Hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người; đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, bản lĩnh cách mạng và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Căn cứ thực trạng sau 16 năm triển khai tinh giản biên chế trong các cơ quan công quyền (từ Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18-10-2000 của Chính phủ đến Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức), chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản để hiện thực hóa quyết tâm tinh giản biên chế, “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Một là, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Để thực hiện tốt giải pháp này, tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải: Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm minh, hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14-4-2015, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ-TW; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội đã ban hành để:
(1) Tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(2) Tất cả mọi người đều rõ, đây là những cơ sở chính trị, pháp lý liên quan đến quá trình thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng trong thời gian tới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đều có chung nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.
(3) Nắm được nguyên nhân căn bản dẫn đến bộ máy“phình to”, “cồng kềnh”, kém hiệu quả, nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, hằng năm “tiêu ngốn” hàng triệu tỷ đồng do số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn - nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố (1).
(4) Từ đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện ở từng tổ chức, cơ quan, đơn vị - trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phân công quyền lực, ủy thác quyền lực, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
(5) Tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ; tin tưởng vào quyết tâm, bản lĩnh chính trị của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc “đưa những cán bộ, công chức, viên chức không còn phù hợp ra khỏi nền công vụ”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý về cơ cấu, có đủ năng lực, đạo đức và trách nghiệm công vụ đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là, quán triệt và thực hiện nghiêm minh tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương
Trong cải cách, tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế phải quyết liệt đổi mới từ cấp trên, từ Trung ương, bộ, ngành trước thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay. Sự tinh gọn từ cấp trên sẽ là đích đến, là định hướng để cấp dưới thực hiện. Xác định, tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương là “cuộc cách mạng” trong bộ máy tổ chức; là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu... cho nên phải làm quyết liệt theo phương châm “có lên, có xuống; có vào, có ra” và theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”.
Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, của từng cấp chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc: một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, chi cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế.
Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị và quy định của Đảng, Chính phủ.
Đối với các địa phương: Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chínhtheo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng cường quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; các cơ quan, đơn vị cùng cấp ở các địa phương khác nhau không nhất thiết phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau. Cụ thể:
(1) Chủ động rà soát, sắp xếp giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án;
(2) Hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh; Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có điều kiện theo quy định;
(3) Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định;
(4) Thực hiện mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo; khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
(5) Tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố;
(6) Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội; thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương(2).
Ba là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng,hoàn thiện và ban hành đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước
Xây dựng đề án vị trí việc làm là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Đề án vị trí việc làm sẽ giúp Thủ trưởng đơn vị rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, sắp xếp nhân sự trong cơ quan, đơn vị; có cái nhìn toàn diện về số lượng vị trí việc làm dự kiến và số lượng vị trí việc làm hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Đề án vị trí việc làm chính là khâu mấu chốt để tiến hành xác định nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực thực hiện nhiệm vụ tại mỗi vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức; xác định mức độ phù hợp về năng lực cũng như để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, tạo cơ sở cho việc xác định chính xác những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trên cơ sở luật định và điều kiện thực tế (dân số, trình độ phát triển của địa phương, các vấn đề đặt ra trong phát triển ở địa phương,...); xác định được chính xác số lượng nhân sự cần có (lãnh đạo, nhân viên) cho các vị trí công việc sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn(3). Do vậy, cần khẩn trương:
(1) Cụ thể hóa các căn cứ và xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp cho các vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức;
(2) Xây dựng khung phân loại thống nhất, tầm quan trọng, độ phức tạp, khối lượng công việc quản lý hành chính của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; phân loại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính;
(3) Xác định cơ cấu cán bộ công chức; hoàn thiện, chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ công chức; xây dựng định mức lao động, định mức sử dụng thời gian làm việc của cán bộ,công chức.
(4) Phân loại hệ thống công việc nhằm phân loại vị trí việc làm tạo căn cứ cho việc áp dụng phương pháp, công cụ tuyển dụng phù hợp với đặc thù của vị trí việc làm;
(5) Xây dựng khung năng lực theo vị trí việc làm tạo cơ sở để hình thành chuẩn năng lực đầu vào cho tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm;
(6) Đổi mới nội dung và cách thức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm - nên xây dựng mô hình tuyển dụng theo hệ thống vị trí việc làm, bởi chế độ tuyển dụng lâu nay ở nước ta (theo hệ thống chức nghiệp) đã tạo ra sức ì lớn cho công chức trong nền công vụ. Hệ thống chức nghiệp với cơ chế làm việc suốt đời được hiểu theo nghĩa: nếu như công chức không vi phạm pháp luật, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ không bị áp dụng hình thức sa thải cho dù họ làm việc kém hiệu quả hay hạn chế về năng lực…
Đây là giải pháp quan trọng, cần phải đầu tư, nghiên cứu một cách căn bản, khoa học, chính xác, thuyết phục. Chỉ khi nào xây dựng được những cơ sở nói trên mới có thể khắc phục được tình trạng cào bằng, bình quân chủ nghĩa, “chạy chọt”, “mua bán” trong phân bổ và tinh giản biên chế(4).
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tinh giản biên chế
Đây là điểm khó nhất trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế. Bởi vì, biện pháp dù có hay và phù hợp đến đâu, nếu người đứng đầu không kiên định, quyết tâm, không có bản lĩnh chính trị; không “đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân”; không công tâm, khách quan, “liêm chính, chí công vô tư” khi sử dụng quyền hạn của mình... thì không thể đưa được những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị vào diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế; không thể nào tinh giản biên chế được.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhạy cảm liên quan trực tiếp đến con người, cơ quan, tổ chức của tinh giản biên chế... người đứng đầu cơ quan, tổ chức có vai trò quan trọng nhất, bởi chính họ là người chịu trách nhiệm lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện lộ trình tinh giản biên chế. Cho nên:
Cần có những quy định pháp lý để ràng buộc sự cam kết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế.
Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cần có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nếu người đứng đầu không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm đã được phân công, đảm nhiệm. Ví như, trong đơn vị để xảy ra hiện trạng: Biên chế tăng không giảm và ngày càng “phình to”; biên chế giảm nhưng “tinh giản không đúng đối tượng”, chủ yếu là người về hưu và sắp đến tuổi nghỉ hưu; trong đơn vị, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên; tình trạng trù dập, lôi bè kéo cánh, tìm mọi cách “đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc”(5); để mất đoàn kết kéo dài trong đơn vị...
Người đứng đầu “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”(6); thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; lấy“cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”(7)là kim chỉ nam trong công tác tinh giản biên chế.
Người đứng đầu phải xác định rõ, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(8), muôn sự “thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(9)để “làm cho tốt” công tác tổ chức cán bộ trong lộ trình tinh giản biên chế; chú trọng thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát lộ trình tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương
Đây cũng là giải pháp đặc biệt quan trọng, là cơ sở, động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ trọng trách của Đảng và Chính phủ: Cải cách, tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế đúng lộ trình (từ năm 2015-2021), đạt được mục tiêu đề ra “giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015”(10)và “hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới”(11)(lộ trình từ năm 2021 đến năm 2030). Chỉ có kiểm tra, thanh tra, giám sát mới “có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân”(12). Cho nên, ngay từ bây giờ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải:
(1) Khắc phục ngay những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 do Quốc hội ban hành đã chỉ ra: “Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc”(13);ngăn ngừa được “xu hướng bảo thủ, buông trôi”(14);những thành kiến cho rằng, “công tác kiểm tra là vạch lá tìm sâu, làm giảm thành tích của địa phương mình”(15).
(2) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát phảibám sát Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị về Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - trong đó đã chỉ rõ từng nhiệm vụ cụ thể (nhiệm vụ hằng năm, nhiệm vụ 1 năm, nhiệm vụ 2 năm, nhiệm vụ của từng tổ chức...) phải hoàn thành trong lộ trình tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021.
(3) “Từ trung ương đến các tỉnh, các huyện, các xã đều phải nắm chắc công tác kiểm tra. Mỗi năm phải kiểm tra mấy lần. Hễ thấy vấn đề thì phải giải quyết ngay. Phải phê bình kịp thời, chớ để việc qua rồi mới phê bình. Làm như vậy sẽ đỡ mắc sai lầm, và nếu phạm sai lầm thì kịp thời sửa chữa”(16). Để không thể tái diễn tình trạng: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ [...] Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế”(17); Tinh giản biên chế một cách cơ học, chưa đúng đối tượng do chạy theo chỉ tiêu, số lượng(18);
Biên chế trong các cơ quan nhà nước có xu hướng “phình to”(19).
(4) Xử lý nghiêm minh “cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền thế của Đảng và Nhà nước” làm những việc trái với chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, kế hoạch của Đảng và Chính phủ về tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế như, quản lý biên chế tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỷ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm với công chức tham mưu, giúp việc; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra(20).
(5) Động viên, khen thưởng, tuyên dương kịp thời những cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nào sáng tạo, làm tốt, hiệu quả đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thực tế đơn vị, địa phương; đồng thời, nhân rộng mô hình tinh giản biên chế đạt được những kết quả điển hình.
(6) Đối với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hằng năm phảichủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Thường xuyên rà soát, đề xuất hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của ủy ban kiểm tra các cấp, khắc phục sự trùng lặp trong công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán và giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội(21).
________________
(1), (10), (11), (17) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.38, 47, 47, 38.
(2) Chương trình hành động của Chính phủ thực hiệnNghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII... (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2018 của Chính phủ).
(3)Xem: TS Đào Thị Thanh Thủy:Các mô hình tuyển dụng trên thế giới và định hướng ứng dụng cho Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
(4) Xem TS Nguyễn Thị Thanh Thủy:Tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước - vấn đề và giải pháp,http://caicachhanhchinh.gov.vn, ngày 17-5-2017.
(5) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.23.
(6), (7) Sđd, t.1, tr.14, 15.
(8), (9) Sđd, t.5, tr.14, 15.
(12), (15) Sđd, t.14, tr.362, 363.
(13), (19), (20) Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 do Quốc hội ban hành về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(14), (16) Sđd, t.12, tr.43, 45.
(18) http://baodautu.vn, ngày 1-11-2017.
(21) Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
ThS CHU THỊ HẰNG NGA
Viện Thông tin khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị