kỷ lục gia Nguyễn Duy Bằng sẽ có màn trình diễn ấn tượng ở giải vô địch, cơ sở để đưa anh trở lại với đội tuyển quốc gia. Song, Bằng đã thất bại và mức xà 2m00 tại giải vừa qua có thể coi là dấu chấm hết cho con đường lên đội tuyển.
Nguyễn Thị Thu Cúc (7 môn phối hợp), Nguyễn Văn Huynh (100 và 200m nam), Nguyễn Văn Hùng (nhảy xa, nhảy 3 bước), Bùi Thị Hiên (10.000m và marathon nữ), Nguyễn Đăng Đức Bảo (10.000m và marathon nam)…cũng rời giải vô địch 2009 với thành tích khá khiêm tốn.
Điều đó chỉ ra rằng, nguồn nhân lực của điền kinh Việt Nam vẫn chưa ổn trong cuộc hành trình đến SEA Games 25 vào tháng 12…
Theo Báo Dân Trí