(TG) - Chiều ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Nhóm Đối tác y tế quý IV 2018 với chủ đề “Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững về y tế”.
Cuộc họp được chủ trì bởi PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Tham dự còn có đại biểu quốc tế đến từ các Đại sứ quán, các cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; các đại biểu trong nước đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng chính phủ, các Bộ, Ban ngành, Sở Y tế các tỉnh/thành phố.
Mở đầu cuộc họp, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chủ đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại các diễn đàn toàn cầu nói chung và tại các quốc gia nói riêng. Vào ngày 25/10/2018 vừa qua, tại thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên bố Astana đã chính thức được đưa ra tại Hội nghị toàn cầu về CSSKBĐ hướng đến mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân và các Mục tiêu phát triển bền vững, do Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tổ chức với sự tham dự của các nước thành viên của Liên hợp Quốc.
“Với 07 nội dung đã được đề cập trong Tuyên bố Astana 2018 mà sẽ được trình bày trong Cuộc họp ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy rằng chưa bao giờ vai trò của CSSKBĐ lại trở nên quan trọng như lúc này nhất là trong bối cảnh thế giới đang thay đổi phức tạp và nhanh chóng cùng với mong muốn xây dựng một thế giới phát triển và bền vững với con người là trung tâm.” - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
TCYTTG đã đề ra ưu tiên chiến lược trong 5 năm 2019 - 2023 là thêm 1 tỷ người hưởng lợi từ bao phủ CSSK toàn dân, thêm 1 tỷ người được bảo vệ tốt hơn trước các tình huống y tế khẩn cấp, thêm 1 tỷ người có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn khẳng định để thực hiện các mục tiêu này, CSSKBĐ có vai trò cốt lõi và nền tảng. Hệ thống CSSKBĐ lấy con người làm trung tâm và dựa trên nền tảng dân số sẽ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện dự phòng, cung cấp vắcxin, ứng phó với tình trạng khẩn cấp và thực hiện Bao phủ CSSK toàn dân bảo đảm công bằng và hiệu suất. Nhìn rộng hơn, CSSKBĐ trong hệ thống y tế sẽ góp phần thực hiện 16 Mục tiêu Phát triển bền vững khác như xóa bỏ đói nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe, học tập suốt đời, giảm bất bình đẳng, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, xây dựng môi trường sống khỏe mạnh và bền vững...
CSSKBĐ là tiền đề và cách thức hiệu quả thực hiện bao phủ CSSK toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này được khẳng định dựa trên bằng chứng, và chứng minh tại một số nơi, ở một số quốc gia như Cu ba, Brazil, Ấn độ.
Tại Việt Nam, vai trò của CSSKBĐ đã và đang được khẳng định và đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đề án 2384 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, và dự án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã phường trên 8 tỉnh thành phố đã mang lại một số kết quả, tuy nhiên thách thức vẫn còn nhiều.
Các cuộc họp Nhóm Đối tác y tế trong năm nay đã đề cập đến các vấn đề của CSSKBĐ tại Việt Nam. Đó là vấn đề về tài chính cho CSSKBĐ, đầu tư cho CSSKBĐ còn hạn chế so với đầu tư cho bệnh viện, chi BHYT tại tuyến cơ sở và y tế dự phòng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng chi BHYT, chất lượng và danh mục cung ứng dịch vụ tại các cơ sở y tế tuyến dưới còn hạn chế, thiếu niềm tin của người dân đối với CSSKBĐ; nhân lực cho CSSKBĐ thiếu và yếu, bệnh viện vẫn là trung tâm trong hệ thống y tế, vướng mắc trong việc áp dụng nguyên lý bác sỹ gia đình trong CSSKBĐ tại cộng đồng; vấn đề về chuyển tuyến và liên kết các cấp độ CSSK; việc ứng dụng thống nhất hệ thống thông tin và phần mềm trong quản lý CSKBĐ; CSSKBĐ chưa được đầu tư và phát triển đúng đắn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhằm hưởng ứng thực hiện Bao phủ CSSK toàn dântrên toàn thế giới, năm nay Ngày Bao phủ CSSK toàn dân (UHC Day)(12/12) với thông điệp “Hãy cùng đoàn kết và chung tay hành động vì mục tiêu Bao phủ CSSK toàn dân”. |
Trước những vấn đề trên, tăng cường CSSKBĐ để hiện thực hóa mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững cần được xem xét một cách hệ thống để đưa ra các cách thức giải quyết tổng thể, có lộ trình, nhất quán và bền vững. Việc đưa ra các giải pháp cần tham khảo thêm khuyến cáo và kinh nghiệm quốc tế cũng như dựa trên các bằng chứng cụ thể và cần sự tham gia của toàn xã hội.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận thẳng thắn, sôi nổi về một vấn đề không mới nhưng rất quan trọng với nhiều nội hàm và ý nghĩa, xoay quanh 3 nội dung chính là: Chia sẻ về các nội dung chính tại Hội nghị toàn cầu về CSSKBĐ tại Astana, Kazakhstan vào tháng 10/2018 và bài học cho Việt Nam; cập nhật về những kết quả đạt được trong đổi mới CSSKBĐ tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra các ưu tiên và hành động cụ thể nhằm tăng cường CSSKBĐ tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững về y tế; thảo luận về các hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho CSSKBĐ tại Việt Nam./.
Đại hội đồng Liên hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững trong đó mục tiêu số 3 về y tế là bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và phúc lợi cho mọi lứa tuổi. Mục tiêu nàybao gồm13 mục tiêu cụ thể, trong đó 03 mục tiêu về sức khỏe sinh sản và trẻ em, 03 mục tiêu liên quan đến bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, 02 mục tiêu liên quan đến sức khỏe môi trường; 01 mục tiêu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và 04 mục tiêu còn lại liên quan đến cách thức để hiện thực hóa các mục tiêu trên |
Nhật Minh