Thứ Sáu, 13/9/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Chủ Nhật, 25/10/2020 18:8'(GMT+7)

Nguyên nhân các vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở miền Trung

Lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện để tìm kiếm tìm kiếm 22 nạn nhân tại hiện trường trong vụ sạt lở đất ở Hướng Hóa - Quảng Trị. Ảnh: TTXVN phát

Lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện để tìm kiếm tìm kiếm 22 nạn nhân tại hiện trường trong vụ sạt lở đất ở Hướng Hóa - Quảng Trị. Ảnh: TTXVN phát

Cùng với “lũ chồng lũ,” gần 10 ngày qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở đất, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục người bị vùi lấp, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, khiến nhân dân cả nước xót thương.
Sau những tai họa ấy, câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất khủng khiếp lại liên tiếp xảy ra ở miền Trung như vậy và liệu nguy cơ sạt lở có còn xảy ra khi tình hình mưa bão vẫn đang tiếp diễn và khắp nơi đang chìm trong biển nước?
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - đơn vị đã thành lập được các bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá và phân vùng cảnh báo nguy cơ này tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.


RỦI RO SẠT LỞ VÌ ĐẤT ĐÁ BỊ BÃO HÒA NƯỚC


- Thưa ông, vừa qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt sự cố trượt lở đất đá, gây tổn thất về người và của nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân dẫn tới những vụ sạt lở trên là do đâu?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Có rất nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố góp phần ra trượt lở. Chẳng hạn nếu ta xem xét một sườn dốc cụ thể thì sẽ có hai nhóm các yếu tố tác động ngược chiều nhau, một gây trượt và một kháng trượt.
Bình thường sườn dốc ổn định thì hai nhóm yếu tố trên cân bằng với nhau. Khi nào nhóm các yếu tố gây trượt thắng thế thì sẽ xảy ra trượt.
Tham gia vào nhóm các yếu tố kháng trượt, chẳng hạn có sức bền của đất đá, được đặc trưng bởi các lực dính kết và lực ma sát. Một sườn dốc khô thì các lực kể trên lớn, vì thế hiếm khi trượt lở xảy ra ở một sườn dốc khô. Tuy nhiên khi sườn dốc bị bão hòa nước thì các lực kể trên giảm đi rất nhiều, vì thế trượt lở thường xảy ra khi sườn dốc bị sũng nước, thông thường sau các trận mưa lớn, kéo dài dầm dề.
Thành phần vật chất của đất đá cũng là một yếu tố quan trọng. Chẳng hạn có loại đá rất cứng chắc, có loại thì lại nhiều vật chất sét yếu hơn; có loại dễ bị tác động của mưa gió, nhiệt độ mà bị phong hóa thành đất, có loại thì khó bị phong hóa hơn... Mức độ dập vỡ, nứt nẻ, phân lớp, phân phiến của đất đá cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi đánh giá độ ổn định của một sườn dốc…
Cuối cùng, quan trọng nhất đối với độ ổn định của sườn dốc, chúng ta vẫn phải nhắc lại, chính là có hay không có nước. Các nhà khoa học đã đúc kết và đưa ra kết luận rằng nước là kẻ thù số một của sườn dốc. Họ cũng tính rằng chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày, hay mưa nhỏ vài chục milimét nhưng kéo dài cả tuần đến chục ngày là đủ để làm đất đá bị bão hòa nước. Và khi đó nếu tiếp tục có một trận mưa lớn đột ngột thì khả năng cao là sẽ gây ra trượt lở.
Theo tôi, các trận trượt lở lớn ở miền Trung vừa qua có một số điểm lưu ý: Một là đất đá đã bị quá bão hòa nước mà thành nhão nhoét. Hai là trượt lở thường xảy ra ở các taluy đường, những nơi sườn dốc tự nhiên bị cắt chân lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng. Một lưu ý nữa là trượt lở dường như hay xảy ra vào ban đêm, có thể liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ, áp lực của nước trong các lỗ rỗng trong đất đá.

DỰ BÁO SẠT LỞ ĐẤT "VẪN CÒN LÀ ƯỚC MƠ"


- Được biết, Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh, nhưng vì sao cho đến nay vẫn không thể dự báo được sạt lở đất, thưa ông?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Sau 8 năm triển khai dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam,” đến nay, chúng tôi đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.

Ngoài các bản đồ trên thì dự án cũng đã triển khai xây dựng một số bản đồ tương tự ở tỷ lệ lớn hơn, 1:25.000 cho một số khu vực trọng điểm và 1:10.000 cho một số xã trọng điểm, có nguy cơ trượt lở cao (đến nay đã triển khai được hơn 50 xã).
Cơ bản các bản đồ kể trên có hai tác dụng: Về ngắn hạn, có thể giúp xác định các khu vực có nguy cơ trượt lở rất cao và cao để có thể tránh hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó, cũng như các khu vực có nguy cơ thấp, rất thấp, có thể sơ tán đến khi cần. Về dài hạn, có thể tích hợp, giúp điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, cơ sở hạ tầng, trung tâm dân cư.
Theo kế hoạch thì trong thời gian tới dự án sẽ xây dựng thêm các bản đồ đánh giá mức độ nguy hiểm trượt lở đất. Tức là hiện nay cứ phân vùng cảnh báo nhưng chưa xem xét đến mức độ nguy hiểm của chúng, sắp tới sẽ xem xét thêm các yếu tố như xác suất, tần suất xảy ra trượt lở, đối tượng có thể bị ảnh hưởng bởi trượt lở... Chắc chắn là các bản đồ kể trên có cảnh báo cũng như góp phần phòng tránh được trượt lở, nếu như chúng được sử dụng một cách triệt để, kịp thời.
Về lý thuyết là có thể dự báo được trượt lở và trên thực tế, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nhất là Hong Kong, người ta đã triển khai các biện pháp quan trắc, giám sát một số sườn dốc cụ thể, quan trọng, thậm chí có thể lắp đặt một số thiết bị quan trắc thời gian thực, giám sát qua internet, dự báo được khá chính xác thời điểm có thể xảy ra trượt lở.
Tuy nhiên xin nhắc lại là chỉ đối với một số sườn dốc quan trọng mà trượt lở xảy ra ở đó có thể gây ra hậu quả lớn về người và cơ sở vật chất. Ví dụ dọc các đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn... Còn nhìn chung đối với các sườn dốc tự nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi như Việt Nam thì “đây vẫn còn là ước mơ!”
- Vậy để có thể dự báo được sạt lở đất tại một khu vực nhỏ hay địa điểm nào đó cần những yếu tố gì, thưa ông?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Như tôi đã chia sẻ ở trên, dự báo được hay không sẽ tùy thuộc vào việc khu vực nhỏ hay địa điểm cụ thể đó có quan trọng hay không, có đáng để áp dụng những biện pháp quan trắc, giám sát thời gian thực đắt tiền hay không. Còn thông thường thì sử dụng những bộ bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo vẫn là giải pháp phổ biến nhất.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta sử dụng chúng có triệt để không, có đúng lúc, đúng chỗ, đúng tỷ lệ không...

THỦY ĐIỆN, ĐỘNG ĐẤT GÓP PHẦN GÂY SẠT LỞ ĐẤT


- Bên cạnh yếu tố sạt lở đất tự nhiên do mưa lũ, theo ông, việc xây dựng thủy điện và các công trình ven núi có tác động đến việc sạt lở núi, đất đá?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Nói chung là các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện, cắt chân sườn dốc tự nhiên lấy mặt bằng làm nhà... ít nhiều đều có tác động, đều đóng góp vào làm mất cân bằng sườn dốc. Chỉ có điều là nếu làm cẩn thận, có khảo sát đầy đủ, tính toán, thiết kế chi tiết và thi công chuẩn mực thì tác động sẽ ít hơn, còn không thì tác động sẽ rất lớn, thậm chí trực tiếp gây ra trượt lở.
Ví dụ như xây đập tích nước làm thủy điện. Bình thường không có đập, không có nước thì mực nước trên sông, suối sẽ chỉ ở mức thấp. Nhưng khi có đập, nhất là khi hồ mới tích nước thì mực nước hồ sẽ dâng cao hơn bình thường từ vài mét đến vài chục mét, khiến cho mực nước ngầm trong đất đá cũng dâng lên theo, khiến nhiều phần đất đá bị bão hòa hơn, làm cho sườn dốc có thể trở nên mất ổn định.
Lịch sử xây đập làm thủy điện trên thế giới còn ghi nhớ mãi trận trượt lở lịch sử ở hồ Vajont miền Bắc nước Ý năm 1963. Ngay vào thời điểm hồ tích nước một khối đất khổng lồ hàng triệu mét khối đã trượt xuống hồ, đẩy khoảng 50 triệu mét khối nước trào qua mặt đập, tạo ra một cơn lũ làm chết gần 2.000 người dân ở hạ lưu...
- Ngoài các yếu tố trên, theo ông động đất nhỏ có ảnh hưởng, tác động gì đến khả năng sạt lở đất không khi số lượng động đất nhỏ ở nước ta ngày càng nhiều?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Ngoài yếu tố nước thì động đất cũng là một yếu tố, vừa góp phần gây dập vỡ, làm giảm sức bền đất đá, vừa kích hoạt, làm gia tăng lực gây trượt. Động đất tự nhiên ở Việt Nam, ở mức độ đáng phải quan ngại, thường hay xảy ra ở vùng miền núi Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu.
Động đất kích thích với độ nhỏ hơn, thường chỉ đủ để gây lo lắng trong xã hội, có thể xảy ra ở bất kỳ hồ chứa thủy điện quy mô lớn nào đang trong quá trình tích nước. Vấn đề này đã từng xảy ra, chẳng hạn, đối với thủy điện Sông Tranh ở Quảng Nam.
NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG TRÁNH CẤP BÁCH

- Qua thực tế nêu trên, ông có lời khuyên gì đối với các tỉnh có nguy cơ cao sạt lở đất ở khu vực miền Trung, cũng như các tỉnh miền núi trên cả nước, thưa ông?
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Tân Văn: Đây chắc chắn là một đợt mưa bão lịch sử, vượt qua mọi kỷ lục từ trước đến nay. Chính phủ, các địa phương, các bộ ngành, cộng đồng địa phương... đã hết sức nỗ lực để giảm nhẹ hậu quả của lũ lụt, trượt lở đất và nhiều dạng thiên tai kéo theo khác. Tuy nhiên có thể nói là quy mô, độ khốc liệt của thiên tai lần này đã vượt quá nhiều lần khả năng chống chịu của chúng ta.
Chắc chắn là sau đợt mưa bão này công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của chúng ta sẽ cần phải thay đổi căn bản. Chẳng hạn công tác theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sẽ phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, cấp xã, cấp bản và tới từng hộ dân; chính sách bảo hiểm thiên tai sẽ cần phải được thực hiện; thảm rừng cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất, thực sự nghiêm túc; các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, hậu quả trượt lở đất đá, một điều chắc chắn là các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo ở các tỷ lệ sẽ phải được chuyển giao kịp thời và được sử dụng triệt để, hiệu quả hơn nữa. Các diện tích được xác định là có nguy cơ cao cần xác định thêm các vị trí tương đối an toàn, có thể tìm đến sơ tán,...
Ngay lúc mưa bão này nên tránh những vị trí sườn dốc đã bị cắt chân làm đường, lấy mặt bằng xây nhà cửa, cơ sở hạ tầng, tránh các khu vực thủy điện, thủy lợi, tránh ở gần các dòng nước hoặc có khả năng có dòng nước chảy qua, tránh các sườn dốc trên đỉnh thấy xuất hiện các vệt nứt, đọng nước hoặc có nước chảy ra../.
- Trân trọng cảm ơn ông!

Trong diễn biến liên quan, giáo sư tiến sỹ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định: Lũ quét, sạt lở đất không chỉ do mưa, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác nhau như thông tin về địa chất, tình hình sử dụng đất, về các lớp đường, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, những yếu tố tác động lớn, làm tăng lũ quét, sạt lở đất.
Và để cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, chúng ta cần có đầy đủ các loại thông tin, có như vậy thì bản tin mối chính xác hơn. Những lớp thông tin này cũng sẽ phải cụ thể đến mức chúng ta mong muốn, giúp cảnh báo chi tiết sạt lở đất tại cấp phường, cấp xã và thôn, xóm - những nơi thường xảy ra sạt lở đất./.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất