Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/5/2019 17:4'(GMT+7)

Những nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Anh để chia tay EU

Thủ tướng Theresa May (bên phải) đối mặt với nhiều thử thách trong tiến trình Brexit. (Ảnh: Telegraph).

Thủ tướng Theresa May (bên phải) đối mặt với nhiều thử thách trong tiến trình Brexit. (Ảnh: Telegraph).

Bà Theresa May cho biết đã chuẩn bị “một đề xuất táo bạo” để trình lên Quốc hội vào đầu tháng 6 tới, trong đó sẽ có một số thay đổi được kỳ vọng giúp bà giành được sự ủng hộ đối với thỏa thuận Brexit.

Thông tin về việc nữ Thủ tướng Anh dự kiến trình Dự luật Thỏa thuận Brexit lên Quốc hội được đưa ra sau khi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gửi thư cho bà tuyên bố chấm dứt tiến trình đàm phán giữa đảng này và Chính phủ Anh vốn nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit. 

Công đảng quyết định dừng các cuộc đàm phán với Thủ tướng Theresa May nhằm khơi thông bế tắc cho tiến trình Brexit hiện nay, với lý do là vì sự “yếu kém” của bà May. 

Tuy nhiên, hy vọng của bà Theresa May đã sớm bị “giội gáo nước lạnh” sau khi ông Jeremy Corbyn ngày 19/5 khẳng định sẽ không ủng hộ Dự luật Thỏa thuận Brexit nếu trong đó không có sự thay đổi về cơ bản so với bản đã bị Quốc hội bác bỏ 3 lần trước đó. Ông Corbyn tuyên bố vẫn chưa nhìn thấy dự luật mới cụ thể như thế nào và hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào để tin rằng sẽ có sự thay đổi khác biệt so với các bản đã đưa ra trước đó. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn nói rằng, về cơ bản, vẫn không có thay đổi nào trong lập trường của chính phủ. Những bất đồng cơ bản vẫn tồn tại. Ông cho biết, muốn có một thỏa thuận hải quan với EU để bảo vệ việc làm và thương mại của nước Anh.

Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May khẳng định, muốn rời khỏi liên minh này nhằm cho phép nước Anh tự do ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước thứ 3, khiến bất đồng giữa hai bên vẫn không thể giải quyết.

Về khả năng tổ chức một cuộc trưng dầu dân ý lần thứ hai về Brexit, thủ lĩnh Công đảng cho rằng khó có khả năng xảy ra, đặc biệt trong tương lai gần, vì đến thời điểm hiện nay Quốc hội vẫn chưa thống nhất được bất cứ giải pháp nào đáng tin cậy.

Tuy nhiên, một nghị sĩ Công đảng là Hilary Benn cho biết, nếu đàm phán đổ vỡ, khả năng Anh phải tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit sẽ rất cao. 

Tháng trước, bà Theresa May quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại. Tuy nhiên, mong muốn của Công đảng duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây chính là trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên. Chính lãnh đạo Công đảng cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng Theresa May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán. 

Các nghị sĩ Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đạt được với EU sau nhiều tháng đàm phán khó khăn. Đây cũng là lý do khiến thời điểm Anh chính thức rời EU bị trì hoãn tới 2 lần, ban đầu là vào ngày 29/3, sau đó là 12/4 và hiện nay là 31/10.

Động thái cứng rắn của Công đảng đối lập đang đặt nữ Thủ tướng Theresa May trước sức ép từ chức ngày càng tăng trong nội bộ đảng và đẩy tiến trình Brexit của Anh tiếp tục lâm vào thế bế tắc.

Thủ tướng Theresa May tuyên bố bà chấp nhận thử thách khi đưa thỏa thuận chia tay EU ra bỏ phiếu lần thứ tư vào đầu tháng 6 tới. Tuy nhiên, khác với những lần trước đó, lần này, các nghị sĩ sẽ phải đưa ra quyết định đối với Dự luật về Thỏa thuận Brexit, trong đó ấn định các thể thức pháp lý của việc rời khỏi EU, chứ không phải là về thỏa thuận. 

Lần bỏ phiếu này cho phép Thủ tướng đưa thỏa thuận Brexit quay trở lại chương trình nghị sự cho dù sẽ rất khó khăn. Khi các nghị sĩ bỏ phiếu, họ sẽ phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng hơn, đó là bỏ phiếu nhằm cụ thể hóa tiến trình Brexit hoặc một lần nữa lại tìm cách né tránh vấn đề gai góc này./.

Xuân Phong (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất