Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 14/12/2018 10:40'(GMT+7)

Ninh Bình: Thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên

Giờ học của các em học sinh trường Tiểu học Khánh Lợi, huyện Yên Khánh

Giờ học của các em học sinh trường Tiểu học Khánh Lợi, huyện Yên Khánh

Thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 20/7/2013 của HĐND tỉnh về "Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trường học thực hiện Đề án.

Cụ thể, đến năm 2018, sau 5 năm thực hiện Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện việc chuyển đổi Trường THPT bán công Ninh Bình thành Trường THPT công lập Ninh Bình – Bạc Liêu; hoàn thành việc giải thể Trung tâm tin học và ngoại ngữ, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh, thành lập Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và hướng nghiệp tỉnh; triển khai Dự án xây dựng trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình theo kế hoạch đã được phê duyệt; hoàn thành việc bàn giao cơ sở vật chất, đội ngũ của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cho UBND các huyện, thành phố; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện tốt các chỉ tiêu của Đề án về quy mô trường, lớp, học sinh, theo dõi thực hiện các chỉ tiêu của Đề án... Hiện nay, các địa phương đã chọn được danh mục trường chất lượng cao nhưng chưa có mô hình và phương án xây dựng; quy mô trường, lớp, học sinh, diện tích đất ở một số trường học mầm non, tiểu học, THCS chưa đạt chỉ tiêu của Đề án...

Trong quá trình thực hiện Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như tình trạng quá tải số lớp/trường, số học sinh/lớp ở 8/8 huyện, thành phố do thiếu phòng học trong khi thiếu nguồn lực kinh phí để đầu tư đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập. Việc bố trí quỹ đất mở rộng hoặc xây mới một số trường học tại thành phố Ninh Bình đang gặp khó khăn do hầu hết các khu vực đông dân cư cần mở rộng hoặc xây trường mới thường rất khó trong việc bố trí quỹ đất lớn phục vụ xây dựng trường học.

Trong khi đó, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể sáp nhập các cặp trường THCS có quy mô nhỏ theo kế hoạch do trong quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý phụ huynh, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đồng thuận... Việc xây dựng trường chất lượng cao còn nhiều vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, mô hình cụ thể, thiếu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là thiếu kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học... Thực trạng quá tải ở tất cả các cấp học, bậc học đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải mở rộng quy mô trường, lớp, đặc biệt là khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư.

Do đó, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và ban ngành chức năng cảu tỉnh cần sớm hoàn thiện quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường liên cấp chất lượng cao để giảm tải cho các trường; tạo điều kiện bố trí về đất đai tại vị trí phù hợp để phục vụ việc xây dựng và mở rộng trường học, đặc biệt là tại thành phố Ninh Bình; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm phòng học, tăng cường cơ sở vật chất trường học, bổ sung giáo viên, tạo điều kiện mở rộng quy mô trường lớp, kịp thời giải quyết tình trạng quá tải tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non. 

Các sở, ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, cân đối, tham mưu bố trí ngân sách cấp tỉnh hàng năm theo đúng lộ trình kinh phí thực hiện Đề án; đầu tư kinh phí xây dựng thêm các phòng học cho một số trường THPT trên địa bàn tỉnh... nhằm đáp ứng nhu cầu học tập do số học sinh tăng nhanh trong những năm học tới. Đồng thời chỉ đạo các địa phương có giải pháp về kinh phí để xây dựng bổ sung phòng học và bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học, đáp ứng yêu cầu về quy mô trường, lớp, học sinh theo mục tiêu của Đề án.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, riêng bậc học mầm non, toàn tỉnh hiện có 113/148 trường mầm non công lập quá tải, chiếm 76%; trong đó có 10 trường vượt số nhóm, lớp, số trẻ/lớp và 103 trường vượt số trẻ/lớp so với quy định.

Nhiều trường phải tận dụng hội trường, phòng chức năng để làm lớp học và thực hiện học ghép khiến có những lớp học đông tới 65-70 học sinh/lớp, các cô giáo phải làm việc rất vất vả... ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tăng dân số cơ học, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, biên chế cán bộ, giáo viên thiếu, chưa đồng bộ; nguồn kinh phí và diện tích đất để mở rộng quy mô trường lớp tại các trường học không có ...

 

MD (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất