Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 5/6/2009 20:7'(GMT+7)

Thực hành tiết kiệm theo lời Bác Hồ dạy

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam mở nhiều lớp dạy nghề thêu ren,tạo việc làm cho phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam mở nhiều lớp dạy nghề thêu ren,tạo việc làm cho phụ nữ.

Tiêu biểu là cuộc vận động phụ nữ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa "Mái ấm tình thương" tặng hội viên đơn thân, khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên: "Ðiều đáng ghi nhận từ phong trào làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiều cơ sở Hội đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ, tương trợ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn". Trong hai năm qua, đã có 41 Hội LHPN tỉnh, thành phố có mô hình "làm theo" tấm gương Bác trong thực hành tiết kiệm. Kết quả đã thu được gần 25 tỷ đồng, hơn 360 tấn gạo, hơn 12,262 tấn thóc, 840 KW điện, 84.521 ngày công, giúp đỡ gần 90 nghìn hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn ổn định cuộc sống. Ðáng chú ý, Hội đã huy động cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ, các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 45 tỷ đồng, sửa chữa và xây mới hàng trăm "Mái ấm tình thương".

Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Gang (Gia Lai), chị Bùi Thị Lý, kể về quá trình xây dựng mô hình "Kho thóc tình thương" tại Chi hội phụ nữ làng Ktu, xã Kon Chiêng - xã vùng sâu, vùng xa nghèo nhất huyện Mang Gang. Khi mới phát động, chị em hội viên chưa mặn mà tham gia. Nhưng khi được giải thích, biết việc làm của mình sẽ giúp chị em nghèo có thóc, gạo để ăn khi thiếu đói, chị em đều hưởng ứng. Bước đầu, kho thóc của Chi hội phụ nữ làng Ktu huy động được 900 kg. Số lúa này không phải là nhiều, nhưng lúc giáp hạt, các loại cây trồng gối vụ đều ở "thì con gái", thóc trong nhà của người Ba Na cạn kiệt, nhiều gia đình đành trông chờ vào những đợt cứu trợ của Nhà nước, thì "Một miếng khi đói" đã trở thành "một gói khi no". Ðây chính là lúc Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng mở kho lúa giúp hàng trăm phụ nữ nghèo không bị "đứt bữa" và có gạo ăn đến mùa gặt mới. Năm 2006, Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng sáng tạo thêm hình thức giúp phụ nữ nghèo bằng cách, sau khi cứu trợ, số thóc còn thừa trong kho Hội sẽ bán lấy tiền mua bò sinh sản giao phụ nữ nghèo nuôi. Ðến kỳ bò sinh nở, hội viên đó được giữ lại bò con và giao lại bò giống cho một phụ nữ nghèo khác nuôi. Cứ như vậy, hội viên phát huy tính tự lực trong lao động, tạo điều kiện để chị em thoát nghèo chính đáng. Từ năm 2007, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sáng kiến này đã được nhân rộng tại huyện Mang Gang và nhiều huyện khác tại tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Sau khi tổ chức học tập, việc "làm" theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được các cấp Hội lựa chọn nội dung phù hợp hoàn cảnh của từng địa phương như: Hội Phụ nữ phường Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, vận động hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm trong việc hiếu hỷ và mừng thọ; Hội LHPN Cẩm Xuyên chọn nội dung tiết kiệm trong chi tiêu, tìm việc làm giúp phụ nữ nghèo; Hội LHPN huyện Nghi Xuân "Thực hiện văn hóa ứng xử trong sinh hoạt"... sau hai năm đã có hơn 38 nghìn hội viên nuôi lợn nhựa, bỏ ống hằng ngày từ 500 đến một nghìn và hai nghìn đồng; có hơn 43 nghìn phụ nữ thực hiện hình thức "Hũ gạo tiết kiệm". Riêng năm 2008, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi hội viên, các tầng lớp phụ nữ và các nhà hảo tâm ủng hộ 2,2 tỷ đồng xây được 77 mái ấm tình thương tặng phụ nữ nghèo trong toàn tỉnh.

Hội LHPN huyện Gò Quao (Kiên Giang) đã rút ra bài học: "Muốn học tập và làm theo Bác Hồ, bản thân mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ phải biết tiết kiệm chi tiêu cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội". Hội đã hướng dẫn chị em, đa số là người dân tộc Khmer biết tiết kiệm thời gian, tiết kiệm trong chi tiêu, cách sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình thông qua việc thực hiện hai mô hình "nuôi heo đất tiết kiệm" và "đan lục bình". Theo đó, đến ngày sinh hoạt tổ phụ nữ, các chị mang theo heo đất và tự bỏ tiền tiết kiệm mức thấp là 10 nghìn đồng/tháng. Có tổ nuôi heo sáu tháng, có tổ nuôi chín tháng hoặc một năm. Nhờ đó, sau hai năm, 322 chị thuộc 18 tổ phụ nữ đã tiết kiệm được khoản tiền kha khá để mua vật dụng gia đình. Với mô hình đan lục bình, Hội đã mở 24 lớp học nghề thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình (bèo tây) giúp 725 chị theo học được cấp chứng chỉ nghề. Sau đó, Hội giới thiệu các chị vào làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận sản phẩm về đan tại gia đình khi "nông nhàn" với mức thu nhập từ 30 đến 100 nghìn đồng/ngày/người, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Trưởng Ban Tuyên Giáo Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, chị Ðào Thị Hoài Thanh, kể: "Là thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ, cán bộ hội viên tại Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng những việc làm hằng ngày tại cơ quan". Theo đó, cán bộ hội viên tại các quận, huyện hội trong toàn thành phố tự giác đi họp đúng giờ, phổ biến công việc ngắn gọn, súc tích, không kéo dài thời gian. Mỗi ngày, mỗi phòng làm việc không mở máy điều hòa hai giờ đầu và một giờ cuối trong ngày làm việc. Việc làm tưởng chừng như nhỏ, nhưng hiệu quả giống như góp "gió" thành "bão". Tính từ tháng 1 đến tháng 11-2008 tiết kiệm được gần 15 triệu đồng; tiền điện thoại là gần sáu triệu đồng; kết hợp tiền phụ nữ trong cơ quan tiết kiệm văn phòng phẩm và "nuôi heo đất" tặng hai suất học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai cho hai học sinh số tiền là một triệu đồng và xây căn nhà tình thương trị giá 10 triệu đồng tặng một nhân viên cơ quan khó khăn; riêng Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, số tiền cán bộ, phóng viên tiết kiệm từ tiền điện, tiền nước, giấy, mực và bán báo cũ được hơn 30 triệu đồng xây một căn nhà đại đoàn kết tặng một cán bộ nghỉ hưu gặp khó khăn.

Những việc làm của cán bộ, hội viên phụ nữ tại 41 Hội LHPN các tỉnh, thành phố là những việc làm thiết thực kết hợp "Học phải đi đôi với hành", để Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ đạt hiệu quả.

ND.Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất