Thứ Hai, 25/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Hai, 2/11/2020 18:30'(GMT+7)

Sạt lở đất tại miền Trung dưới góc nhìn của góc nhìn của chuyên gia

Tuyến đường vào các nhà máy thủy điện Rào Trăng bị chia cắt do sạt lở đất.

Tuyến đường vào các nhà máy thủy điện Rào Trăng bị chia cắt do sạt lở đất.

ẢNH HƯỞNG TỪ TỰ NHIÊN VÀ DO CON NGƯỜI

Những vụ sạt lở đất đã ở khu vực Nhà máy thủy điện Rào trăng, Đoàn KT-QP 337 hay mới đây nhất là 4 vụ sạt lở đất quy mô lớn ở tỉnh Quảng Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tác động của tự nhiên và con người tới hiện tượng thiên tai gây thiệt hại lớn này.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Bùi Văn Đức, giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất, hiện tượng sạt lở đất liên tục xảy ra ở không chỉ ở miền Trung và tại nhiều khu vực khác trên cả nước thời gian qua là do 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên chính là sự tác động của con người vào nền đất gốc khiến phá vỡ sự cân bằng vốn đã được tự nhiên kiến tạo qua hàng nghìn, hàng vạn năm. Điều này có thể thấy qua các tuyến đường giao thông vùng núi. Khi làm đường, đơn vị thi công phải bóc gỡ khối lượng lớn đất đá. Điều này khiến cho nền móng của các quả đồi, chân núi bị yếu và dễ bị tác động hơn bởi thời tiết.

Một yếu tố khác cũng có thể coi là tác nhân chính là do mưa lớn kéo dài. Vào mỗi mùa mưa bão, khu vực vùng núi ở miền Trung thường chịu những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày. Yếu tố này kết hợp với nền đất yếu khiến phát sinh và đẩy nhanh việc các mảng đất mái dốc mất liên kết với nền và bị sạt lở bất ngờ.

“Việc theo dõi các khu vực có nguy cơ sạt lở phải được tiến hành thường xuyên. Bất kỳ biến động nào dù là nhỏ nhất của nền đất cần được cảnh báo cho người dân sống trong khu vực để tránh hậu quả đáng tiếc”, Tiến sĩ Bùi Văn Đức cho biết.

Trong khi đó, các vụ sạt lở nghiêm trọng vừa xảy ra ở tỉnh Quảng Nam còn xảy ra do nguyên nhân nền địa chất ở địa phương yếu, không ổn định do có nhiều đới đứt gãy địa chất. Trong thời gian qua, tại khu vực đã xảy ra nhiều rung chấn khiến nền đất bị băm nhỏ và tơi bở. Thời tiết khắc nghiệt trong mùa Hè 2020 với nhiều đợt nắng nóng khiến đất không còn độ kết dính và dễ hút nước; địa hình đặc thù dốc đứng theo hướng chính từ Tây sang Đông với độ dốc phổ biến từ 20-40 độ. Khi có mưa lớn kéo dài, địa hình này dễ hút nước và đạt độ bão hòa nhanh, dẫn tới sạt lở và sụt lún cục bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Trong năm qua, miền Trung chịu ảnh hưởng của một đợt khô hạn kéo dài khiến cấu trúc ổn định của nền đất bị phá hủy. Khi gặp một đợt mưa lớn, tập trung nhiều ngày thì nền đất này trở nên yếu và dễ bị sạt lở”.

Thực tế, từ ngày 6 tới 20-10, khu vực tỉnh Quảng Nam có tổng lượng mưa đạt tới 2.025mm khiến nền đất trở nên rất yếu và bắt đầu ẩn chứa nguy cơ lũ quét và sạt lở đất bất ngờ. Nguy cơ sạt lở đất càng được đẩy nhanh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 với lượng mưa đo được tới gần 500mm trong vài ngày sau đó. Điều này giúp lý giải tại sao các trận lở đất tại Quảng Nam lại diễn ra nhanh và dữ dội như thời gian vừa qua.

CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, người dân vùng núi ở miền Trung nói riêng và các khu vực khác trên cả nước, đặc biệt là các hộ dân sinh sống gần chân núi, ven bờ sông suối nên cảnh giác khi khu vực có những trận mưa kéo dài. Nếu được, nên di dời ngay để tránh nguy cơ bị lũ ống, lũ quét hay sạt lở bất ngờ.

Để giảm thiểu và hạn chế hậu quả do sạt lở đất gây ra phải dựa trên phương châm “chủ động phòng tránh”. Hiện tại, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vẫn chưa thể dự báo chính xác, nhưng có thể phòng tránh chủ động bằng các giải pháp: Tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn các sông, suối; quy hoạch lại dân cư, chủ động di dời dân cư sinh sống ở những nơi có nguy cao cơ xảy ra lũ quét đến nơi định cư mới an toàn hơn; điều tra, khảo sát, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thông báo cho người dân biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra để chủ động sơ tán.

Sạt lở đất tại miền Trung dưới góc nhìn của chuyên gia
Dù chưa thể dự đoán chính xác thời điểm diễn ra lũ quét, sạt lở đất, nhưng có thể chủ động sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy cơ để hạn chế thiệt hại về người và của. Trong ảnh: Điểm sạt lở ở Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế).

Cùng với đó, người dân và chính quyền các địa phương cũng cần có các hoạt động phòng ngừa chủ động như: Trước mùa mưa, lũ hằng năm, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp huyện, xã tiến hành điều tra, rà soát, phát hiện, phân loại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, lực lượng chức năng cần lên phương án đối phó cụ thể trên cơ sở 4 tại chỗ. Trong các trường hợp cần thiết, cần chủ động sơ tán trước người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao. Các phương tiện thông tin đại chúng địa phương phải chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm phòng tránh lũ, quét, sạt lở đất bằng những hình thức thích hợp để cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ, chủ động phòng tránh và tự giác chấp hành lệnh sơ tán khi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Tuấn Sơn/QĐND.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất