Là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, Sa Thầy có đường biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia dài 34,3 km, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80%, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nơi đây, các thế lực thù địch thường tập trung chống phá chính quyền, móc nối lôi kéo người vượt biên trái phép, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh phong trào “Lực lượng vũ trang (LLVT) chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Sa Thầy đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân trên địa bàn chung sức xây dựng quê hương ngày càng no ấm, yên vui.
Nhằm khơi dậy sức mạnh của toàn dân, LLVT huyện đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp “nói cho dân hiểu” với “làm để dân tin”, từ đó các tầng lớp nhân dân dần nâng cao nhận thức về vai trò và chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, thấy được nhiệm vụ này vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình, tích cực tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp được phát huy, tạo “cầu nối” đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Ban CHQS huyện đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức ra quân bảy đợt làm công tác dân vận. Huy động hơn 6.000 ngày công lao động để làm mới 4.050 m đường bê-tông, xây dựng hơn 10 km đường điện thắp sáng, nạo vét 3,4 km kênh mương, khắc phục 600 m đường lầy lội và kè đá sạt lở, làm mới và củng cố 3,5 km đường liên thôn... Cùng với đó, bằng trách nhiệm và hành động cụ thể, LLVT huyện luôn thực hiện tốt chính sách xã hội, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, Cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, thăm, tặng quà đối tượng chính sách, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng. Xây dựng cơ sở hạ tầng gắn cải tạo cảnh quan, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo môi trường thuận lợi nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện chủ trương của Quân khu 5 tham gia “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, Ban CHQS huyện cùng địa phương tiến hành khảo sát, chọn những hộ khó khăn có tiêu chí phù hợp để thực thi phương án giúp đỡ hiệu quả; hỗ trợ nhân công, giống, vốn, công cụ sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc… Đến nay, LLVT huyện đã giúp được 10 hộ dân vươn lên thoát nghèo; đồng thời, nhận đỡ đầu hai học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 300 nghìn đồng/cháu/tháng; mua lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở để các cháu có điều kiện đến trường. Bằng bàn tay, công sức, tâm huyết và thực hành “Hũ gạo tiết kiệm”, kết hợp huy động quỹ vốn từ tăng gia, chăn nuôi, cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự huyện, dân quân các địa phương đã góp phần tạo nên sự thay da đổi thịt của huyện biên giới. Đến nay, huyện đã có hai xã Sa Sơn và Sa Nhơn đủ 19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, khẳng định: Sự chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ giữa LLVT huyện với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần đem lại diện mạo quê hương ngày càng khang trang, đời sống của bà con ngày càng đi lên. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” của LLVT thật sự có sức lan tỏa sâu rộng, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, củng cố tiềm lực chính trị trong khu vực phòng thủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương, tô thắm phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Theo Nhân dân