Để thực hiện được yêu cầu đó trong tình hình mới, công tác truyền thông về dân số và phát triển phải chú trọng một số vấn đề.
LỰA CHỌN NỘI DUNG, HÌNH THỨC, CÁCH TIẾP CẬN TRUYỀN THÔNG PHÙ HỢP VÀ HIỆU QUẢ
Mục tiêu quan trọng của công tác truyền thông dân số trong thời gian tới là nhằm đẩy mạnh vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số để phát triển bền vững. Từ đó, nội dung truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển được xác định, bao gồm: phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, hướng dẫn triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch và các văn bản quản lý, điều hành; các kiến thức chuyên môn cần thiết; những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong thực hiện; biểu dương gương tốt, việc tốt và phê phán những sai trái, yếu kém, các vi phạm về công tác dân số và phát triển. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện truyền thông căn cứ tính chất, thế mạnh, đặc điểm đối tượng tác động của từng phương tiện truyền thông và thực trạng công tác dân số và phát triển của mỗi địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức, cách tiếp cận truyền thông phù hợp và hiệu quả.
Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của các cơ quan truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử...), cần mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn về dân số và phát triển qua internet, các trang web, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và những phương tiện truyền tin khác. Chú trọng truyền thông dân số và phát triển trong các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà vị thành niên/ thanh niên (VTN/TN), nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích, quan tâm. Sản xuất các sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi. Chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp trong sản phẩm truyền thông dành cho nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận và các vùng khó khăn.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG TRỰC TIẾP
Tổ chức tốt các đợt chiến dịch truyền thông, lồng ghép với cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các xã biên giới, hải đảo, vùng có mức sinh cao, mức sinh chưa ổn định và những vùng còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu dân số và phát triển.
Cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng đưa nội dung truyền thông dân số và phát triển lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, giải trí của nhân dân tại khu dân cư, điểm dân cư; đặc biệt là hỗ trợ việc đưa chính sách dân số và phát triển vào hương ước, quy ước của cộng đồng.
Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản khi đến thăm hộ gia đình. Định kỳ bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn trong các cuộc họp giao ban hằng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện truyền thông, tư vấn có hiệu quả tại hộ gia đình.
KHUYẾN KHÍCH CÁC ĐƠN VỊ TƯ VẤN THAM GIA VÀ MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC TƯ VẤN VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Cung cấp thông tin cho các đơn vị tư vấn trong và ngoài hệ thống DS-KHHGĐ tham gia tư vấn về dân số và phát triển. Tạo điều kiện mở rộng phạm vi truyền thông và bảo đảm nội dung về quy định của pháp luật, chính sách, quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật của các vấn đề dân số và phát triển.
Các trung tâm, điểm tư vấn thuộc hệ thống DS-KHHGĐ giữ vai trò bảo đảm tính pháp lý, tính chính xác của các nội dung tư vấn, truyền thông. Triển khai mở rộng các hình thức tư vấn phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng, từ tư vấn trực tiếp, tư vấn qua thư, qua điện thoại, trên internet, mạng xã hội, điện thoại di động, công cụ truyền tin khác đến tư vấn cộng đồng. Chú trọng tư vấn chuyên môn, kỹ thuật về sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ, mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG THÂN THIỆN, PHÙ HỢP VỚI VTN/TN
Nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho VTN/TN về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình, giới tính, bình đẳng giới, tầm soát bệnh tật bẩm sinh. Duy trì và từng bước mở rộng các tổ chức truyền thông các hình thức truyền thông và cán bộ truyền thông chuyên biệt dành cho VTN/TN để thực hiện các hình thức giáo dục, truyền thông thân thiện như giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện, hoạt động ngoài giờ lên lớp, thi kiến thức, thi tìm hiểu về các sản phẩm truyền thông; lồng ghép truyền thông dân số và phát triển vào các hoạt động cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí của VTN/TN.
Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành giáo dục, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cộng đồng dân cư để hình thành, mở rộng mô hình giáo dục, truyền thông chuyên biệt cho VTN/TN như nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện tại các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và tại cơ sở cung cấp dịch vụ dân số (DS), SKSS.
TẠO MÔI TRƯỜNG ĐỒNG THUẬN, ỦNG HỘ VÀ CAM KẾT THỰC HIỆN CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, ĐOÀN THỂ VÀ CỘNG ĐỒNG
Vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đầu tư thực hiện các biện pháp khuyến khích và không khuyến khích các thành viên, hội viên thực hiện chính sách dân số và phát triển kết hợp với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm và cập nhật thông tin trên phương tiện truyền thông. Tổ chức lồng ghép những nội dung dân số và phát triển vào các hoạt động chuyên môn, hoạt động thường xuyên, hoạt động văn nghệ, thể thao, giải trí của các thành viên, hội viên trong tổ chức, đơn vị. Phối hợp với đơn vị chức năng của ban, ngành, đoàn thể tổ chức mạng lưới đến tận cơ sở đưa nội dung truyền thông dân số và phát triển vào các câu lạc bộ phụ nữ, nam nông dân, thanh niên, nhóm tiết kiệm tín dụng, thanh niên tình nguyện, thanh niên lập nghiệp và các hình thức khác. Tổ chức nói chuyện, thảo luận, sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ, thể thao, giải trí cho các thành viên, hội viên và nhân dân cư trú trên địa bàn như là trách nhiệm, công việc thường xuyên của các tổ chức theo quy định. Xây dựng mô hình truyền thông phù hợp với các nhóm dân số đặc thù là VTN/TN, người di cư, người tàn tật, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Cung cấp thông tin dân số và phát triển cho các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực, sự tham gia đông đảo của các lực lượng xã hội trong các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ và việc thực hiện các hành vi có lợi về dân số và phát triển.
Cung cấp thông tin, vận động, huy động các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông, ủng hộ các hành vi có lợi về dân số và phát triển; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào sinh hoạt của cộng đồng, sinh hoạt văn hóa dân gian, phiên chợ; đưa các tiêu chí về dân số và phát triển vào hương ước, quy ước của cộng đồng, vào tiêu chuẩn làng, ấp văn hóa, gia đình văn hóa.
NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ GIÁO DỤC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Nâng cao kỹ năng giảng dạy nội dung dân số, giới tính, bình đẳng giới, SKSS/KHHGĐ, sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống được tích hợp vào sách giáo khoa trong các môn học của các lớp học, cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học đã tích hợp những nội dung dân số và phát triển.
Chú trọng bồi dưỡng cán bộ quản lý truyền thông trong hệ thống DS-KHHGĐ về kỹ năng truyền thông vận động, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia truyền thông và điều phối các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển. Cung cấp thông tin cập nhật về dân số và phát triển, chính sách, pháp luật mới ban hành; hướng dẫn về nội dung truyền thông ưu tiên; thông điệp chuẩn của vấn đề, chủ đề dân số cho đội ngũ truyền thông viên của cơ quan truyền thông đại chúng, trung tâm, điểm tư vấn các cấp. Cập nhật kiến thức kỹ thuật, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trên trang tin điện tử, mạng xã hội, qua internet, điện thoại di động, thiết bị chuyển tải thông tin cho đội ngũ nhân viên thực hiện của cơ quan, tổ chức.
Trung ương chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh và bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Địa phương chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã và ban, ngành, đoàn thể địa phương. Việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp được lồng ghép với tập huấn, bồi dưỡng những nội dung khác; bảo đảm mỗi cán bộ trực tiếp tham gia truyền thông của Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện được tập huấn ít nhất 1 ngày/năm. Đồng thời, cung cấp trang bị, dụng cụ, phương tiện truyền thông cho cơ quan, đơn vị truyền thông, bao gồm cả trung tâm, điểm tư vấn thuộc hệ thống DS-KHHGĐ; ưu tiên các trang thiết bị, dụng cụ truyền thông phù hợp cho xã nghèo, xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai bão lụt.
Các ban, ngành, đoàn thể căn cứ khả năng ngân sách và thực trạng trang thiết bị truyền thông của từng đơn vị để đầu tư trang thiết bị truyền thông cho các đơn vị trực thuộc. Trong đó, ngân sách địa phương ưu tiên dành đầu tư trang thiết bị truyền thông cho xã nghèo, xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng bị thiên tai bão lụt và hỗ trợ Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện.
Lê Cảnh Nhạc
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế
________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018