Thứ Hai, 25/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Bảy, 7/11/2020 21:0'(GMT+7)

Những nguyên nhân nào gây ra lũ lụt và sạt lở đất?

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 6/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan và giải pháp ứng phó với thiên tai đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây. 

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão, lũ, sạt lở đất đang là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, châu Á là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines... và cả Việt Nam. Ngoài yếu tố khách quan, Phó Thủ tướng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan do con người.

Thứ nhất là thực trạng rừng. Phó Thủ tướng cho biết, năm 1945, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng 43%, nhưng đến năm 1995 chỉ còn 28% do chiến tranh và hoạt động phát triển kinh tế sau đó. Đến nay, dù độ che phủ rừng của Việt Nam đạt trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chất lượng rừng còn thấp do mới được phục hồi. 

Thứ hai là tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy, phát triển sản xuất và cả phá rừng lấy gỗ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

"Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra", Phó Thủ tướng chỉ ra.

Thứ ba là việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất. Cùng với đó, việc xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng khác cũng gây cản trở lũ và làm cho lũ dâng cao.

Cùng với đó, việc xây dựng các công trình nhà ở, khu dân cư, bệnh viện, trường học, cơ sở tại khu vực miền núi không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là về yếu tố địa chất.

"Đây là một nhân tố tác động làm sạt lở đất, đá khi có mưa lũ xảy ra", Phó Thủ tướng cho biết.

Thứ tư, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn của hạ du. 

Hiện nay, Việt Nam có trên 7.500 hồ, đập thủy lợi và thủy điện, đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích là 70 tỷ m3 nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng an ninh nguồn nước. Các thủy điện nhỏ và vừa cũng tham gia cắt lũ và điều tiết nước trong mùa cạn. Bên cạnh đó, thủy điện cũng mang lại nguồn điện  sạch, giá rẻ và là một nguồn tài nguyên quan trọng. 

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi có tác động tiêu cực đến môi trường và sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động gây ra sạt lở đất.

Nói về các giải pháp sắp tới để ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết về nhiệm vụ trước mắt, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội. 

Về các nhiệm vụ dài hạn, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai trong đó tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Thứ hai, cần phải rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ gây sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn mặn; tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030;

Thứ ba, xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, kịp thời để sơ tán khẩn cấp người dân trước khi có sạt lở đất, lũ quét như kinh nghiệm của Nhật Bản và Mỹ.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập dự án, quản lý quá trình đầu tư xây dựng đến khâu vận hành, khai thác, sử dụng, v.v. 

Thứ năm, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, đê điều; đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển; rà soát, sửa chữa, cải tạo các công trình giao thông gây cản trở thoát lũ; đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư chương trình nhà ở vùng lũ của 14 tỉnh miền Trung duyên hải từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận. Hiện nay, Bình Thuận không tham gia thì đến Ninh Thuận. 

"Chương trình này đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả nhưng hiện nay hỗ trợ còn rất ít. Chúng tôi mong muốn Quốc hội bố trí vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ cao hơn cho khu vực này", Phó Thủ tướng cho biết.

Thứ bảy, nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cơ sở. Quán triệt nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.

Thứ tám, cần lồng ghép đầu tư trong công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thứ chín, Chính phủ sẽ từng bước trình Quốc hội về nhu cầu chi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn để bảo vệ người dân./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất