Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 9/9/2008 14:14'(GMT+7)

Nỗ lực giảm bớt nỗi đau da cam tại Việt Nam

Thanh niên Việt Nam, Nhật Bản ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin - Ảnh minh họa

Thanh niên Việt Nam, Nhật Bản ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin - Ảnh minh họa

Ngày 8/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp lần thứ ba Hội đồng tư vấn Việt-Mỹ (JAC) - diễn đàn song phương dành cho đối thoại khoa học cấp cao về chất da cam/dioxin, giúp hai chính phủ Việt Nam và Mỹ hiểu rõ hơn về mức độ phơi nhiễm của dioxin và đưa ra những khuyến nghị về sức khỏe con người và các tác động đối với môi trường của chất da cam/dioxin.

Tại cuộc họp lần này, đại diện của hai bên tiếp tục xem xét về mức độ phơi nhiễm đối với môi trường tại các điểm nóng ở Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng cũng như thảo luận về cách thức phân bổ nhanh và kịp thời khoản tiền 3 triệu USD được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2007 nhằm khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak nhấn mạnh tầm quan trọng của cách giải quyết vấn đề da cam/dioxin trong mối quan hệ Việt Nam-Mỹ cũng như hậu quả mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng.

Tiến sĩ Lê Kế Sơn, đồng Chủ tịch JAC, cho rằng tại cuộc họp lần này cả hai bên đều đã hiểu rõ hơn về vấn đề dioxin ở Việt Nam và cùng nỗ lực để vượt qua các bất đồng.
Tiến sĩ Kevin Teichman, đồng chủ tịch JAC, cho biết Quốc hội Hoa Kỳ sẽ xem xét các khoản trợ giúp được cam kết để giúp đỡ tẩy độc môi trường và tăng cường y tế.
Theo ông, nhiều tổ chức như Quỹ Ford, UNDP, UNICEF... đã quan tâm đến vấn đề dioxin và cam kết đóng góp các nguồn cung cấp thiết thực nhằm giảm nhẹ những gánh nặng do dioxin để lại.


Tuần trước, tại Quảng trường Alexanderplatz ở thủ đô Berlin, đã diễn ra Ngày đoàn kết ủng hộ trẻ em và nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam nhân Ngày đoàn kết lần thứ 12 của Đức.


Khách tham quan đã được xem những hình ảnh về các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, do Tổ chức đoàn kết SODI và Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam giới thiệu.


Nhân dịp này, Tổ chức SODI cũng giới thiệu nhiều dự án rà phá bom mìn, xây dựng các khu tái định cư cho người dân Việt Nam.


Hoạt động Ngày đoàn kết năm nay đã quyên góp được 8.000 euro và một nửa số tiền này sẽ được trao cho Tổ chức SODI để mua trang thiết bị cho một trường tiểu học ở Đà Nẵng. Phần còn lại sẽ để hỗ trợ Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật ở Thụy An (Hà Tây), nơi có trên 100 trẻ em khuyết tật nặng do hậu quả của chất độc da cam/điôxin.


SODI cũng đã phát động Chiến dịch lấy 100.000 chữ ký trực tuyến để đòi sự công bằng và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cũng như kêu gọi Chính quyền Mỹ và 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam.

Trong 10 năm, từ 1961 đến 1971quân đội Mỹ đã rải hơn 18 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hécta rừng và đất nông nghiệp.

Các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Chất da cam/điôxin đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sảy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm đioxin.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia.


(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất