Đây là nội dung chính của dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xin ý kiến góp ý rộng rãi.
Theo thống kê, cả nước hiện có 945 nhóm nghiên cứu. Một số cơ sở giáo dục ĐH đã có quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo tiêu chí riêng của mình, chẳng hạn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… Tuy nhiên, chưa có chế tài khuyến khích hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu này. Thực tế đặt ra yêu cầu ban hành cơ chế, chính sách để tạo đột phá cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH.
Theo GS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục ĐH mà Bộ GD&ĐT đang kỳ vọng sẽ mang tính dẫn dắt để phát triển các lĩnh vực, ngành khoa học, từ kĩ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, đến khoa học xã hội và nhân văn. Mục tiêu xa hơn, các nhóm nghiên cứu mạnh này sẽ phát triển thành các nhóm nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế. Xa hơn nữa, trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
Điều quan trọng đầu tiên là phải tìm chọn được trưởng nhóm có đủ các điều kiện cần về uy tín khoa học, khả năng tập hợp các nhà khoa học trong nước và quốc tế; theo đuổi mục tiêu nghiên cứu trong thời gian đủ dài (10-15 năm) để giải quyết các bài toán lớn về KHCN của quốc gia và thậm chí mang tầm quốc tế, có năng lực kết nối, hợp tác quốc tế tốt…
Bên cạnh trưởng nhóm là hai thành viên chủ chốt có cùng hướng nghiên cứu với trưởng nhóm nghiên cứu và có thành tích khoa học nhất định được giới khoa học thừa nhận. Hai thành viên chủ chốt không quy định tuổi tác, không quy định người Việt Nam hay nước ngoài.
Các thành viên còn lại không quy định số lượng, tuổi tác, học hàm học vị, miễn là tham gia cùng với trưởng nhóm và 2 thành viên chủ chốt để thực hiện thành công định hướng nghiên cứu của mình; gắn với đào tạo tiến sĩ…
Một nhóm nghiên cứu mạnh phải đề xuất được một đề án hay chương trình nghiên cứu tương đối dài hơi, trong khoảng từ 5 - 10 năm, nằm trong các nội dung mang tầm quốc gia và quốc tế; có tính khả thi, có khả năng mang lại giá trị tri thức khoa học cao. Đặc biệt, có thể chuyển giao tri thức vào thực tiễn, làm gia tăng các sản phẩm KHCN cho đất nước.
Các nhà khoa học từ nhiều cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu trong nước, quốc tế được khuyến khích tham gia nhóm nghiên cứu mạnh.
Bộ GD&ĐT đang cố gắng xây dựng hành lang pháp lý để có chế độ khuyến khích, đãi ngộ, đặt hàng nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu mạnh về kinh phí, giảm giờ đứng lớp cho các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu để dành tối đa thời gian cho nghiên cứu; xem xét cấp học bổng đào tạo tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh trong nhóm nghiên cứu; ưu tiên các nhiệm vụ mang tầm quốc gia, mang tầm chiến lược của đất nước phù hợp với hướng nghiên cứu của từng nhóm nghiên cứu mạnh. Định kỳ hàng năm sẽ rà soát kết quả đạt được của từng nhóm nghiên cứu mạnh để xem xét, cấp tiếp kinh phí cho năm sau.
“Trong quá trình xây dựng tiêu chí phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, Bộ GD&ĐT đã làm việc với nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ sở giáo dục ĐH lớn trong cả nước và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao về chủ trương.
Ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau để hoàn thiện dự thảo. Làm sao khi Thông tư chính thức ban hành sẽ được các nhà khoa học, cơ sở giáo dục ĐH ủng hộ; đồng thời vẫn bảo đảm hình thành được mô hình các nhóm nghiên cứu tinh hoa trong từng lĩnh vực để giải quyết những vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế”, GS Tạ Ngọc Đôn cho biết./.
Theo chinhphu.vn