Chiến thắng Điện Biên Phủ được minh định bằng quyết định đầy điềm tĩnh của bậc Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh, khi mà Người đã đi đến tận cùng việc tìm kiếm mọi cơ hội dù là nhỏ nhất cho vãn hồi hòa bình, kể cả việc trở lại nước Pháp trên ngôi vị Chủ tịch nước, giao lại toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với kế sách "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Trước đó, Tạm ước ngày 14-9-1946 không đủ giải tỏa cơn cuồng vọng tái chiếm và đặt lại ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, nhưng là một văn bản ngoại giao mong manh được tính bằng ngày giúp Bác Hồ và Đảng ta tranh thủ từng giờ, từng phút gấp rút chuẩn bị các điều kiện bước vào những thử thách có tính lịch sử - thử thách mà Nguyễn Ái Quốc đã học được một cách trực tiếp, thấm đẫm từ lời dạy của Lênin "giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn" và nhất là những chiêm nghiệm lịch sử mà Nguyễn Ái Quốc đã học được từ bài học xương máu của Công xã Pari năm 1871, của Liên bang Xô Viết ngay sau Cách mạng Tháng Mười.
Sau khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình về lực lượng, khả năng chủ động phòng ngự ngăn bước tiến quân xâm lược Pháp ở Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phải chỉ huy bộ đội ta chiến đấu giam chân địch trong vòng một tháng để Trung ương Đảng di chuyển an toàn, bí mật lên căn cứ địa Việt Bắc, nơi mà trước khi về Thủ đô trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã giao cho một số đồng chí ở lại tiếp tục xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, với lời dặn mang tính tiên tri "có khi chúng ta còn phải trở lại nơi này".
Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, các chiến sĩ cảm tử quân Việt Nam đã cùng đồng bào Thủ đô chiến đấu anh dũng, làm nên kỳ tích giam chân địch trong 60 ngày đêm, bảo đảm an toàn cho Trung ương Đảng trở lại chiến khu Việt Bắc. Mùa đông năm 1946, Thủ đô Hà Nội trở thành chiến lũy bất tử cho tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Cuộc chiến 60 ngày đêm trong lòng Hà Nội của quân và dân ta đã báo hiệu cho sự thảm bại của chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" mà binh lính Pháp và quan thầy Mỹ dày công xây dựng. Sau thất bại đó, kẻ thù đã dốc lực đưa quân tấn công lên Việt Bắc hòng "tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh", Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chiến lược đánh tan cuộc hành quân của Pháp lên Việt Bắc. Bộ đội ta mưu trí giăng một mẻ lưới lớn, đánh đắm tàu giặc trên sông Lô, phục kích bẻ gãy cánh quân bộ binh giặc ở đèo Bông Lau. Việt Bắc trở thành mồ chôn giặc Pháp.
Chiến thắng vang dội Việt Bắc thu đông năm 1947, làm nức lòng đồng bào cả nước, đẩy quân địch tiếp tục rơi vào thế bị động chiến lược, buộc chúng phải chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh lâu dài với ta. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam càng thêm vững mạnh, khi tình hình thế giới có nhiều yếu tố lịch sử thuận lợi nhờ vào thành công của cách mạng Trung Quốc và sự ra đời của thành trì xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên bang Xô viết. Ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tiếp sau đó là hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa khác có quan hệ ngoại giao chính thức với ta. Hòng khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn đường không cho hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa vào Việt Nam, quân Pháp đã lập vành đai chia cắt Đồng bằng Bắc Bộ, biên giới Việt - Trung, tạo thế bao vây, cô lập đối với căn cứ địa Việt Bắc.
Bác Hồ đã trực tiếp thị sát trận địa Đông Khê, cùng Trung ương Đảng quyết định chủ động mở Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, giành toàn thắng, khai thông tuyến biên giới Việt - Trung; tiếp đó, từ năm 1951-1953, ta mở Chiến dịch Hòa Bình, Hà Nam Ninh, đưa cuộc chiến về đồng bằng, gần với Hà Nội, tại chiến trường Tây Nguyên, quân ta cũng tăng cường tấn công địch, đồng thời phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia mở nhiều chiến dịch quan trọng, buộc quân địch phải phân tán ra nhiều nơi. Trong khi đó, nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp và nhiều nước trên thế giới đấu tranh lên án, đòi Chính phủ Pháp rút quân khỏi cuộc chiến tranh bẩn thỉu mà họ gây ra đối với Việt Nam.
Được đế quốc Mỹ hà hơi, tiếp sức, tăng viện trợ tài chính và vũ khí, khí tài (có lúc viện trợ tài chính của Mỹ cho Pháp ở chiến trường Đông Dương lên tới hơn 70%, chưa kể nhiều loại vũ khí, khí tài tân tiến của Mỹ đã được chi viện cho quân Pháp), quân xâm lược Pháp quyết định đánh "canh bạc" cuối cùng bằng cách đưa chủ lực lên Việt Bắc, xây dựng tập đoàn cứ điểm ở lòng chảo Điện Biên Phủ, kiêu ngạo cho đây sẽ là "Pháo đài không thể công phá", "cối xay thịt Việt Minh".
Ta đã "tương kế, tựu kế", chọn cứ điểm Điện Biên Phủ để ra đòn điểm huyệt, hạ đo ván đối thủ. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã họp bàn và quyết định lấy Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến chiến lược, mở toang cánh cửa hòa bình cho dân tộc. Ngay từ phiên họp vào tháng 9-1953, Bác Hồ cùng Bộ Chính trị đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến: “Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”. Tiếp đó, Bác căn dặn rất kỹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".
Tuân thủ mệnh lệnh của Bác Hồ và Bộ Chính trị, bộ đội chủ lực của ta đã luyện tập các phương án tác chiến và chuẩn bị kỹ lưỡng cách đánh công kiên, kết hợp giữa hỏa lực pháo binh với bộ binh, giữa cách đánh du kích với cách đánh hiện đại. Tết Giáp Ngọ 1954, pháo binh ta đã đưa đúng vào vị trí tác chiến, song do tính toán chiến lược chưa bảo đảm phương châm mà Bác Hồ và Bộ Chính trị giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp buộc phải ra lệnh đưa pháo ra, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Sau này, thực tế lịch sử đã chứng minh quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn toàn đúng đắn, tuân thủ triệt để tư tưởng "đánh chắc thắng" mà Bác Hồ và Bộ Chính trị đã chỉ đạo ngay khi chuẩn bị chiến dịch.
Với trách nhiệm trước lịch sử mà Bác Hồ và Bộ Chính trị giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những tính toán và quyết đoán chiến thuật đặc biệt. Đại tướng đã 4 lần điều chỉnh thời gian mở màn chiến dịch. Cuối cùng, giờ khai hỏa chiến dịch, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã điểm vào xế chiều hè ngày 13-3-1954, pháo binh ta cấp tập dội lửa vào cứ điểm Him Lam, sau hơn 5 giờ, ta đã xóa sổ cứ điểm quan trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tín hiệu vui được phát đi cấp báo tin thắng trận tới Bác Hồ và Bộ Chính trị, tới các mặt trận và lan tỏa về hậu phương, cả nước hướng về Điện Biên Phủ với niềm tin tất thắng.
Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, cả dân tộc hoan ca, duy chỉ có Bác Hồ vẫn điềm tĩnh tiên đoán diễn biến thời cuộc và tính toán chiến lược cho chặng đường chông gai phía trước của lịch sử nước nhà. Một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc nhở đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”. Trong niềm hân hoan chiến thắng vinh quang sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, ít ai có thể ngờ rằng đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, lại có thể thay chân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Song, lịch sử đã diễn ra đúng như sự tiên đoán của Bác Hồ. Sau Hiệp định Geneve, đế quốc Mỹ đã mau chóng thay thế quân Pháp để chia cắt lâu dài Việt Nam, bắt buộc dân tộc Việt Nam lại một lần nữa cầm súng ra trận, bước vào cuộc vạn lý trường chinh thứ 2, lâu hơn 2,3 lần cuộc trường chinh mới vừa đi qua. Với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, với đường lối lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, nhất là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo tiên đoán của Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không", Hà Nội trở thành biểu tượng cho lương tri, phẩm giá, hòa bình của nhân loại; trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lưới lửa trên bầu trời Thủ đô Hà Nội đã thiêu rụi ảo vọng của siêu cường số 1 thế giới khi chúng hòng dùng pháo đài bay để "đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá".
Trong những bản hòa tấu bi tráng của dân tộc, Thủ đô Hà Nội luôn là một nốt nhạc chủ đạo, lĩnh xướng cho bản trường ca bất tử Việt Nam, bởi Thủ đô Hà Nội là trái tim, bộ óc của Đảng, của dân tộc, nơi ấy có Bác Hồ, có Đảng trường tồn trong lòng đồng bào cả nước. Bên Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và cạnh Tòa nhà Quốc hội uy nghiêm, hướng về Lăng Bác linh thiêng, dưới sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ luôn tỏa ngát hương thơm của lòng tri ân; ở đó còn có sắc hoa ban từ núi rừng Tây Bắc, từ Điện Biên Phủ, như nhắc nhở ta hãy giữ lấy vốn liếng văn hóa, linh hồn lịch sử, kết nối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm sức mạnh vô biên cho dân tộc vươn xa, bay cao./.
PGS.TS. TRẦN VIẾT LƯU
Ban Tuyên giáo Trung ương