Thứ Tư, 27/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 8/1/2009 22:8'(GMT+7)

“Những năm tháng máu và hoa”- Ký ức một thời hoa lửa

Cầu nguyện cho nạn nhân của chế độ Pol Pot trong Bảo tàng Tuol Sleng. Ảnh: T.L.

Cầu nguyện cho nạn nhân của chế độ Pol Pot trong Bảo tàng Tuol Sleng. Ảnh: T.L.


Với độ dài 6 tập, cùng nhiều hình ảnh, tài liệu quý lần đầu tiên được công bố Những năm tháng máu và hoa được đánh giá là một trong những bộ phim tài liệu có quy mô nhất về cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot của nhân dân Campuchia và dấu ấn không thể phai mờ của tình nguyện quân Việt Nam, những người được nhân dân Campuchia mến tặng tên gọi “đội quân nhà Phật”.

Trải suốt 6 tập: Những quái thú; Tận cùng tội ác; Dã tâm; Máu chảy nơi biên giới; Giải phóng Phnôm Pênh; Hồi sinh và phát triển, mỗi tập dài khoảng 40 phút, trong Những năm tháng máu và hoa, nhiều tư liệu quý về lịch sử chế độ diệt chủng Pol Pot, về sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, và nhiều tư liệu, văn kiện, những phát biểu của các thủ lĩnh Khmer Đỏ, của Mặt trận Dân tộc giải phóng Campuchia, của Chánh án Tòa án Tối cao Campuchia… lần đầu tiên được công bố.

Được xây dựng theo kết cấu đan xen giữa quá khứ xa và gần, Những năm tháng máu và hoa đã lần lượt đưa đến cho người xem bức tranh toàn cảnh đất nước Chùa Tháp, từ trong những năm tháng đen tối dưới sự thống trị của chế độ diệt chủng Pol Pot cho đến lúc hồi sinh.

Để mở đầu thực hiện dã tâm của mình, Pol Pot đã tiến hành thanh trừng nội bộ, giết hại hàng loạt những cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Campuchia, những cán bộ đã được học tập ở Việt Nam.

Sau ngày 17-4-1975, khi Pol Pot chiếm được Phnôm Pênh, chúng bắt đầu thực hiện một chính sách tàn bạo, ra lệnh tất cả nhân dân phải rời khỏi thành phố. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, sư sãi, nhà giáo... bị lính Pol Pot lùa đi như những bầy nô lệ, sống tập trung ở trang trại, lao động tập thể với chủ trương xây dựng xã hội mới: không chợ, không tiền, không trường học, không trí thức, không tôn giáo… Nhân dân không có quyền nói, thậm chí ngay cả quyền mặc quần áo mới cũng không được phép. Trường học biến thành trại giam, người dân chỉ biết cúi đầu chờ đợi cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Trang phục bị nhuộm đen, con người mất quyền sống, đất nước Campuchia phủ một màu tang tóc.

Thiếu tướng Chu Phác, nguyên Cục trưởng Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng tâm sự: “Mặc dù tôi đã được tận mắt chứng kiến những tội ác ghê rợn của chế độ diệt chủng Pol Pot đối với nhân dân Campuchia, được chia sẻ cùng đồng đội, những người đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia trong những thời khắc cam go nhất của lịch sử đất nước Chùa Tháp, song tới tận bây giờ, khi xem lại những thước phim Những năm tháng máu và hoa tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao con người lại có thể hành xử với đồng loại như vậy? Đã 30 năm trôi qua, song những cảm xúc ghê tởm, căm giận... dường như vẫn còn nguyên như những ngày đầu khi tôi đứng trước những hố chôn người tập thể, đứng trước trại giam S21 ở ngay giữa thành phố... Và thêm một lần nữa tôi lại càng tin tưởng và tự hào vì những đóng góp xương máu của tình nguyện quân Việt Nam dành cho nước bạn Campuchia”.

Đất nước Campuchia vừa được giải phóng, bộ đội, chuyên gia Việt Nam và cán bộ Campuchia lại bắt tay vào việc giúp đỡ hàng triệu người dân đang bị đói khát, xóm làng tan hoang không còn nhà ở, phải gấp rút cứu đói, giúp dân sản xuất, làm lại nhà cửa, xây dựng bệnh xá, khôi phục chùa chiền... Đất nước Campuchia lại tìm thấy được sự thanh bình và phát triển, sự thay da đổi thịt trên những cánh đồng chết 30 năm về trước.

Để có được những thước phim tư liệu sống động ấy, những người làm phim của Trung tâm Sản xuất phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam đã phải vật lộn với hàng vạn các thước phim tư liệu, tài liệu được bạn bè đồng nghiệp cung cấp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính xác thực, nâng tầm giá trị của mỗi hình ảnh, mỗi lời bình đến với khán giả, đoàn làm phim đã thu xếp hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhân chứng lịch sử của cả hai nước.

Về phía Campuchia có Thủ tướng Hun Xen; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia - Chủ tịch Thượng viện Campuchia Chia Xim, Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom Rin. Về phía Việt Nam có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng nhiều lãnh đạo, sĩ quan quân đội hai nước.



Ba mươi năm đã trôi qua. Quân tình nguyện của Việt Nam đã trở về cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc xây dựng đất nước. Song lịch sử sẽ mãi mãi  không bao giờ quên xương máu các chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh cho sự hồi sinh của cả một dân tộc. Ở nơi đó, nơi các anh gửi lại xương máu của mình, những cánh đồng chết ngày nào nay đã nở hoa.



Theo MAI AN
(SGGP 12G)                                                            

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất