Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 10/11/2018 9:18'(GMT+7)

Nhìn xa hơn từ "vẽ bậy"

 

Chuyện viết bậy vào di tích diễn ra ở tận Nhật Bản, tại thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, nhưng lại làm xôn xao dư luận Việt Nam. Bởi dù chưa xác định được thủ phạm, nhưng chữ viết lên di tích lại là... chữ quốc ngữ. Trên facebook có người đã viết rằng: Có thể một người nào đó ác cảm với người Việt ở Nhật nên đã viết bậy lên di tích để đổ lỗi cho người Việt. Không riêng tôi, nhiều người thầm mong đó là sự thật. Nhưng thực tình, hy vọng đó rất mong manh...

Viết, vẽ bậy nơi công cộng là sự lạ ở Nhật, nhưng viết, vẽ bậy vô tội vạ lại rất quen thuộc ở Việt Nam. Ở trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến, bên hồ Hoàn Kiếm có tháp Hòa Phong. Tòa tháp cổ kính là một điểm nhấn kiến trúc bên hồ. Khách du lịch rất thích ghi hình bên tòa tháp khi đến Hà Nội. Nhưng nhiều khách du lịch đến đây tưởng rằng tháp Hòa Phong là tòa tháp tượng trưng cho… "tình yêu". Bởi khắp thân tháp chằng chịt những chữ viết đủ loại. Nhiều nhất chính là những lời tỏ tình, hình trái tim. Có một nhóm sinh viên quá xấu hổ khi tòa tháp bị bôi bẩn nhếch nhác đã tình nguyện xóa những dòng chữ ấy. Song vừa xóa đi hôm trước, hôm sau lại có chữ viết mới. Viết bằng bút chưa thỏa mãn, nhiều người kỳ công khắc tên mình lên những viên gạch, đá trên tháp. Viết bằng bút xóa còn có thể khắc phục. Khắc lên thì hoàn toàn bó tay.

Ở Hà Nội, một địa danh ngày đêm phải "chống chọi" với viết, vẽ bậy khác là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bảo vệ di tích này thường xuyên phải đề cao cảnh giác, nếu không muốn di tích bị bôi bẩn bất cứ lúc nào. Các di tích ở cố đô Huế cũng không khá hơn. Người ta còn chui cả vào đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ, cũng để vẽ bậy. Bia đá trên núi Bài Thơ ở Quảng Ninh, Nhà thờ Đức Bà ở TP Hồ Chí Minh… đều là những "nạn nhân" tiêu biểu. Di tích vốn được bảo vệ bằng nhiều điều luật đã vậy, các không gian công cộng tất nhiên, cũng trong tình trạng tương tự.

Tất cả những người Việt học qua bậc tiểu học đều biết câu chuyện "Đẹp và không đẹp". Một cậu bé vẽ con ngựa trên bức tường. Cậu bé được nhắc nhở ngay lập tức: Con ngựa đẹp, nhưng làm bẩn bức tường của nhà trường. Nhắc lại câu chuyện này để thấy, nền giáo dục Việt Nam không phải không quan tâm đến dạy dỗ ý thức con người. Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những quy định rất nghiêm. Điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Mức phạt không thể coi là thấp, nếu so với thu nhập của người Việt. Nhưng thực tế, ở đâu có di tích, ở đó có vẽ bậy dường như là "mệnh đề không thay đổi".

Trở lại với vụ vẽ bậy ở Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên xảy ra viết bậy ở tòa thành cổ Yonago. Ngay khi thông tin về vụ vẽ bậy lên viên đá được đưa lên báo, dư luận Nhật phản ứng gay gắt. Cơ quan chức năng nhanh chóng tìm biện pháp để bảo tồn viên đá. Còn cảnh sát vào cuộc để truy tìm thủ phạm. Hẳn nhiều người cũng thấy lạ. Bởi cùng một hành vi, nhưng cách phản ứng của Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn khác. Đã có bao nhiêu trường hợp bị phạt khi viết, vẽ bậy lên tháp Hòa Phong, chùa Thiên Mụ... trong hàng nghìn người đã từng để lại "dấu ấn" của mình? Đến đây, có lẽ, chúng ta đã tìm ra câu trả lời cho câu chuyện vẽ bậy.

Vứt rác ra đường là bị phạt. Hút thuốc lá nơi công cộng là bị phạt... Tất cả đều có quy định rõ ràng về khung hình phạt. Nhưng cũng như vẽ bậy, chúng luôn là vấn nạn dai dẳng bởi yếu kém ở khâu thực thi các quy định pháp luật. Yếu kém này đã dung dưỡng cho những thói hư tật xấu tồn tại qua năm tháng. Nếu chưa tin thì hãy thử đến bệnh viện và châm hút thuốc ngay bên tấm biển “Cấm hút thuốc”, sẽ rất khó để bạn tìm được người... phạt mình. Còn nhớ người Việt ai cũng mê đốt pháo vào dịp Tết. Nhưng khi Chính phủ cấm buôn bán, tàng trữ và đốt pháo, dù không ít người vẫn lưu luyến, họ vẫn phải chia tay với thói quen đã ăn sâu. Lý do rất đơn giản: Vi phạm liên quan đến pháo nổ luôn bị phạt rất nghiêm. Đến nỗi, nhiều người bảo “nghiêm như cấm pháo”.

Tôi mới trò chuyện với một cán bộ văn hóa về việc Hà Nội triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã gần hai năm, nhưng nạn lấn chiếm vỉa hè, lộn xộn ở di tích, nơi công cộng... vẫn cứ dai dẳng. Vị cán bộ này đã thẳng thắn trả lời: "Vận động không bao giờ là đủ. Cái cốt yếu là ở chế tài, và thực hiện chế tài".

 

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất