(TCTG)- Một báo cáo của Quốc hội Pháp đánh giá "hệ thống lá chắn chống tên lửa" sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Đó là một trong những mối đe doạ chính trong tương lai. Được coi là "vũ khí phòng không của nước nghèo", nhằm thay thế các máy bay của quân đội phương Tây do không thể tự đảm nhiệm vai trò của mình, những tên lửa đạn đạo đang được sản xuất với tốc độ chóng mặt. Có tới 30 nước, trong đó một số đang sở hữu hay đang tìm cách trang bị bom hạt nhân, đã tham gia câu lạc bộ. Tới năm 2015, các tên lửa sẽ có thể đạt tầm bắn 3.000 km. Năm 2025, các tên lửa tầm xa chắc chắn sẽ bắn tới mọi mục tiêu tại lục địa châu Âu.
Trong tương lai, liệu làm thế nào để chống lại một cuộc tấn công của Iran, Bắc Triều Tiên, thậm chí của Pakistan? Trước việc phổ biến những vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo, nước Pháp và châu Âu có nhiệm vụ phải trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa, trong khi hoàn thiện chương trình răn đe hạt nhân, để đảm bảo an ninh của mình. Đó là kết luận trong một báo cáo do 3 nghị sỹ soạn thảo và công bố hôm 19/1.
Tháng 9/2009, Tổng thống Barack Obama đã thông báo huỷ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Trung Âu, trước đó đã làm Mátxcơva bực tức. Washington đã hứa hẹn thay thế hệ thống trên bằng một hệ thống linh hoạt hơn vào năm 2011. Việc bố trí lực lượng của Mỹ sẽ được thể hiện rõ trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon vào cuối năm 2010. Từ nay tới đó, châu Âu sẽ phải lựa chọn đối tác của mình. Đối với Pháp, sự thay đổi thái độ đôi khi là "một cơ hội và cũng có thể là một rủi ro". Các nghị sỹ Gilbert Lebris (Đảng Xã hội), Christophe Guilloteau (Liên minh vì Phong trào nhân dân) và Francis Hillmeyer (Đảng trung dung) đã báo cáo tóm tắt: "Các nước châu Âu có hai lựa chọn: đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ và mất quyền độc lập chiến lược, hay xây dựng một hệ thống độc lập bằng cách cung cấp công nghệ cho NATO".
Sự do dự của Pháp
Các nghị sỹ tin rằng: nếu nước Pháp muốn duy trì an ninh trên toàn lãnh thổ của mình và các căn cứ quân sự, tiếp tục được thế giới nghe theo và còn nằm trong tốp chạy đua về công nghệ và công nghiệp thì cần phải tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo các nghị sỹ, hệ thống này không mâu thuẫn với răn đe hạt nhân mà là bổ sung thêm. Nghị sỹ Gilbert Le Bris giải thích: "Hãy tưởng tượng căn cứ quân sự của chúng ta tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất bị tấn công. Việc răn đe hạt nhân là một sự đáp trả quá mạnh. Hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được sử dụng trong các trường hợp việc răn đe hạt nhân không thể can thiệp".
Các nghị sỹ ý thức rất rõ rằng họ đã ném "một viên gạch" vào ao với mong muốn làm rộ lên "chính sách cự tuyệt" đang bao trùm nước Pháp. Từ lâu, các quan chức chính trị và quân sự đã làm thinh trước việc phát triển một lĩnh vực, mà theo họ, sẽ làm cho mối đe doạ hạt nhân chí thánh của Pháp trở nên yếu đi. Trong bài diễn văn đọc tại Cherbourg tháng 3/2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã hé lộ thực hiện một hệ thống phòng thủ tên lửa.
Sự do dự của Pháp về vấn đề trên do nhiều lý do. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này, Pháp đã phải huỷ bỏ việc đóng một chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai. Lý do thứ hai là giá thành của hệ thống phòng thủ tên lửa quá đắt, sẽ ảnh hưởng đến các chương trình khác. Cuối cùng, xét thấy một số nước châu Âu ít hứng khởi với một hệ thống phòng thủ chung, ngân sách ít ỏi dự báo Pháp khó có thể nhanh chóng tập hợp các đối tác cho một dự án như trên.
Ông Nicolas Pilliet, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược giải thích: "Năm 1962, để ngăn cản Pháp phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Kennedy muốn thành lập một lực lượng đa quốc gia (ông đề xuất chia sẻ các hệ thống của Mỹ và châu Âu). Sở dĩ có đề xuất này chính là bởi Pháp sở hữu bom hạt nhân sẽ chống lại Washington. Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với cùng một thách thức liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa. Đó là vấn đề về thiện chí chính trị ".
Theo báo LEFIGARO.fr (Bài dịch)