Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 31/7/2011 11:56'(GMT+7)

Những "cô đỡ thôn, buôn" ở Ðác Nông

Cô đỡ H' Sam khám bệnh cho trẻ em trong buôn Bu Đắc.

Cô đỡ H' Sam khám bệnh cho trẻ em trong buôn Bu Đắc.

Buôn làng in dấu chân... cô đỡ

Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa. Mưa như trút nước. Con đường đất đỏ độc đạo xuyên rừng từ trung tâm huyện Tuy Ðức dẫn về xã vùng sâu Ðác Ngo trở nên lầy lội, trơn trượt hơn tôi nghĩ. Sau hơn ba giờ ì ạch với chiếc xe máy, tôi mới đến được buôn Ðiêng Ðu, nằm heo hút giữa bốn bề rừng núi bao bọc. Cả buôn có hơn 100 hộ đồng bào M'Nông sinh sống, nhưng hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống mang tính tự cung, tự cấp. Nguyên nhân chủ yếu do sinh đông con và các tập tục lạc hậu ràng buộc, nhất là tập tục sinh ngoài rẫy, tại nhà vẫn còn phổ biến. Cô đỡ Thị Út, người đã gắn bó với buôn, làng nhiều năm nay cho biết: 'Những năm trước đây, trong buôn thường xuyên xảy ra các trường hợp tai biến sản khoa, nhiễm trùng hậu sản... dẫn đến cảnh tượng đau lòng. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2004, tôi đã tự nguyện đăng ký theo học khóa 'Cô đỡ thôn, bản' tại Bệnh viện Từ Dũ, với mong muốn tiếp thu những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) để về giúp bà con mình bớt đi những cảnh đau lòng không đáng có.

Từ ngày tốt nghiệp về làm cô đỡ đến nay, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, tiền phụ cấp hằng tháng không đủ đổ xăng xe máy đi lại, nhưng với lòng nhiệt tình và trách nhiệm trước bà con buôn làng, Thị Út không quản ngại nắng, mưa, ngày đêm đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp CSSKSS, kế hoạch hóa gia đình... Thị Út bộc bạch: 'Lúc đầu, việc vận động gặp nhiều khó khăn, nhất là thuyết phục các phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ và sinh đẻ. Nhưng với sự kiên trì và vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, dần dần bà con trong buôn thay đổi nhận thức trong việc sinh đẻ an toàn cho nên tỷ lệ phụ nữ đến khám thai, tiêm phòng uốn ván và sinh đẻ tại trạm y tế xã ngày càng tăng'.

Ngoài ra, Thị Út cùng ba cô đỡ khác của xã thường xuyên tham gia khám thai, ghi sổ theo dõi giúp phát hiện và chuyển tuyến trên kịp thời các trường hợp nguy cơ như sản giật, nhiễm khuẩn và các trường hợp đẻ khó; đỡ đẻ tại nhà và ngoài nương rẫy cho các sản phụ; hướng dẫn cách chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh... Hơn bảy năm qua, bước chân Thị Út và các cô đỡ của xã đã in dấu trên khắp các buôn làng gần xa, nhờ đó đã đưa tỷ lệ quản lý thai và tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế đỡ đẻ của xã Ðác Ngo tăng hơn 75% so trước năm 2005; tỷ lệ mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh giảm nhiều, đặc biệt tập tục đẻ ngoài rẫy đã được đẩy lùi.

Chia tay với cô đỡ Thị Út, tôi ngược lên xã biên giới Thuận An, huyện Ðác Min, nơi các cô đỡ ngày đêm bám buôn, làng giúp đồng bào mình đẩy lùi những tập tục lạc hậu, áp dụng các biện pháp, kỹ thuật y tế hiện đại trong CSSKSS. Tiếp tôi tại trạm y tế xã, y sĩ Trần Thị Minh Hương, Trưởng trạm y tế xã Thuận An trăn trở: 'Toàn xã có 549 hộ, 2.880 khẩu dân tộc M'Nông cứ trú bao đời nay tại hai buôn Sa-pa và Bu Ðắc. Từ sau giải phóng đến nay, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi lớn. Song, điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi lâu nay là chưa xóa bỏ được tập tục đẻ ngoài nương rẫy trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do địa bàn rộng, người dân lại canh tác xa nhà hàng chục km và có thói quen ăn, ở lại rẫy, có khi hai ba mùa trăng mới về nhà một lần. Vì vậy, nhiều phụ nữ không được khám thai định kỳ, không biết thời gian sinh cho nên khi đi làm rẫy ở xa không về kịp, sinh luôn ngoài rẫy, rồi sử dụng tre, nứa cắt rốn cho trẻ. Vì tập tục lạc hậu này đã xảy ra không ít trường hợp đau lòng'.

Những trăn trở của chị Hương cũng là trăn trở chung của các cán bộ y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS tỉnh Ðác Nông, mặc dù hiện nay mạng lưới y tế phát triển đến tận xã, nhưng do nhận thức còn nhiều hạn chế, giao thông đi lại cách trở cho nên người dân chưa tiếp cận được nhiều với các dịch vụ y tế. Cô đỡ H'Nghĩa ở buôn Sa-pa chia sẻ: 'Tôi làm cán bộ y tế của buôn từ năm 2000, nhưng do kiến thức về y khoa hạn chế, chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động là chính. Trong những lần đến với bà con, tôi được chứng kiến những cảnh tượng đau lòng, không cầm được nước mắt. Tháng 7-2009, sau khi theo học khóa 'Cô đỡ thôn, bản' tại Bệnh viện Từ Dũ trở về buôn làng, hằng ngày tôi mò mẫm, lặn lội đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, tư vấn cho phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nâng cao kiến thức CSSKSS, quản lý các phụ nữ mang thai, đỡ đẻ, cân trẻ, thực hành chế độ dinh dưỡng cho trẻ em... Công việc rất vất vả, nhưng điều làm tôi vui và yêu công việc này là mình đã vận dụng được những kiến thức học được đỡ đẻ cho các sản phụ an toàn cho nên các chị em nghe theo, không còn đẻ ngoài rẫy nữa'.

Cô đỡ H'Sam nhớ lại: 'Một ngày cuối năm 2009, chị H'Tam mới mang thai tháng thứ tám, không đau bụng, nhưng máu ra nhiều, gia đình mời bà mụ đến đỡ đẻ, bà mụ bảo không có chuyện gì, cứ để ở nhà đẻ. Nhưng chờ hơn hai tiếng đồng hồ chị H'Tam vẫn chưa đẻ được, trong khi máu ra ngày càng nhiều. Gia đình cho người đến gọi tôi, lúc này đã hơn một giờ sáng, vừa đến nơi tôi đã phát hiện sản phụ đã bị nhau tiền đạo, chân tay co rút nên bảo người nhà cấp tốc đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu, thế là mẹ, con chị H'Tam đều được cứu'. Còn chị H'Tam xúc động nói: 'Nếu hôm đó, cô đỡ H'Sam không đến kịp, gia đình nghe lời bà mụ giữ lại đẻ tại nhà thì chắc chắn mẹ con tôi không qua khỏi. Sau sự việc đó đến nay, gia đình tôi và bà con trong buôn không nghe lời bà mụ nữa, chỉ nghe theo các cô đỡ thôi'.

Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Ðác Nông Nguyễn Thị Lan cho biết: Từ năm 2004 đến nay, thông qua Ðề án 'Ðào tạo cô đỡ thôn, bản người DTTS', Bệnh viện Từ Dũ đã hỗ trợ đào tạo miễn phí cho Ðác Nông 93 cô đỡ thôn, buôn, trong đó có bảy cô đỡ được đào tạo nâng cao. Sau khi hoàn thành khóa học trở về buôn làng, các cô đỡ đã góp phần triển khai công tác CSSKSS của tỉnh được rộng khắp, đưa các dịch vụ CSSKSS hiện đại đến với người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2010, các cô đỡ thôn, buôn trên toàn tỉnh đã khám thai 945 ca; đỡ đẻ 322 ca; phụ đỡ đẻ 220 ca; thăm sản phụ tại nhà 597 ca; phát hiện và chuyển viện đúng tuyến 103 ca. Ngoài ra, các cô còn tham gia các hoạt động liên quan khác tại trạm y tế xã như: khám bệnh, tiêm chủng, cho trẻ uống Vi-ta-min A, tẩy giun, tư vấn các biện pháp tránh thai, tẩm màn, cân trẻ, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng tại thôn, buôn... giúp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và đưa dịch vụ CSSKSS ngày càng tiếp cận gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS...

Cần nhân rộng Ðề án 'Ðào tạo cô đỡ thôn, bản'

Ðề án 'Ðào tạo cô đỡ thôn, bản người DTTS' là sáng kiến của Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2004 đến nay, bệnh viện phối hợp Công ty GlaxoSmithKline Việt Nam đào tạo được 500 cô đỡ thôn, bản người DTTS cho 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền trung. Ðây là những địa bàn có tỷ lệ mẹ tử vong khi sinh còn ở mức cao do các tai biến sản khoa, mà đứng đầu là băng huyết sau sinh và nhiễm trùng hậu sản.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðác Nông, bác sĩ Ngô Minh Trực khẳng định: Ðề án 'Ðào tạo cô đỡ thôn, bản' có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS như Ðác Nông. Bởi vì, sau khi hoàn thành khóa học trở về buôn làng, các cô đỡ trực tiếp đảm nhận công việc chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe của cộng đồng, nhất là công tác CSSKSS. Các cô sử dụng chính tiếng nói của dân tộc mình để tuyên truyền, hướng dẫn những kiến thức đã học được cho đồng bào mình, giúp họ hiểu hơn về CSSKSS, cách tự chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai, khi đẻ và sau đẻ. Làm tăng tỷ lệ quản lý thai nghén, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; đồng thời đẩy lùi và xóa bỏ các tập tục lạc hậu về sinh đẻ trong vùng đồng bào DTTS... Tuy nhiên, số cô đỡ hiện có còn quá ít so tổng số thôn, buôn của tỉnh. Trong khi đó, với đặc thù của một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đồng bào DTTS đông, trình độ nhận thức còn hạn chế, chất lượng dịch vụ y tế ở cơ sở còn thấp, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn hạn chế, đặc biệt là thiếu cán bộ y tế biết nói tiếng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đến với cơ sở y tế, xóa bỏ những tập tục cổ hủ gây hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng bà mẹ, trẻ sơ sinh.

Từ thực tế đó, Bộ Y tế, Bệnh viện Từ Dũ cần mở rộng Ðề án 'Ðào tạo cô đỡ thôn, bản' để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS đào tạo cô đỡ thôn, buôn, bảo đảm mỗi thôn, buôn có ít nhất một cô đỡ nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác CSSKSS. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các cô đỡ thôn, buôn để họ gắn bó lâu dài với công việc. Ðối với ngành y tế, hằng năm cần cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết và một số cơ số thuốc thiết yếu trong sản khoa, gói đẻ sạch... tạo điều kiện cho các cô đỡ thôn, buôn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ CSSKSS cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Nguyễn Công Lý/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất