Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 9/4/2011 22:12'(GMT+7)

Vì sao an ninh lương thực thế giới trở thành vấn đề “nóng” ?

 

Biến đổi khí hậu toàn cầu

Hạn hán, thiên tai, thời tiết bất thường là do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu đang de dọa an ninh lương thực toàn thế giới. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao nên an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia. Một số nông phẩm thời gian gần đây tăng giá với tốc độ chóng mặt.

Theo báo cáo của FAO công bố ngày 5-1 thì giá lương thực tăng cao kỷ lục trong tháng 12-2010 và có thể còn cao hơn nữa do biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, chỉ số giá lương thực tính theo tháng, dựa trên giá một số hàng hóa như: lúa mì, ngô, gạo, các loại hạt, sản phẩm sữa, đường, thịt, cá trong tháng 12-2010 đã tăng 4,2% so với tháng 11, tăng lên 214,7 điểm, vượt mức 213,5 điểm vào tháng 6-2008, là mức cao nhất kể từ khi FAO thiết lập chỉ số này năm 1990.

Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng lương thực”, FAO cũng đưa ra nhận định, giá lương thực toàn cầu trong năm 2011 có thể tăng từ 10-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu. Ngày 12-1, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, giá lúa mì năm 2010 đã tăng 47%, trong khi giá ngô tăng hơn 50% và đậu tương tăng 34%.

Theo báo Wall Stree Journal, trong sáu tháng qua, giá đậu nành đã tăng 46%, lên mức 14 USD cho mỗi bushel (=35,24 lít); giá đường cao hơn 31% so với 6 tháng trước, đứng ở mức 31xu Mỹ mỗi pound…

Sylvain Charlebois – Giáo sư về các chính sách và phân phối lương thực thuộc Đại học Guelph (Canada) cho biết, hiện nay giá ngô tăng 29%, giá lúa mì tăng 71%, giá đậu tương tăng 22%, giá nước cam tăng 17%, giá đường tăng 51%.

Ngày 9-2, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra báo cáo sản lượng các nông phẩm điều chỉnh giảm so với trước đó khiến giá nông sản thế giới trong tuần biến động mạnh.

Theo đánh giá của FAO, thời tiết biến động là nguyên nhân chính làm sản lượng lúa mì thế giới giảm mạnh trong năm 2010 như lũ lụt tại Australia và Pakistan, hạn hán ở Argentina, thời tiết khô hạn gây cháy rừng ở Nga, sương giá phá hoại mùa màng ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Nguồn dự trữ và mục đích tiêu dùng biến đổi

Mặt khác còn do các quốc gia mua để dự trữ, và để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol. Viện Nghiên cứu Trái Đất ở Washington DC cho biết, riêng tại Mỹ – nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã dành 30% số lượng ngô sản xuất đại trà để chế biến ethanol dùng chạy xe thay vì để ăn.

Bulog, cơ quan thu mua của Indonesia được lệnh phải dần dần tăng lượng gạo nhập khẩu để bảo đảm dự trữ 2 triệu tấn gạo so với 1,5 triệu tấn hiện nay. Các nhà kinh doanh gạo dự đoán, tăng cường dự trữ lúa, gạo là lựa chọn của nhiều quốc gia châu Á trước những mối quan ngại chung về tình hình lương thực toàn cầu.

Ngày 9-2, chính quyền Indonesia đã quyết định tăng cường dự trữ gạo từ 1,5 triệu tấn lên 2,0 triệu tấn trước sự lo ngại về giá lương thực tăng cao nguồn cung bị thu hẹp và lạm phát tăng lên. Trong tháng 2, Trung Quốc cũng tăng giá mua lương thực tối thiểu để dự trữ.

Đầu tháng 2, Chính phủ Ả rập Xê-út cũng quyết định tăng gấp đôi lượng dự trữ lúa mì từ mức 1,4 triệu tấn lên mức 2,52 triệu tấn trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng mạnh và dân số nước này cũng tăng nhanh. Cũng theo báo cáo của USDA, ước tính lượng ngô trên thế giới trong vụ tính đến tháng 8 sẽ giảm 16%, xuống 122,5 triệu tấn. Sản lượng ngô toàn cầu thấp chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung từ Mỹ, Argentina. Trong khi đó, nhu cầu về ngô không ngừng tăng cao.

Mới đây Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu ngô sang Việt Nam khiến Việt Nam có thể phải quay sang nhập từ các nhà cung ứng Nam Mỹ. Theo USDA lượng dự trữ toàn cầu về lúa mì đến tháng 6 sẽ giảm xuống 177,77 triệu tấn, thấp hơn 0,1% so với dự báo tháng 1.

Dân số tăng cao, diện tích trồng cây lương thực giảm

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao chủ yếu do mất cân đối cung – cầu, trong khi cầu có xu hướng tăng cao thì nguồn cung lại bị giảm mạnh trong những năm gần đây. Cầu tăng cao trước hết do dân số thế giới tăng lên chóng mặt, mỗi năm tăng 80 triệu người.

Cung giảm do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do diện tích sản xuất lương thực và lượng lương thực thế giới đang giảm mạnh. So với năm 2009, diện tích đất trồng lúa năm 2010 chỉ còn 155,1 triệu ha, giảm 2,7 triệu ha và sản lượng gạo đạt 442,6 triệu tấn, giảm 5,4 triệu tấn.

Theo ông Matthew, Viện Chính sách Trái đất, Mỹ, sản lượng lương thực thế giới giảm còn do nguồn nước bên dưới tầng địa chất bị cạn kiệt vì nhiều khu rừng biến mất do nạn phá cây rừng bừa bãi, đất canh tác không còn đủ màu mỡ để trồng trọt. Thêm vào đó, khí hậu biến đổi vì địa cầu nóng ấm dần, băng tan làm nước biển dâng tràn gây hiện tượng nhiễm mặn trên đất trồng lúa tại châu Á mà đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một thí dụ điển hình.

Hệ lụy từ mất an ninh lương thực

Theo số liệu do Liên hợp quốc công bố ngày 16-10-2010 trên thế giới có khoảng 1 tỷ người thiếu ăn. Còn theo FAO số người đói là 925 triệu, 2/3 số người đói tập trung ở bảy quốc gia là Bangladesh, Trung Quốc, Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia và Pakistan. Khu vực có số người đói nhiều nhất là châu Á - Thái Bình Dương với 578 triệu người. Tỷ lệ người đói cao nhất ở khu vực tiểu vùng Sahara châu Phi, chiếm 30% trong năm 2010 (239 triệu).

Cũng theo đánh giá của FAO, giá lương thực leo thang là thủ phạm gây nên nhiều cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới. FAO cảnh báo rằng, sự tăng đột biến giá cả có thể là một mối đe dọa chính trị đối với an ninh lương thực cho người nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo cảnh báo đầu tháng 1 của Olivier de Schutter, chuyên gia Liên hợp quốc về lương thực, đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu giống như năm 2008.

Theo Olivier de Schutter, hiện nay có khoảng 80 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Những khu vực bị đe dọa nhiều nhất là Bắc và Trung Phi, tiếp đó là châu Á như: Afghanistan, Mông Cổ, Triều Tiên.

Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick khẳng định, sự nghèo đói đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại 37 quốc gia trên thế giới. Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá lương thực leo thang là Ai Cập. Làn sóng biểu tình chống tăng giá đã dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Mubanrak sau 31 năm cầm quyền. Tại Mozambique, sau khi chính phủ quyết định tăng giá bánh mì lên 30%, nhiên liệu lên 17%, cũng dẫn đến bạo động bùng nổ làm hàng trăm người bị thương và bị chết, hơn 400 người bị bắt giữ.

Nhà kinh tế học Abdolreza Abbassian của FAO dự báo, trong tương lai gần có thể xảy ra nhiều vụ bạo động vì tăng giá do khan hiếm lương thực ở các nước kém phát triển, nhất là ở châu Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Mặt khác, tình trạng thiếu lương thực càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia phải nhập nhẩu lương thực, nhưng lại thiếu ngoại tệ.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực, nhưng theo FAO thì biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm sản lượng lương thực giảm và kéo theo các hệ lụy khác. Vì thế, các nước cần có giải pháp toàn diện để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cần được đặc biệt quan tâm./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất