(TG) - Mục tiêu đến năm 2030, 90 % người tham gia giáo dục nghề nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn sau đào tạo
Trước yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, với tiến bộ khoa học-công nghệ.
Theo quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và số liệu điều tra lao động việc làm và kết quả dự báo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm về nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp của một số lĩnh vực, ngành, nghề như sau:
Đến năm 2020: Tổng số nhân lực qua đào tạo khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp năm 2020 khoảng 39 triệu trong đó: đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu người, chiếm khoảng 54,0% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế; bậc trung cấp là khoảng gần 12 triệu người (khoảng 27,0%); bậc cao đẳng là hơn 3 triệu người (khoảng 7,0%). Giai đoạn 2016 - 2020, cần đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 12 triệu người trong đó: trình độ cao đẳng là 1.440.000 người (chiếm khoảng 12%), trình độ trung cấp là 1.760.000 người (chiếm khoảng 14,5%), trình độ sơ cấp là 8.800.000 (chiếm khoảng 73,5%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong tổng số lao động của từng lĩnh vực: trong nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 35%; trong công nghiệp - xây dựng 63% và trong dịch vụ 50%, cụ thể:
Nhân lực khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp: dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo các trình độ của khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ gần 13 triệu người đến năm 2020, trong đó, trình độ SC chiếm 69,5%; trình độ trung cấp chiếm 22,5%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 6,0%.
Nhân lực khối ngành Công nghiệp - Xây dựng: dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo các trình độ của khối ngành công nghiệp - xây dựng là 16 triệu. Trong đó, trình độ sơ cấp chiếm khoảng 56,0%; trình độ trung cấp chiếm 33,5%; trình độ cao đẳng chiếm 4,0%.
Nhân lực khối ngành Dịch vụ(1): dự báo đến năm 2020, số nhân lực qua đào tạo của khối ngành dịch vụ gần gần 15 triệu người. Trong đó, trình độ sơ cấp chiếm khoảng 37,0%; trình độ trung cấp chiếm khoảng 23,0%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 12,0%.
Đến năm 2025: Nước ta có 78,07 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó ở nông thôn là 46,56 triệu người, chiếm 59,64%. Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gần 63 triệu người, số lao động trong độ tuổi là 52,8 triệu người; nhân lực trong nông nghiệp chiếm 35 - 38% (năm 2020) và 28,3% (năm 2025), trong công nghiệp - xây dựng chiếm 31% (năm 2020) và 25,1% (năm 2025) và trong dịch vụ chiếm 27,0% - 29% (năm 2020) và 46,6% (năm 202%) tổng nhân lực trong nền kinh tế(2). Trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, số lao động giản đơn là khoảng 12,42 triệu người, chiếm 20,1%; số lao động có kỹ năng trong nông, lâm, ngư nghiệp là 9,21 triệu người, chiếm 14,9%; số công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp là 7,7 triệu người, chiếm 12,46% và số lao động thủ công là 7,50 triệu người, chiếm 12,13%, lao động chuyên môn bậc trung là 1,82 triệu người, chiếm 2,94%.
Như vậy, đến năm 2025 lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ trong đó chủ yếu chuyển sang ngành dịch vụ. Nhu cầu xuất khẩu lao động đến năm 2020 là rất lớn, chỉ tính riêng các huyện nghèo trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đưa khoảng 58 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 80% lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Đến năm 2030: Dân số cả nước khoảng 105 triệu người, trong đó lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gần 70 triệu người; nhân lực trong nông nghiệp chiếm 25%, trong công nghiệp - xây dựng chiếm 40% và trong dịch vụ chiếm 35% tổng nhân lực trong nền kinh tế.Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2030 khoảng gần 56 triệu người (chiếm khoảng 80,0% trong tổng số gần 70 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp năm 2030 khoảng 48 triệu (bằng 85,7% so với lực lượng lao động qua đào tạo); số nhân lực đào tạo qua hệ thống đào tạo đại học và sau đại học năm 2030 khoảng 8 triệu (bằng 14,3% so với lực lượng lao động qua đào tạo). Tỷ lệ lao động qua giáo dục nghề nghiệp trong tổng số lao động của từng lĩnh vực: trong nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 40%; trong công nghiệp - xây dựng 70% và trong dịch vụ 60%.
Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư một số ngành nghề sẽ được phát triển trong tương lai liên quan tới các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet di động, công nghệ điện toán đám mây, robot trong công nghiệp và gia đình, xe không người lái, thiết bị bay không người lái, máy in 3D, công nghệ nano, thực tế ảo, phương pháp điều trị kỹ thuật số và máy học, các lĩnh vực dịch vụ ứng dụng kết nối internet vạn vật, nông nghiệp công nghệ cao. Tính chất công việc nghề nghiệp thay đổi sẽ kéo theo cần nhiều kỹ năng mới đòi hỏi sự thích ứng của giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời với sự xuất hiện của một số ngành, nghề mới, cũng có một số ngành, nghề sẽ bị mất đi. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong khoảng 10 năm tới, 86% lao động ngành dệt may Việt Nam sẽ phải chuyển nghề; các nghề kế toán, trợ lý, thư ký văn phòng... sẽ bị cạnh tranh mạnh bởi robot và các trí tuệ nhân tạo./.
Đức Duy
(1) - Bao gồm lĩnh vực y tế, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải,…
(2) - Theo quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và số liệu điều tra lao động việc làm và kết quả dự báo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm.