Sơn Thành (Nho Quan) huy động sức mạnh toàn dân xây dựng NTM
Sơn Thành là xã đồng chiêm trũng của huyện Nho Quan. sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống của người dân xã Sơn Thành đã được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Những con đường giao thông được bê tông hóa rộng rãi hơn, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, cơ sở hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế cải thiện rõ rệt.
Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Sơn Thành chỉ đạt 5 tiêu chí bao gồm: tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 16 về văn hóa, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí số 19 quốc phòng và an ninh. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương hạn chế, lại thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai..., chính vì thế việc phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh; sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành đã nỗ lực phấn đấu, huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2018, xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, tập trung tuyên truyền nội dung Chương trình xây dựng NTM đến các tổ chức đoàn thể và người dân trong xã. Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của tỉnh, huyện, xã, qua đó đã nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát tại cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” đến các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã.
Biến khó khăn thành lợi thế, trên địa bàn xã đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hoá theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Toàn xã có 4 mô hình sản xuất tiên tiến, 1 mô hình dự án liên kết sản xuất phục hồi giống nếp cau; có 16 gia trại đạt doanh thu bình quân 128 triệu đồng/gia trại/năm. Theo đó, diện tích gieo trồng cả năm 2017 là 334,7 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.780 tấn. Chăn nuôi: đàn trâu, bò 229 con; đàn lợn 1.971 con. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 120 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 60 tấn/năm. Xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích thực hiện 347,5 ha. Huy động nhân dân hiến đất để làm giao thông, thủy lợi là 8,1 ha; kinh phí nhân dân đóng góp 1.628 triệu đồng. Trước dồn điền, đổi thửa, bình quân 10 thửa/hộ, sau dồn điền, đổi thửa bình quân 3,6 thửa/hộ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn xã có 55 máy làm đất các loại và 1 máy gặt đập liên hoàn, chủ động hoàn toàn về khâu điều tiết nước và làm đất bằng máy, cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân...
Đảng bộ, chính quyền xã Sơn Thành đã tạo điều kiện, hỗ trợ khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống. Trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp, 204 hộ kinh doanh ngành nghề, thu hút 300 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng/tháng trở lên. Số lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.100 người, có thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, HTX nông nghiệp đã hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt 7 khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả. Công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm. Xã đã phối hợp tổ chức 12 lớp dạy nghề cho 1.600 lao động nông thôn, mở 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 1.030 lượt người tham gia, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, việc huy động nguồn lực góp phần quan trọng. Đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện xây dựng NTM trong xã là 194.096,2 triệu đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước 80.822 triệu đồng, chiếm 41,6%; vốn vay tín dụng 35.020 triệu đồng, chiếm 18,04%; vốn doanh nghiệp 876 triệu đồng, chiếm 0,45%; đặc biệt, vốn tham gia của nhân dân là 77.378 triệu đồng, chiếm 39,86%. Trong đó, nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà cửa 66.500 triệu đồng, chiếm 85,94%. Nhân dân đóng góp làm đường giao thông là 6.332.65 triệu đồng; đóng góp thực hiện dồn điền, đổi thửa là 1.629 triệu đồng; đóng góp làm nhà văn hóa thôn 840 triệu đồng…
Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp và sự tích cực tham gia của nhân dân, 8 năm qua, xã đã tiếp nhận 1.904 tấn xi măng, xây dựng, nâng cấp được 122 tuyến đường với 11,36 km đường giao thông nông thôn. Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn xã là 43,7 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa; 16,24 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện.
|
Tuyến đường vào xã Sơn Thành (Nho Quan) được trang hoàng rực rỡ chuẩn bị đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới
Toàn xã có 3 trường học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Nhà văn hóa trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng năm 2012 với tổng diện tích xây dựng 350m2 với trên 250 chỗ ngồi và khu thể thao. 13/13 thôn có nơi sinh hoạt cộng đồng...
Có thể khẳng định, sau 8 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo của xã Sơn Thành đã thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân được nâng lên, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy, thu nhập, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững. Điều này được thể hiện qua kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 24%; dịch vụ chiếm 13%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 23 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 35,6 triệu đồng/người/năm, tăng 24 triệu so với năm 2010, ước năm 2018 đạt 39,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 16,12%, đến hết năm 2018 giảm xuống còn 1,31%.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, xã Sơn Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện, đồng bộ; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh được giữ vững...
Ninh An (Hoa Lư) huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết: Sau khi được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM, người dân trong xã vui mừng, phấn khởi, tích cực thi đua trong lao động sản xuất. Để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xã Ninh An xác định rõ, xây dựng NTM kiểu mẫu chính là nâng cao đời sống người dân, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; trong đó, xã chú trọng một số tiêu chí khó, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đó là tiêu chí thu nhập, giao thông, thủy lợi, hộ nghèo...
Để thực hiện các tiêu chí khó, xã Ninh An đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chung tay huy động các nguồn lực, đóng góp công sức, có thêm những cách làm sáng tạo trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Theo đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, đánh giá sự hài lòng trong quá trình xây dựng NTM, xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các HTX tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề nông thôn và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, hộ sản xuất, kinh doanh có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 34 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và ổn định chiếm 91,8%. Xã tích cực chỉ đạo các HTX ngoài đảm bảo tốt các khâu dịch vụ, tập trung xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn và mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, đảm bảo bền vững, hiệu quả.
Công tác giảm nghèo được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, qua rà soát hộ nghèo, toàn xã có 59 hộ nghèo, chiếm 3%, hộ cận nghèo có 123 hộ, chiếm 6,25%. Trong năm 2017 và 2018 đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 4 hộ kinh tế khó khăn và 4 hộ thuộc đối tượng có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh việc nâng cao đời sống cho người dân, xã cũng huy động các nguồn lực quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân và giao thương hàng hóa. 3 năm qua, đã sửa chữa, nâng cấp 21 tuyến đường tiểu ngõ với tổng chiều dài 1.816 m. Kè kênh và mở rộng đường trục xã từ Quốc lộ 1A đến khu tái định cư dài 1.471m. Lập hồ sơ dự toán đề nghị phê duyệt sửa chữa, nâng cấp đường trục thôn Đông Trang, đường trục liên thôn từ nhà văn hóa xóm Kiến ái đến nhà máy nước sạch thôn Xuân Mai với tổng chiều dài 434m.... với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 400 triệu đồng (bằng hình thức hiến đất 313). Cùng với đó, các trạm bơm được xây dựng kiên cố và được phân bố theo các khu vực, các xứ đồng, đảm bảo năng lực tưới tiêu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh…
Xã Ninh An cũng rất quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, huy động các nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất văn hóa. Đến nay, 10/10 thôn, xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập cộng đồng và nơi vui chơi, luyện tập thể thao cho người dân trên địa bàn. Số hộ gia đình văn hóa chiếm 98,8%; 3 trường học và cơ quan xã đều đạt cơ quan văn hóa...
Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, song để đạt các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu, Ninh An còn gặp một số khó khăn. Đó là phải có mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, trong khi diện tích đất nông nghiệp chưa tập trung, phân bố không đồng đều, vì vậy xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng để thực hiện được tiêu chí này. Về tiêu chí giao thông, thực tế hiện nay phần lớn các tuyến đường giao thông liên xã, xóm đều nhỏ hẹp, mặt đường trước kia chỉ rộng 2,5m, việc mở rộng mặt đường theo đúng tiêu chí đòi hỏi phải từng bước triển khai thực hiện....
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết, để đạt được các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu, Ninh An rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt của các cấp, các ngành. Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, mở rộng các tuyến đường giao thông; tạo mọi điều kiện để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống. Tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ, huy động nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng NTM bền vững, kiểu mẫu.
Thu Hằng (tổng hợp)