Mát-xcơ-va bất bại trước chiến tranh chớp nhoáng của phát-xít Đức
Ngày 30-9-1941, phát-xít Đức tấn công Mát-xcơ-va bằng 74 sư đoàn (1,8 triệu quân), 14.500 khẩu pháo, súng cối, 1.700 xe tăng và khoảng 1.400 máy bay. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ Mát-xcơ-va ít hơn quân Đức, chỉ có 800.000 quân, 6.800 khẩu pháo, súng cối; 780 xe tăng, 545 máy bay bố trí tại 4 tuyến phòng ngự.
Với ưu thế về quân số và vũ khí, ngay trong ngày đầu tiên, quân Đức đã chọc thủng tuyến phòng ngự của Hồng quân. Tại khu vực Vi-a-zma, các Sư đoàn số 19, 20, 24 và 32 rơi vào tình thế bị bao vây. Ngày 10-10-1941, Đại tướng G.K.Giu-cốp đã được chỉ định làm chỉ huy các lực lượng thuộc mặt trận phía tây. Nhờ những biện pháp cương quyết của Bộ chỉ huy trên hướng Mát-xcơ-va, tuyến phòng ngự mới được thiết lập. Tuy nhiên, tình thế của mặt trận phía tây vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn.
Trước tình hình đó, chính quyền Mát-xcơ-va đã quyết định thay đổi toàn bộ hệ thống phòng ngự xung quanh thành phố thành khu vực phòng thủ Mát-xcơ-va. Hơn 450.000 dân thủ đô tham gia xây dựng các công trình phòng thủ, trong đó phụ nữ chiếm 75%. Hàng nghìn công nhân, nhân viên, các nhà khoa học và nghệ thuật đã tình nguyện tham gia các tiểu đoàn cộng sản. Để bảo vệ Mát-xcơ-va từ phía tây bắc, ngày 17-10-1941, phương diện quân Ca-li-nin được thành lập và dưới sự chỉ huy của Đại tướng I.S.Cô-nhép...
Giữa tháng 11 cùng năm, quân Đức phát động đợt tấn công dữ dội nhất nhưng không thể phá vỡ tuyến phòng thủ vòng trong bảo vệ Mát-xcơ-va. Những dấu hiệu khủng hoảng trong cuộc tấn công của quân Đức đã xuất hiện, thế chủ động bắt đầu chuyển sang phía quân đội Xô-viết.
Từ ngày 5-12-1941, Hồng quân chuyển sang phản công. Lực lượng cánh trái của phương diện quân Ca-li-nin và cánh phải của phương diện quân phía tây ngay trong những ngày đầu tiên đã chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương ở phía nam và tây bắc Mát-xcơ-va, giải phóng hàng loạt điểm dân cư. Các lực lượng khác cũng liên tiếp có những đợt phản công mạnh mẽ. Cú đánh mạnh nhất của Hồng quân thọc vào sườn các quân đoàn thuộc Tập đoàn quân trung tâm của Đức, buộc Bộ chỉ huy Đức phải ứng cứu nhằm tránh bị hủy diệt.
Tháng 1-1942, Hồng quân Liên Xô tổ chức phản công tiến về phía tây, giải phóng hoàn toàn vùng ven Mát-xcơ-va cùng hàng chục thành phố khác. Trận đánh bảo vệ Mát-xcơ-va tiêu diệt hơn 400 nghìn quân Đức, phá hủy 1.300 xe tăng, 2.500 khẩu pháo và cối, 15.000 xe ô tô quân sự và nhiều thiết bị kỹ thuật khác. Ngày 20-4-1942, Chiến dịch Mát-xcơ-va kết thúc, kế hoạch đánh chiếm Mát-xcơ-va của Hít-le đã sụp đổ tan tành.
Mặc dù không tiêu diệt được hoàn toàn Tập đoàn quân trung tâm của Đức do hạn chế về lực lượng và phương tiện, nhưng Chiến dịch Mát-xcơ-va đã tạo ra bước ngoặt quyết định trong diễn biến quân sự có lợi cho Liên Xô và tạo ra sự ảnh hưởng thuận lợi cho tiến trình tiếp theo. "Chính trận đánh bảo vệ Mát-xcơ-va đã quyết định vận mệnh của Liên bang Xô-viết. Bởi lẽ, phát-xít Đức từng trông đợi rằng khi họ chiếm được Mát-xcơ-va đồng nghĩa với việc Liên Xô sẽ mất biểu tượng chính của toàn bộ cuộc kháng chiến. Thất bại của đội quân Đức ở Mát-xcơ-va đã làm thay đổi cục diện và tiến trình của cuộc chiến”, chuyên viên Ki-rin Đri-an-nốp (Kirill Dryannov), Thư ký khoa học của Bảo tàng Quốc phòng Mát-xcơ-va, nhận định.
Xta-lin-grát - Trận chiến đỉnh cao
Chiến dịch Xta-lin-grát được bắt đầu trong bối cảnh không thuận lợi đối với Liên Xô. Trận đánh kéo dài từ ngày 17-7-1942 đến 2-2-1943, thu hút lực lượng cực lớn của cả hai bên. Khoảng thời gian 200 ngày đêm này có thể được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, từ ngày 17-7-1942 đến 18-11-1942: Phòng thủ thành phố. Giai đoạn thứ hai, từ ngày 19-11-1942 đến 2-2-1943: Hồng quân Liên Xô bắt đầu phản công và tiêu diệt quân Đức bị bao vây ở Xta-lin-grát.
Mùa hè năm 1942, Bộ chỉ huy Đức đã có những thay đổi về chiến lược, theo đó, kế hoạch nằm tất cả ở "chiếc chìa khóa" Xta-lin-grát, vì nếu chiếm được thành phố này thì toàn bộ đất nước Liên Xô còn lại sẽ bị cắt rời khỏi khu vực chiến lược trên, đồng thời quân Đức lại có thể tiếp tục tấn công vu hồi Mát-xcơ-va từ hướng tây nam. Do đó, Bộ chỉ huy Đức đã tập trung ở phía nam hai cụm quân lớn: A và B, bao gồm 5 tập đoàn quân với hơn 900 nghìn binh lính và sĩ quan, 17.000 pháo và súng cối, 1.260 xe tăng và pháo tự hành, có sự yểm trợ của Không đoàn số 4 với 1.640 máy bay.
Ngày 16-8-1942, lực lượng phát-xít Đức tấn công từ hướng tây và tây nam, hy vọng chiếm Xta-lin-grát. Tập đoàn quân dã chiến số 6 Đức tiến về hướng sông Vôn-ga, phía bắc thành phố Xta-lin-grát với hy vọng chiếm được thành phố này. Nhưng ở đây, chúng đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của Sư đoàn Bộ binh số 10 thuộc lực lượng của Bộ Dân ủy Nội vụ và Trung đoàn Công nhân Xta-lin-grát. Những cố gắng của các binh đoàn xe tăng Đức thọc tới thành phố cũng thất bại.
Sáng 15-9, quân Đức tiến công theo hai hướng: Các đơn vị của các Sư đoàn Bộ binh 295, 76 và 71 có xe tăng yểm trợ tiến vào khu giữa của Tập đoàn quân số 62, nhà ga và đồi Ma-mai-ép. Trong các trận đánh trong thành phố từ ngày 15 đến 19-9, quân Đức đã thiệt hại từ 8 đến 10 nghìn quân và sĩ quan, 54 xe tăng bị bắn cháy. Ngày 19-10, phương diện quân sông Đông bắt đầu tiến công, Bộ chỉ huy Đức lại một lần nữa buộc phải rút bớt lực lượng công kích thành phố, đưa phần lớn không quân, pháo binh và xe tăng quay sang đánh phương diện quân sông Đông.
Cùng lúc ấy, Tập đoàn quân số 64 tổ chức phản kích từ phía nam trong khu vực Cu-pô-rô-xnôi-ê - Giê-li-ô-nai-a Pô-li-a-na vào sườn các đơn vị địch đang tiến công. Phương diện quân sông Đông tiến công, Tập đoàn quân số 64 phản kích làm dịu bớt tình hình gay go của Tập đoàn quân số 62 và đã đánh bại những cố gắng của địch nhằm làm chủ thành phố. Cuộc phòng thủ thành phố Xta-lin-grát kết thúc vào ngày 18-11-1942.
Bước sang giai đoạn hai của Chiến dịch Xta-lin-grát, ngày 19-12-1942, quân đội Xô-viết đã tiến hành phản công từ ba hướng bằng các lực lượng thuộc phương diện quân sông Đông, Xta-lin-grát và tây-nam. Ngày 24-12, các phương diện quân sông Đông và Xta-lin-grát liên kết tại thành phố Ca-la-chơ trên sông Đông, thực hiện cuộc bao vây quân Đức. Toàn bộ lực lượng Đức (330.000 quân) đã bị rơi vào vòng vây của Hồng quân. Nhưng cuối cùng, Hồng quân chỉ bắt được hơn 100.000 tên làm tù binh. Phần còn lại của quân đoàn xe tăng do tướng Gốt chỉ huy và bộ phần hậu cần đã rút lui.
Cuối tháng 12-1942, một vòng cung được thiết lập quanh Xta-lin-grát. Ngày 10-1-1943, lực lượng Đức trong vòng vây đã bị tan vỡ. Cuối tháng 1-1943, Bộ chỉ huy Xô-viết yêu cầu người Đức đầu hàng với lời hứa bảo đảm cuộc sống của họ và tuân thủ tất cả các thông lệ chiến tranh. 2/3 số lính Đức đã đầu hàng, trong số đó có cả Thống tướng Pau-lút. Đến ngày 2-2-1943, Chiến dịch Xta-lin-grát kết thúc.
Chiến thắng vĩ đại Xta-lin-grát không chỉ là một thắng lợi chiến lược về mặt quân sự mà còn có một ý nghĩa chính trị to lớn khi làm tiêu tan niềm tin bách chiến bách thắng của quân đội phát-xít, đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn rút lui trên toàn mặt trận của quân đội Xô-viết. Nhưng, quân đội Xô-viết cũng phải trả một giá rất đắt. Để có được chiến thắng, 1,1 triệu chiến sĩ và sĩ quan Hồng quân đã hy sinh.
BÌNH NGUYÊN
(còn nữa)