Thứ Bảy, 30/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 12/8/2010 21:10'(GMT+7)

Những nghịch lý trong thị trường Viễn thông Việt Nam

Thuê bao nhiều, doanh thu ít

Tính tới quý 1/2010, Việt Nam đứng thứ 4 trong top 5 quốc gia có số lượng thuê bao mới phát triển nhất trên thế giới trong khi đó lại nằm trong nhóm có ARPU thấp nhất Châu Á. Doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) của Việt Nam chỉ ở mức 4 USD/tháng và đang trên đà giảm sút nhanh.

Sự phát triển thuê bao di động của Việt Nam khá trái ngược với Nhật Bản, nước có ARPU cao nhất Châu Á (ARPU lên tới 60USD/tháng). Nước này chỉ có 2-3% là thuê bao di động trả trước trong khi đó ở Việt Nam con số này chiếm hơn 90%. Dịch vụ dữ liệu được cho là sẽ giúp cải thiện ARPU lại vẫn chưa mấy phát triển ở Việt Nam mà chủ yếu vẫn là các hoạt động nhắn tin SMS, các dịch vụ dữ liệu phi SMS vẫn còn rất khiêm tốn.

Như vậy, số lượng nhà cung cấp dịch vụ nhảy vào lĩnh vực viễn thông ngày càng nhiều, các mạng đấu đá nhau giảm cước để giành khách hàng càng khiến cho ARPU của Việt Nam tuột dốc không phanh.

Khách hàng trung thành bị lép vế

Từ trước tới nay, các doanh nghiệp di động thường có phần ưu ái đối với nhóm khách hàng thuê bao trả trước với các chương trình khuyến mại tới tấp. Ngay cả thời điểm này, sau khi thông tư quản lý khuyến mãi trong lĩnh vực di động đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, các thuê bao di động trả trước hàng tháng vẫn đều đặn nhận được khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp. Trong khi đó, các thuê bao trả sau – khách hàng trung thành của mạng, được coi là mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà cung cấp dịch vụ di động thì lại bị lãng quên.

Số thuê bao

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối tháng 7/2010, số thuê bao điện thoại cả nước ước tính vào khoảng 157,8 triệu thuê bao, trong đó có tới 140,3 triệu là thuê bao di động. Còn dân số của Việt Nam hiện nay vào khoảng 90 triệu dân. Như vậy, tính ra mỗi người sở hữu 1,6 số điện thoại di động. Tỉ lệ này còn cao hơn nhiều so với Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới (mật độ sử dụng di động mới có 56% dân số) và tương đương những nước phát triển, đã đi trước chúng ta hàng chục năm về công nghệ viễn thông.

Nhưng cho dù đã khá phổ biến ở nhiều thành phố trên cả nước nhưng đối với một số khu vực vùng sâu vùng xa, điện thoại di động vẫn còn là một mặt hàng xa xỉ. Vậy, có bao nhiêu trong số 140,3 triệu thuê bao di động được thống kê ở trên là “ảo”?

Trong khi đó, cách đây khoảng 3 tháng, tổng số thuê bao 3G được các mạng di động Việt Nam công bố lên tới 14 triệu thuê bao nhưng trên thực tế Bộ TT-TT cho biết chỉ được một nửa.

Quản lý tồi hay dân số Việt Nam quá thọ

Trong đợt kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao trả trước do các sở Thông tin và Truyền thông thực hiện trên diện rộng, mạng Gtel Mobile có tới gần 20.000 người già trên 100 tuổi đăng ký thông tin cá nhân dịch vụ di động trả trước. Điều này không khỏi khiến nhiều người phải giật mình và có phần nghi ngại về tỷ lệ người dùng di động thực ở Việt Nam, khi mà số thuê bao di động gần gấp đôi dân số.

4 năm vẫn còn... ngắn

Việc quản lý thuê bảo trả trước từ lúc đưa ra bàn thảo đến khi áp dụng triển khai đã được 4 năm nhưng công tác thực hiện vẫn còn khá nhiều bất cập và sai sót, đặc biệt có doanh nghiệp còn kêu thời gian quá gấp khiến doanh nghiệp chưa đủ thời gian xoay sở. Tuy nhiên, với các lỗi thông thường và khai sai thông tin khách hàng một cách rất vô lý, chẳng hạn toàn bộ thông tin khai chỉ có một từ, vậy mà hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp vẫn chấp nhận.

Như vậy, Bộ bắt thì cứ khai đại, hệ thống kỹ thuật chấp nhận tuốt, không có căn cứ thông tin chính xác như chứng minh thư điện tử để đối chiếu thì khai thế nào hệ thống biết thế. Với tình trạng này thì 4 năm cũng còn là quá ngắn.

Giả́m cước 20,29% không được nhưng 40% thì ...được

Cuối tháng 6 đầu tháng 7, 3 mạng di động lớn nhất Việt Nam gồm MobiFone, VinaPhone và Viettel đều đệ trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án xin giảm cước trong năm 2010. Tuy nhiên, Bộ đã không đồng ý mức xin giảm cước vượt quá 15% so với bảng cước hiện hành và chỉ cho phép trong năm nay, doanh nghiệp di động giảm cước ở mức từ 10-15%.

Tuy nhiên, ngày 5/8, Vietnamobile thông báo giảm giá gói cước nội mạng Maxi Talk  đến gần 40%. Còn mạng VinaPhone và MobiPhone vẫn theo quy định của Bộ nên chỉ giảm cước từ 10-15% cho tất cả các gói cước từ ngày 10/8, ngoại trừ gói TalkEZ-Teen của VinaPhone và gói của Q-Teen của MobiFone có mức giảm tới 20,29% đối với các cuộc gọi nội mạng.

Nhưng gói cước giảm 20,29% đã bị Bộ yêu cầu dừng triển khai ngay với lý do vi phạm quy định của Bộ.

Hà Bùi - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất