Đây là công trình nghiên cứu vừa được phát hành của TS.Nguyễn Hữu Thức - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Sau một số công trình tập hợp các bài viết nghiên cứu về văn hoá đã được xuất bản như "Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa" (2005), "Một số kinh nghiệm quản lý và hoạt động tư tưởng văn hóa" (2007)... "Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian Hà Tây" là một món quà mà tác giả Nguyễn Hữu Thức gửi đến những bạn đọc vốn nặng lòng và muốn tìm hiểu kỹ hơn về chiều sâu văn hoá của mảnh đất "xứ Đoài".
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần I: Tín ngưỡng dân gian Hà Tây: Ngoài nội dung khái quát chung về những tín ngưỡng dân gian ở Hà Tây, phần này dành nhiều mục lớn tái hiện những tín ngưỡng nổi bật, gắn với đặc trưng văn hóa vùng như: Tín ngưỡng thờ Tản Viên trên núi Ba Vì, Tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng ở di tích Hát Môn, Chùa Hương - những đặc thù và tín ngưỡng văn hóa, Tín ngưỡng thủy thần và văn hóa làng Kim Bài, Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội làng Miêng Hạ...
Phần II: Một số tôn giáo ở Hà Tây: Các tôn giáo Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo, Nho giáo tại Hà Tây được mô tả theo sự phát triển lịch đại một cách khái quát, sinh động. Tác giả tập hợp khá nhiều số liệu thống kê cùng những dẫn chứng cụ thể để hình thành một cái nhìn tổng quan về sự ảnh hưởng, tác động của các tôn giáo này đến đời sống xã hội của cư dân, qua đó tái hiện bức tranh văn hóa Hà Tây phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc.
Phần III: Lễ hội dân gian Hà Tây. Chiếm dung lượng lớn nhất của cuốn sách, phần này giới thiệu 15 lễ hội tiêu biểu nơi miền đất được coi là "vùng đất của lễ hội" này: Lễ hội thời Hùng Vương, Lễ hội đền Măng Sơn, Lễ hội đền Và, Lễ hội đình Ngũ Giáp, Lễ hội làng Canh Hoạch, Lễ hội vật cầu làng Động Phí, Lễ hội Vân Sa, hội vật làng Yên Nội, Hội thả diều phướn Phật ở chùa Nả, Lễ hội đền Bộ Đầu, Hội hát trống quân... Các lễ hội mỗi nơi mỗi vẻ, nhiều lễ nghi, đa dạng trò diễn và phong phú tập tục cổ... đã tạo nên một không gian văn hóa quê lụa đặc trưng nhưng cũng muôn sắc vẻ. Đặc biệt, cùng với việc mô tả, tái hiện lễ hội, tác giả cũng ghi nhận những xu hướng phát triển có ý nghĩa tích cực trong lễ hội ngày nay như việc giảm bỏ các lễ nghi phiền toái và khai thác triệt để tính chất vui chơi, giải trí, thi tài trong ngày hội...
Gần 300 trang sách, dưới góc nhìn của một người đã nhiều năm công tác trong ngành văn hóa, và đặc biệt hơn - góc nhìn của một người đã sinh thành, sống và gắn bó trên mảnh đất này, "Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian Hà Tây" sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, vùng đất nay đã trở thành một phần máu thịt của thủ Đô ngàn năm văn hiến./.
AT