Phòng và chống DTLCP
Theo thống kê của ngành chăn nuôi, hiện số hộ chăn nuôi lợn của cả nước ta là 2,5 triệu hộ với tổng đàn 13,8 triệu con. Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi... Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng an toàn sinh học rất chậm, là yếu tố khiến ngành chăn nuôi nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức với vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh và mới đây là DTLCP.
Sau hai tháng xâm nhập vào Việt Nam (từ ngày 1-2-2019), DTLCP đã lan rộng 23 tỉnh và thành phố của cả nước, gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đơn cử như Hà Nội, địa phương có tổng đàn vật nuôi luôn đứng tốp đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần hai triệu con, tính đến ngày 14-3, trên địa bàn thành phố đã có sáu quận, huyện xuất hiện DTLCP, tiêu hủy hơn 400 con lợn.
Để phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này, theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, một số giải pháp phòng chống DTLCP mà các hộ chăn nuôi lúc này cần phải nắm rõ là thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng bệnh tổng hợp... Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh DTLCP cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Trường hợp một ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt khi phát hiện lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, chính quyền sở tại thực hiện trong vòng 48 giờ tiêu hủy đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của DTLCP mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Những kinh nghiệm đắt giá
Có thể nói không quá rằng những năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại bệnh về lợn đang trở thành một nỗi ám ảnh thường trực với các cơ sở, người chăn nuôi và đương nhiên là hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Cuối năm 2016 đầu 2017, dịch lợn tai xanh đã khiến cho ngành chăn nuôi và người nuôi lợn một phen “thất điên”, bát đảo. Sau một thời gian tạm lắng, đầu 2019 DTLCP lại xuất hiện và lan rộng, xen kẽ với đó là những đợt lợn nhiễm sán lá gan, hay lở mồm long móng ở mức độ nhỏ hơn.
Chính vì vậy, việc đúc rút những kinh nghiệm để đối phó với những cơn dịch ở lợn ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn, phức tạp hơn là một vấn đề vô cùng cấp thiết. Đầu tháng 3-2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP đã nhấn mạnh: Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả DTLCP. Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Một bài học kinh nghiệm là Trung Quốc đã khống chế dịch được đến 90% với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương mình quản lý.
Rõ ràng, trước nguy cơ ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn nội địa và xuất khẩu đang đứng trước cơn “bạo bệnh”, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để người dân không hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để ngành chăn nuôi bị ứ đọng, đình trệ. Đặc biệt, cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng đã quyết liệt chưa? Các cấp, các ngành cần phải làm gì để củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay? Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?
Một vấn đề không kém phần quan trọng là các quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch đã phù hợp chưa? Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thật sâu sát trong khâu điều tra thiệt hại trên thực tế, xây dựng các phương án hỗ trợ đền bù có lợi nhất cho các cơ sở chăn nuôi, chế biến gặp thiệt hại. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đợt DTLCP, một số địa phương như Hải Dương hay Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các huyện, thị xã ứng ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị dịch. Cụ thể: Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Giá lợn hiện nay khoảng 42 nghìn đồng/kg thì hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg, đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh.
Đặc biệt, khi giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện phải nêu cao tính công khai, minh bạch, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách “ăn theo dịch” để trục lợi.