Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài tới 5 ngày năm nay, thay vì về quê
sum họp gia đình hay đi chơi với bạn bè, một số bạn sinh viên quyết
định tham gia các hoạt động tình nguyện để những ngày lễ trở nên ý nghĩa
hơn.
Ngay từ chiều ngày 30/4, các bạn sinh viên Câu lạc bộ Kỹ năng sống, Đại
học Ngoại thương đã rục rịch chuẩn bị cho chương trình “Hạt gạo nghĩa
tình.” Mục đích chính của chương trình trên nhằm mang đến không khí ngày
nghỉ lễ ấm áp và trọn vẹn hơn với người lao động khó khăn, những người
vô gia cư ở Hà Nội trong ngày lễ kỷ niệm của cả nước.
“Dịp nghỉ lễ năm nay, khi quyết định không về quê để đi chơi cùng gia
đình và bạn bè, em cảm thấy khá tiếc. Nhưng nếu không tham gia chương
trình tình nguyện lần này, em biết em còn tiếc hơn rất nhiều," Ngọc
Linh, sinh viên năm thứ 2, Đại học Ngoại thương cho biết.
Từ 10 giờ tối, các bạn cùng nhau đi đến các góc phố nhỏ quanh bờ Hồ, ga
Hà Nội... bắt đầu chia xôi, tặng quà đến từng người và thay nhau thăm
hỏi động viên họ. “Phần lớn họ là những người lao động chân tay, làm đủ
các nghề khác nhau như bốc vác thuê quanh các chợ đầu mối, thợ phu hồ,
đẩy xe thuê... nên không có chỗ ở cố định, chúng em không biết chính xác
có bao nhiêu người, ở đâu để chia quà. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện
tại chúng em có thể thở phào nhẹ nhõm, chương trình thành công ngoài dự
kiến,” Hữu Thắng, trưởng nhóm chia sẻ.
Đến gần 2 giờ sáng, các bạn thu dọn đồ về với tổng kết hơn 50 gói xôi và
quà được phát đến tận tay mọi người. Cũng theo Thắng, thời gian tới,
câu lạc bộ sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động hơn với hy vọng giúp
đỡ thêm nhiều người.
Tương tự nhóm Linh và Thắng, Lê Thị Hồng, sinh viên năm thứ 3 Học viện
Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tự mình tổ chức hoạt động tình nguyện,
quyên góp giúp đỡ các cụ già bị bệnh phong tại xã Minh Phú, huyện Sóc
Sơn, Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sóc Sơn, khi có thời gian rảnh rỗi, Hồng
hay đi đến một địa điểm của huyện khám phá và có thêm hiểu biết về quê
hương. Khi biết đến trại phong Minh Phú, cô sinh viên nhỏ bé quyết tâm
đi tiền trạm một lần với mong muốn tổ chức một hoạt động thực sự cần
thiết và ý nghĩa tại đây.
Hồng được biết, mặc dù đã có kế hoạch di dời đến nơi mới nhưng các bệnh
nhân của khoa Điều trị phong thuộc Bệnh viện Da liễu Hà Nội vẫn chưa thể
đến nơi “tái định cư”. Trong khi đó, bệnh nhân phần lớn là những người
cao tuổi lại sống trong những ngôi nhà cấp bốn sập xệ và thiếu thốn.
“Những năm trước, các cụ còn nhận được hỗ trợ từ nhà nước nhưng từ năm
2013, chương trình hỗ trợ bị cắt giảm, tiền sinh hoạt khó khăn chồng
chất thêm khó khăn," chị Mai, người từng hộ lý tại trại phong cho biết.
Sau đó, Hồng đã cùng các bạn của mình tổ chức chương trình “Ấm áp trại
phong Minh Phú” vào sáng ngày 30/4. Mặc dù trời mưa khá lớn nhưng các
bạn tham gia rất đông, cùng nhau dọn vệ sinh xung quanh trại, dọn dẹp
nhà bếp, tổ chức biểu diễn văn nghệ và tặng quà cho các cụ.
“Đây là ngày 30/4 vui nhất của trại phong. Chúng tôi được các cháu sinh
viên đến giúp đỡ, hỏi han và tặng quà rất cảm động. Lâu lắm rồi, trại
phong mới có được niềm vui lớn đến thế," một cụ ông cho biết.
Sức lan tỏa và ý nghĩa được lan rộng, chương trình tình nguyện đã nhận
được sự ủng hộ từ các bạn sinh viên, huyện Đoàn, các cá nhân, cơ quan,
doanh nghiệp, các thầy cô giáo... Hồng và các bạn đã mang về được gần 23
triệu, gấp khoảng 5 lần so với số tiền dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Hồng và các bạn của
mình đã gặp không ít khó khăn. “Nhiều người sợ bị lây nhiễm bệnh phong,
không dám tiếp xúc với các cụ. Em và các bạn đã giải thích để mọi người
hiểu hơn về căn bệnh này, không xa lánh các bệnh nhân và giúp đỡ họ. Sau
chương trình, em hy vọng các cụ luôn mạnh khỏe và vơi đi nỗi mặc cảm
bản thân," Hồng nói thêm.
Ngoài ra, Hồng cùng các bạn Câu lạc bộ sinh viên Sóc Sơn (Hà Nội) còn
cùng nhau quyên góp 15 bộ sách giáo khoa và 12 bộ đồ dùng học tập, làm
quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở đây.
“Đây là những ngày nghỉ lễ ý nghĩa và khác biệt nhất của em. Sau chương
trình, em và các bạn hy vọng trại phong được quan tâm nhiều hơn nữa từ
xã hội, để các cụ được bù đắp cả về tinh thần lẫn vật chất," Ngọc Sơn,
thành viên Câu lạc bộ sinh viên Sóc Sơn chia sẻ./.
Trương Diệp (Vietnam+)