“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân
thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình là hình ảnh không còn
lạ lẫm với nhiều người dân về công việc của các cộng tác viên dân số tại
tỉnh Bắc Kạn.
Ở một địa phương kinh tế còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, công việc của
các cộng tác viên dân số vốn đã vất vả lại càng gian nan hơn, song không
vì thế mà họ mất đi sự say mê với nghề, yêu nghề. Có những người đã gắn
bó với nghề hơn mười năm, có người hai mươi năm… Ở họ, được giúp cho bà
con hiểu về chính sách dân số, giúp bà con đỡ khổ, đỡ nghèo vì đẻ nhiều
chính là niềm vui không gì sánh được.
Chị Hoàng Thị Mọn (thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông)
là người đã gắn bó với công việc của một cộng tác viên dân số từ năm
1994, tuổi nghề 22 năm thì 20 năm trong bản của chị không có người sinh
con thứ 3. Chị Mọn cho biết, trong thôn chị có 5 đồng bào dân tộc sinh
sống, nhưng đa số là dân tộc Tày. Những ngày đầu đi vận động bà con kế
hoạch hóa vô cùng khó khăn vì quan niệm “có con nối dõi, thờ cúng” đã ăn
sâu vào phong tục, nếp nghĩ của đồng bào. Thế nhưng, như con ong cần
mẫn với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hằng ngày chị Mọn vẫn đến từng
ngõ, gõ cửa từng nhà, có những hộ gia đình cách quá xa phải đi mất cả
ngày đường mới đến nơi để tuyên truyền, vận động. Chị không nhớ đã vượt
bao nhiêu quãng đường đèo, lội bao nhiêu con suối để đến các hộ dân vì
mục tiêu kế hoạch hóa gia đình.
Chị kể, để vận động được người chồng đồng ý cho vợ đi triệt sản cũng đã
mất cả tháng trời. Nhưng đến ngày đoàn cán bộ của huyện về làm công tác
triệt sản nữ, thì anh chồng “bỏ mặc”, muốn đi triệt sản thì tự đi, không
có ai trông con thì ôm cả con đi. Vì thế, những cộng tác viên dân số
như chị lại nhận nhiệm vụ trông con kiêm người chăm sóc các chị ở tại
trạm thay cho người thân trong gia đình. Công việc khó khăn, vất vả là
vậy nhưng chị Mọn cũng đã gắn bó được hơn 20 năm và giờ đây người dân
thôn Bắc Lanh Chang đặt cho chị cái tên gần gũi là “chị Mọn dân số”.
Là người có 18 năm gắn bó với công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, anh
Bàn Văn Sảo, cộng tác viên dân số thôn Mả Khao, xã Cao Tân, huyện Pác
Nặm, Bắc Kạn cho biết, tại địa bàn thôn nơi anh phụ trách có 2 dân tộc
sinh sống là người Dao (80%) và người Mông (20%). Do đó, khó khăn lớn
nhất trong công tác vận động người dân thực hiện tốt các chính sách dân
số-kế hoạch hóa gia đình là việc thay đổi nhận thức của bà con bởi lẽ
nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu chi phối khá
nhiều tư tưởng, quan điểm của người dân.
Theo anh Sảo, đối với đồng bào dân tộc Mông, nhất là trong tư tưởng của
nam giới, việc mỗi gia đình phải có con trai để thờ cúng tổ tiên là việc
quan trọng nhất. Do đó, với những cặp vợ chồng đã sinh con gái, họ sẽ
cố sinh cho bằng được con trai hay nói cách khác là đẻ đến khi nào có
con trai thì thôi. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính
khi sinh ngày càng bị nới rộng. Bên cạnh đó, việc thích sinh nhiều con
và kết hôn sớm để thêm người lao động cũng là những thách thức không nhỏ
đối với cộng tác viên dân số như anh. Tuy nhiên, bằng việc tích cực đi
tận ngõ, gõ tận cửa cùng với việc lồng ghép tuyên tuyền với Đoàn Thanh
niên, Hội Phụ nữ, từ năm 2011 đến nay, thôn Mả Khao không còn người sinh
con thứ 3, tình trạng tảo hôn cũng giảm đi rõ rệt. Năm 2016, toàn thôn
không còn trường hợp nào kết hôn sớm.
Tham gia làm cộng tác viên dân số với thời gian không nhiều như chị Mọn,
anh Sảo, chị Ma Thị Liên, cộng tác viên dân số thôn Nà Pạ, xã Yên Cư,
Chợ Mới tâm sự: “Lúc mới làm cũng gặp nhiều khó khăn, một là bản thân
tôi còn nhiều bỡ ngỡ với các kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, hai
là nhiều bà con chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế
hoạch. Hơn nữa, để đẩy lùi những tư tưởng lạc hậu đã ăn sâu trong nhận
thức của bà con cũng không phải là chuyện một sớm một chiều”.
Chị kể, đến nhiều hộ gia đình, người dân thấy bóng dáng mình là họ đi
trốn, không muốn gặp. Có gia đình ra gặp thì lại lý sự, nhất là các cụ
già, các cụ thường bảo “tại sao lại phải đẻ ít?”, “có thì đẻ thôi, sao
phải kế hoạch?”, “không đẻ con trai thì lấy đâu ra người hương khói khi
chúng tôi qua đời?”. Khó khăn là thế nhưng chị Liên quyết không nản
lòng. Nhờ sự kiên trì và trách nhiệm với công việc nên nhận thức của
người dân thôn Nà Pạ đã được nâng lên. Bà con không còn quá coi trọng
con trai hơn con gái cũng như mô hình sinh ít con đã dần được chấp nhận
rộng rãi.
Không chỉ chị Liên, chị Mọn, anh Sảo mà rất nhiều cộng tác viên dân số
của tỉnh Bắc Kạn vẫn đang vượt qua mọi khó khăn, vẫn nỗ lực hằng ngày,
hằng giờ đến các hộ gia đình vận động sinh đẻ có kế hoạch, hạn chế tình
trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Họ như những con ong chăm chỉ
đang hằng ngày nhả mật cho đời, góp phần cho công tác dân số-kế hoạch
hóa gia đình của tỉnh ngày càng thành công. Họ làm việc vô tư và đầy
trách nhiệm, nói như chị Mọn thì “mức thù lao cả tháng cũng chỉ bằng đi
làm thêm một hai ngày, nhưng chúng tôi yêu công việc và thấy hạnh phúc
vì đem lại niềm vui cho nhiều gia đình”./.
Theo Chinhphu.vn