Các cuộc thảo luận diễn ra trước thềm vòng đàm phán được dự báo là khó
khăn giữa các bên liên quan, dự kiến nối lại vào tuần tới tại Thụy Sĩ,
về hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Đến nay, nội dung dỡ bỏ lệnh trừng phạt chủ yếu tập trung vào các biện
pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực tài
chính và năng lượng của Iran. Đây cũng sẽ là điểm mấu chốt trong cuộc
đối thoại tới đây giữa Iran và Nhóm P5+1.
Ngoài ra, đại diện các nước trong Nhóm P5+1 cũng đang thảo luận về một
dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nới lỏng
các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân Iran vốn áp đặt
từ tháng 12/2006.
Theo giới phân tích, các cuộc thảo luận này có thể khiến Quốc hội Mỹ gặp
khó khăn trong việc xóa bỏ thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt
nhân của Tehran như đã cảnh báo trong bức thư ngỏ của các Thượng nghị sỹ
đảng Cộng hòa.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu trước Quốc hội rằng
thỏa thuận hạt nhân với Iran không mang tính bắt buộc pháp lý, điều này
có nghĩa là vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có thể điều chỉnh nội dung
thỏa thuận này.
Tuy nhiên, theo các chính trị gia phương Tây, nghị quyết của Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc mang tính bắt buộc pháp lý, vì vậy đảng Cộng hòa
khó có thể đảo ngược tình hình.
Hiện Iran và nhóm P5+1 đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng
về chương trình hạt nhân của nước này trước ngày 31/3 tới và đạt được
thỏa thuận đầy đủ trước ngày 30/6, theo đó Iran tạm dừng chương trình
hạt nhân trong ít nhất 10 năm đổi lại việc các nước phương Tây dỡ bỏ dần
dần lệnh cấm vận đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này./.
Theo TTXVN