NHỚ NGÀY ĐÓN BÁC
60 năm đã qua, nhưng nhiều người vẫn nhớ như in lúc ấy, tại sân vận động Thuận Châu, hàng ngàn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi náo nức kéo về trung tâm huyện, chờ đợi giây phút được thấy Bác Hồ. Nét mặt hiền từ và giọng nói ấm áp của Bác thấm sâu vào lòng người khiến ai nghe cũng trào dâng một niềm xúc động. Bác Hồ đã căn dặn đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo vệ rừng, phát triển bình dân học vụ, chăm lo vệ sinh, phòng bệnh…
Vinh dự được tặng hoa Đoàn cán bộ Trung ương lúc bấy giờ, bà Cầm Thị Tuyết Nga, cựu học sinh Trường Trần Đăng Ninh Khu tự trị Thái - Mèo chia sẻ: 60 năm đã qua, nhưng những cảm xúc bồi hồi của lần gặp Bác Hồ ngày 7/5/1959 vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bà. Lúc đó, bà 14 tuổi và đang học lớp 5.
“Sáng 7/5/1959, chúng tôi được thầy hiệu trưởng thông báo đi đón đoàn cán bộ Trung ương do Bác Hồ dẫn đầu lên thăm khu Tây Bắc. Tôi vô cùng sung sướng và hồi hộp, háo hức xen lẫn tự hào. Chúng tôi mặc quần áo đẹp, quàng khăn đỏ và được đưa đến chờ đón đoàn ở gần khán đài sân vận động Thuận Châu, nơi tổ chức cuộc mít tinh đón Bác. Lúc này, sân vận động đã đông nghịt người và cờ hoa. Nét mặt ai cũng phấn khởi, mong chờ. Chúng tôi ai cũng háo hức, mong ngóng đoàn cán bộ Trung ương đến thật nhanh để được nhìn thấy Bác; được gần và được nắm tay Bác. Bỗng có tiếng nói to: Bác Hồ, Bác Hồ đến rồi kìa. Tất cả chúng tôi ai cũng nhìn sang và thấy Bác đang cùng đoàn đi tới. Bác Hồ đi trước, tay giơ cao, tươi cười vẫy chào mọi người. Cùng lúc đó, chúng tôi ùa đến xung quanh Bác và giơ bó hoa tặng Bác, quên cả lời dặn của người phụ trách. Bác dừng lại lần lượt nắm lấy tay chúng tôi rồi nhận một bó hoa và nhắc chúng tôi tặng hoa các bác khác trong đoàn. Lúc đó, tôi sực nhớ ra và chạy đến tặng hoa cho một bác trong đoàn…”, bà Cầm Thị Tuyết Nga kể lại.
Cũng theo bà Cầm Thị Tuyết Nga: Lúc đó, từ trên khán đài, bà nhìn xuống sân vận động, một biển người rực rỡ các sắc màu dân tộc và các thành phần xếp từng khối, giơ cao biểu ngữ, cờ hoa, thỉnh thoảng lại hô vang bằng tiếng Kinh và tiếng Thái “Hồ Chủ Tịch muôn năm; Hồ Chủ Tịch muôn năm…”. Khi Bác nói chuyện với toàn thể đồng bào dự mít tinh, cả sân vận động im phăng phắc nghe từng lời nói của Người. Lúc đó, tuy bà còn nhỏ tuổi nhưng cũng chú ý nghe Bác nói chuyện. Bác nói nhiều nội dung, nhưng bà nhớ nhất đoạn căn dặn: “Các cháu thiếu nhi phải học tập tốt, lao động tốt, giữ kỷ luật tốt, giữ vệ sinh tốt”.
“Đối với tôi, cuộc gặp Bác năm ấy là niềm tự hào và là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời. 60 năm trôi qua, nhưng những cảm xúc được đón Bác năm ấy vẫn không thể nào quên trong đời. Làm theo lời căn dặn của Bác, tôi đã ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện. Trong suốt các năm học phổ thông, tôi đều đạt học sinh khá và giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, tôi vào học Trường Đại học Y Hà Nội và ra trường trở thành bác sỹ nhi khoa, tham gia góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bà Cầm Thị Tuyết Nga tâm sự.
ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
60 năm trôi qua, những lời căn dặn ân cần của Bác năm xưa vẫn luôn là niềm cổ vũ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, huyện Thuận Châu nói riêng vượt qua khó khăn, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Châu Vũ Xuân Cường, những năm 1959, 1960, Thuận Châu hầu như cơ sở vật chất chưa có gì, đời sống của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nền kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém… Song với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu đã không ngừng phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà các kỳ Đại hội Đảng đã đề ra, đưa địa phương từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đi lên phát triển kinh tế - xã hội.
Trải qua 20 nhiệm kỳ đại hội, huyện Thuận Châu đã vận dụng sáng tạo và đưa ra những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Huyện Thuận Châu đã tập trung củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình kinh tế, hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung. Cùng với đó, huyện Thuận Châu quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao tiềm lực kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu Nguyễn Đức Thặng cho biết, hiện nay, địa phương đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; vận động người dân đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã triển khai được 5 chuỗi liên kết sản xuất đối với các sản phẩm xoài, bơ, cam, chanh leo, thanh long ruột đỏ với tổng diện tích 654,32 ha; một số sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu như chè Phổng Lái - Thuận Châu, khoai sọ Thuận Châu, cà phê Sơn La, táo sơn tra Sơn La.
Đặc biệt, năm 2018, Thuận Châu đã xuất khẩu được 704,6 tấn chanh leo sang thị trường các nước Trung Quốc, Pháp; trên 968,000 tấn chè sang thị trường Đài Loan; 980 tấn cà phê sang thị trường Trung Quốc, châu Âu và các nước Mỹ La Tinh; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 170 tỷ đồng.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, huyện Thuận Châu đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, đời sống người dân được tăng lên. Toàn huyện có 92,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Các tiêu chí về chuẩn nông thôn mới ở Thuận Châu tăng dần hàng năm. Toàn huyện đạt 8,89 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; đồng thời giữ vững xã Phổng Lái đạt chuẩn nông thôn mới.
Song song với đó, huyện Thuận Châu luôn chú trọng đến công tác văn hóa - xã hội. Thuận Châu hiện có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đủ tuổi đạt trên 99%; 28/115 trường đạt chuẩn quốc gia; tổ chức tốt nấu ăn tập trung bán trú tại 29 trường với 5.829 học sinh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt được những kết quả tích cực. Toàn huyện hiện có 18/29 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,8%; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Ngoài ra, huyện Thuận Châu đã thực hiện tốt nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc di và đón trên 1.570 hộ dân với 7.897 nhân khẩu đến định cư tại 11 khu, 37 điểm tái định cư; đời sống của đồng bào tái định cư cơ bản ổn định và phát triển.
Với những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thuận Châu có thể tự hào về nơi đã đón Bác lên thăm Tây Bắc tại Sơn La.
Nguyễn Cường/TTXVN