Chia sẻ về những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của
ngành giáo dục-đào tạo trong năm qua, đồng thời nêu ra những giải pháp
của ngành trong năm mới Định Dậu 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Niềm tin của xã hội chính là động lực quan
trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thưa Bộ trưởng, năm 2016 việc đổi mới giáo dục đã mang lại nhiều kết quả
tích cực. Trên cương vị người đứng đầu ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng,
đâu là kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ngành giáo dục tiếp tục
thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 cùng
với việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung
trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm
2016.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng
mở, linh hoạt. Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp
phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng
chương trình đào tạo thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.
Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh
dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung
và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn
thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí
thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã
cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự
đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Việc quy chế thi và quy chế tuyển
sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà
trường và học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức không gặp trở ngại với
phương án thi mới này.
Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam
với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và
quốc tế đều mang về Huy chương Vàng. Bên cạnh đó, chúng ta đón nhận một
tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực
khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
Ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong năm qua
nhưng dường như xã hội vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa vào ngành, vì thế mà
chưa phải đã hết những băn khoăn từ dư luận. Bộ trưởng nhìn nhận những
hạn chế, khó khăn của ngành trong năm qua là gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được.
Hiện tại, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ
cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Vẫn còn một bộ phận cán bộ
quản lý, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở nhiều trường, lớp học còn thiếu thốn. Ở
một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp,
đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện
bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao
động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt.
Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu
tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh
nghiệp.
Nhìn vào những khó khăn, hạn chế như Bộ trưởng đã nêu có thể thấy
năm 2017 sẽ là năm ngành giáo dục có rất nhiều việc phải làm. Đó sẽ là
những việc gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục triển khai 9 nhóm
nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học
2016-2017 và những năm tiếp theo, bước sang năm 2017, ngành giáo dục sẽ
tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Đối với bậc học mầm non, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm
sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc
học phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý
thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với
giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân
lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng
chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo
chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh
công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các
điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành giáo dục sẽ
phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực
quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề
ra.
Bộ trưởng đã nói đến niềm tin của xã hội dành cho giáo dục. Vậy,
tiếp tục tạo dựng niềm tin có phải là thông điệp của ngành giáo dục
trong năm 2017?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là một ngành đặc
thù với sự tác động rộng lớn. Một người đi học là biết bao người dõi
theo, vì thế sự kỳ vọng dành cho ngành là hết sức lớn lao. Kỳ vọng luôn
là động lực nhưng cũng là áp lực đối với toàn ngành.
Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho
giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai. Vì thế,
ngành giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội
ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã
hội.
Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của
toàn ngành giáo dục. Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh
đạo Bộ GD&ĐT, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt
đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ,
ngành, địa phương, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đã
luôn dành sự quan tâm, đồng hành cùng với ngành Giáo dục trong suốt một
năm qua. Chúc các em học sinh, sinh viên trong cả nước có một năm mới
với những tiến bộ và thành công mới!
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo chinhphu.vn