Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 3/1/2010 14:52'(GMT+7)

Những dự án tái thiết không hiệu quả của Mỹ ở Iraq

Bệnh viện Ibn Sina do Mỹ xây dựng ở Baghdad

Bệnh viện Ibn Sina do Mỹ xây dựng ở Baghdad

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại Iraq sẽ không đủ khả năng tự bảo đảm và duy trì các cơ sở hạ tầng đó khi quân đội Mỹ rút khỏi đây.

Trong kế hoạch tái thiết Iraq, Mỹ đã đổ hàng tỷ USD để xây dựng hàng chục nghìn bệnh viện, trường học, các nhà máy nước, điện và cầu đường. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành với trang thiết bị hiện đại thì việc đưa vào vận hành các công trình này lại gặp nhiều khó khăn. Nhà máy xử lý nước ở Nasiriyah được đầu tư 270 triệu USD nhưng thực tế lại hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với dự kiến do thiết bị quá phức tạp và với tay nghề non kém, không được đào tạo bài bản, công nhân Iraq khó có thể vận hành. Những khu chợ xây xong nhưng người nông dân Iraq không sử dụng vì không hợp với họ. Một bệnh viện lớn của Mỹ đã phải đóng cửa ngay sau khi chuyển giao cho người Iraq do Chính phủ Iraq không đủ khả năng cung cấp thiết bị, điện và nhân viên y tế để đưa vào hoạt động. Thực tế này đã ảnh hưởng đáng kể khả năng của Chính phủ Iraq trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân nước này.

Trong suốt hai năm qua, Chính phủ Iraq đã từ chối hoặc hoãn việc tiếp nhận các dự án do Mỹ xây dựng do không thể điều hành và duy trì những dự án này. Một phân tích của Viện nghiên cứu QH Mỹ cho rằng, các dự án xây dựng trên diện rộng như nhà máy điện, hệ thống xử lý nước, nhà máy lọc dầu đã hoàn thành, song điều họ quan tâm là khả năng bảo đảm duy trì các hoạt động của chính quyền Iraq khi Mỹ chuyển giao. Các nhà thanh tra các dự án tái thiết Iraq cũng đưa ra báo cáo trong vài tháng qua về  khả năng thất bại của các dự án được Mỹ tài trợ khi họ chuyển giao cho chính quyền Iraq... Trong khi Iraq bị đổ lỗi về quản lý yếu kém, thì chính quyền Mỹ đã thất bại trong việc thực hiện các dự án phù hợp và thiết thực đối với Iraq, cũng như giúp tạo người Iraq đủ năng lực tiếp quản. 

Mặc dù Chính phủ Iraq cam kết sẽ chi tiêu nhiều hơn vào công cuộc tái thiết đất nước, song nước này đang phải đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách đáng kể do giá dầu thế giới giảm. Chính phủ Iraq cần tới 400 tỷ USD trong khi nguồn ngân sách này chưa biết lấy từ đâu. Cố vấn của Thủ tướng Iraq A.Al Alak cho biết, nước này sẽ dùng lợi nhuận thu từ dầu mỏ để phục vụ các dự án tái thiết đất nước. Mỹ đã chi khoảng 53 tỷ USD cho các dự án này, thế nhưng các nỗ lực tái thiết của Washington vẫn bị chỉ trích là lãng phí, hơn 40% người Iraq vẫn thiếu nước sạch. Theo tổ chức Oxfam, 90% trong số 180 bệnh viện của Iraq không được cung cấp thiết bị y tế cơ bản, tỷ lệ chết ở trẻ em nước này rất cao. Một vấn đề đặt ra là hàng trăm nghìn người Iraq có chuyên môn và tay nghề trong lĩnh vực y tế đã chạy ra nước ngoài hoặc chết do chiến tranh. Tại Hilla, cách Baghdad 95 km về phía nam, một bệnh viện phụ sản mà Mỹ đã đầu tư bốn triệu USD, với các trang thiết bị y tế công nghệ cao, nhưng các nhân viên Iraq không đủ trình độ để đưa vào sử dụng. Bệnh viện Ibn Sina ở Baghdad, một trung tâm y tế lớn nhất của quân đội Mỹ, đã được lực lượng Iraq đảm nhiệm việc bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, bệnh viện này đã bị đóng cửa do Bộ Y tế Iraq thiếu nhân viên và trang thiết bị, mặc dù quân đội Mỹ cho biết khi chuyển giao đã để lại số trang thiết bị trị giá 7,9 triệu USD. Dự án tái thiết tai tiếng nhất của Iraq là xây dựng bệnh viện nhi Basra trị giá 165 triệu USD, được Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ, bà Laura Bush bảo trợ khi còn là đệ nhất phu nhân, đã bị đình trệ hơn bốn năm. Giám đốc bệnh viện Ahmed Kasim thừa nhận, khi bệnh viện này được mở cửa, dự định vào tháng 3-2010, sẽ có rất ít bác sĩ và nhân viên y tế có thể sử dụng các trang thiết bị tiên tiến.

Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc đưa vào sử dụng các dự án tái thiết khi Mỹ chuyển giao cho chính quyền Iraq, nhất là vào thời điểm nước này tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 1-2010 trong tình hình an ninh mất ổn định và bạo lực bao trùm một số khu vực. Bế tắc về chính trị, kinh tế, xã hội cùng với bạo lực tiếp tục gia tăng ở Iraq sẽ ảnh hưởng kế hoạch rút quân Mỹ khỏi quốc gia vùng Vịnh này, dự kiến với số lượng lớn vào năm 2010.

(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất