Nhờ dự đoán trước tình hình tăng dân số cơ học để chủ động xây thêm trường lớp, năm học 2017-2018 mọi trẻ em kể cả trẻ chuyên biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh đều được đến trường. Không chỉ vậy, trong năm học mới này ngành giáo dục thành phố còn chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế.
Mọi học sinh đều được đến trường
Năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 59.082 học sinh; trong đó, số học sinh sẽ tăng nhiều ở bậc mầm non, tiểu học và tập trung ở các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Trên cơ sở đó, thành phố đã tích cực tập trung mở thêm trường, lớp ở những quận, huyện này.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9/2017, thành phố có thêm 1.479 phòng học mới, trong đó huyện Củ Chi có mở thêm 2.022 phòng, Bình Chánh 137 phòng, quận 12 là 82 phòng... Qua đó, năm học 2017 – 2018 thành phố tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp, học sinh học 2 buổi/ngày có chuyển biến tích cực. “So với chỉ tiêu đưa ra đến năm 2020, thành phố phải đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 -18 tuổi) thì tính đến nay, chúng ta đã đạt 259 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận của ngành giáo dục thành phố” – Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới căn bản và toàn diện cho giáo dục, trong đó chú trọng đào tạo con người có kỹ năng, đào tạo thiên về chất lượng hơn số lượng và đào tạo để hòa nhập quốc tế, năm học này thành phố tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình đánh giá năng lực học sinh mới, cũng như tiếp tục nhân rộng những mô hình dạy học tích cực. Cụ thể, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới kiểm tra – đánh giá, giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo thực chất khách quan, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh bằng việc tăng cường những câu hỏi mở, gắn với thời sự, quê hương đất nước, hạn chế câu hỏi yêu cầu ghi nhớ. Về dạy tiếng Anh, sẽ tiếp tục đưa các chuẩn quốc tế về Tiếng Anh vào giảng dạy ở các cấp học để khi lên cấp ba hoặc đại học, học sinh đã có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh nhằm giúp trang bị cho học sinh thành phố những kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu của một công dân toàn cầu….
Không chỉ chăm lo điều kiện học tập cho trẻ bình thường, thành phố cũng rất quan tâm đến trẻ chuyên biệt. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáo dục đào tạo cho trẻ khuyết tật hiện nay, cũng rất thành phố được quan tâm. Đến nay hầu hết các quận, huyện của thành phố đều có trường chuyên biệt để dạy cho trẻ bị khuyết tật, phát triển không bình thường. Thành phố đang tiếp tục xây dựng và nâng cấp một số trường chuyên biệt như trường chuyên biệt Bình Tân gồm 30 phòng học, nâng cấp Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5 và Trường Chuyên biệt Ánh Dương Quận 12… Không chỉ vậy, thành phố đang có 8 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật. Thời gian tới, các trung tâm này sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu sâu về các loại tật để từ đó hướng dẫn, tư vấn đưa ra các chương trình dạy phù hợp cho từng loại khuyết tật cho các trường chuyên biệt. “Đối với trẻ khuyết tật, thành phố có những quan tâm rất sát sao bởi nếu không quan tâm thì đây sẽ là gánh nặng cho xã hội và còn nếu quan tâm tốt, khích lệ tốt thì sẽ tạo ra nguồn nhân lực tốt cho thành phố” - Bà Triệu Lệ Khánh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Đảm bảo trẻ bậc mầm non được gửi những nơi an toàn
Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ bậc mầm non ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là công nhân, thành phố đã chủ động xây thêm 370 phòng học, trong đó mở nhiều trường mầm non gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, đối với những hộ giữ trẻ gia đình, nhóm lớp trẻ ngoài công lập không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định theo quy chế tổ chức hoạt động đã được nhiều quận, huyện kiểm tra và cho ngưng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chẳng hạn tại Quận 7, theo bà Phạm Thị Hạnh Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 7, bậc mầm non tăng so với nhu cầu nhưng Quận 7 vẫn đảm bảo đủ chỗ cho học sinh. Trên địa bàn Quận 7 có 34 hộ giữ trẻ, 8 cơ sở mầm non hoạt động không phép với 186 trẻ. Qua giám sát nhận thấy những cơ sở này làm hồ sơ pháp lý không đủ điều kiện để nuôi dạy trẻ; người nuôi dạy trẻ không có kiến thức nuôi dạy trẻ; cơ sở vật chất như bếp, nhà vệ sinh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn cho trẻ… Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 7 kiến nghị không duy trì và tạo điều kiện cho trẻ ở các trường này được đến trường học trong địa bàn địa phương.
Tuy không được phép xây trường mầm non ngay trong khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng thành phố cũng đã linh động xây dựng các trường gần với các khu công nghiệp, khu chế xuất để tiện cho công dân gửi con. Hiện thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động 17 trường mầm non nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Mặc dù vậy, một số trường không hoạt động hết công suất. Chẳng hạn quy mô 300 em thì chỉ có 200 em học. Công nhân vẫn gửi con ở các nhóm lớp hay hộ gia đình để ông bà ở nhà tiện đón” – Ông Lê Hoài Nam chia sẻ.
Về vấn đề này, bà Triệu Lệ Khánh chia sẻ thêm: "Việc vẫn còn nhiều công nhân không gửi con ở các trường mầm non gần các khu chế xuất nơi họ làm việc mà gửi ở những nhóm lớp gần nhà là có thực và xuất phát từ nhu cầu thực tế của họ. Vì vậy, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền tiếp tục tuyên truyền để họ gửi con em ở những nơi an toàn. Mặt khác, đối với nhóm trẻ ngoài công lập, hộ giữ trẻ gia đình không phép, chúng ta kiên quyết ngưng hoạt động còn những cơ sở đã có giấy phép nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu về dạy học, cơ sở vật chất… chúng ta cần kiểm tra liên tục và đồng thời hướng dẫn họ khi hoạt động nhằm đảm bảo cho trẻ"./.
Lan Phương/TTXVN