Năm 2017 chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình đạt 81,64%, tăng 0,53% so với năm 2016, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, thứ 2/9 tỉnh đồng bằng sông Hồng, sau tỉnh Quảng Ninh; chỉ số hài lòng của người dân xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, sau tỉnh Vĩnh Phúc. Một số chỉ số thành phần được xếp vào các địa phương có thứ hạng cao như: Chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của tỉnh, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố, cải cách tài chính công xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ số năm 2017 giảm 4 bậc so với năm 2016. Một số chỉ số thành phần xếp hạng thấp như: Hiện đại hóa hành chính, xếp thứ 37/63, cải cách thủ tục hành chính, xếp thứ 47/63, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xếp thứ 25/63.
Nguyên nhân là công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ của người dân tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu, số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tiếp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và tỷ lệ UBND cấp xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 còn thấp, việc công bố thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm, công khai thủ tục hành chính lên cơ sở dữ liệu quốc gia và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu; vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại hạn chế góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo về tiến độ thời gian theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 11/4/2018 về thực hiện Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 03/2/2018 của CP và Kế hoạch 79-KH/TU ngày 31/1/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”. Thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Rà soát, chuẩn hóa, nhập, xóa bỏ dữ liệu thủ tục hành chính dư thừa, trùng lắp trên cơ sở dữ liệu quốc gia và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Đối với Sở Nội vụ cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp sở, cấp huyện và cấp xã bảo đảm chính xác, công bằng và đầy đủ nội dung theo quy định. Tổ chức đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo khách quan, chất lượng, hiệu quả.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình, phiên bản 1.0 đảm bảo theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 của UBND tỉnh. Duy trì và nâng cấp phần mềm một cửa điện tử (Cổng dịch vụ công của tỉnh) đảm bảo kết nối đến các đơn vị cấp xã. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai, cung cấp các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 lên hệ thống; tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Tiếp tục chỉ đạo Bưu điện tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích góp phần tăng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.
Sở Tài chính chủ trì tham mưu triển khai các biện pháp để nâng cao hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí thực hiện công tác cải cách hành chính theo phân cấp của luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tham mưu triển khai các biện pháp để nâng tỷ lệ UBND cấp xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động. Tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào UBND cấp xã.
Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chỉ số thành phần về xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, tuyên truyền về kết quả của công tác cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở địa phương. Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực trọng tâm theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó chú trọng tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức niêm yết công khai thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực, phù hợp như công khai tại trụ sở, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để tổ chức, công dân tiện tra cứu, thực hiện theo quy định. Riêng UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý tổ chức niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo quy định. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 03/2/2018 của Chính phủ và Kế hoạch 79-KH/TU ngày 31/1/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”, Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/02/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của cơ quan và phục vụ người dân, doanh nghiệp, chú trọng vào việc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng và sử dụng các trang thiết bị, phần mềm dùng chung chia sẻ dữ liệu; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử để trao đổi giữa cơ quan nhà nước, nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2017./.
Ninhbinh.gov.vn