Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 9/9/2008 8:23'(GMT+7)

Về chính sách bảo hiểm và thất nghiệp

Tham gia hội thảo có lãnh đạo và các thành viên của Uỷ ban về các vấn đề xã hội, các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện các cơ quan quản lý lao động môt số địa phương; các chuyên gia cao cấp về lao động, việc làm và bảo hiểm. Tham gia Hội thảo còn có ngài Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam và một số giáo sư - tiến sĩ của Cộng hoà liên bang Đức.

Hội thảo đã nghe 9 chuyên đề, gồm 6 báo cáo của các cơ quan, các chuyên gia trong nước và 3 báo cáo của chuyên gia nước ngoài cùng nhiều ý kiến bình luận, tranh luận sôi nổi tại Hội thảo. Dưới đây là một số thông tin chủ yếu từ các báo cáo và các ý kiến thảo luận như sau:

1. Về chính sách việc làm

Từ tư tưởng chủ đạo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2001-2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược việc làm trong thời gian tương ứng với mục tiêu “Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; đảm bảo việc làm cho phần lớn lao động có nhu cầu việc làm; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân” với các chỉ tiêu cụ thể là:

- Tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động, bình quân mỗi năm khoảng 1,5 triệu; đạt cơ cấu lao động nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tương ứng là 50%, 23%, 27%;

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 6% vào năm 2005 và dưới 5% vào năm 2010;

- Tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 80% vào năm 2005 và 85% vào năm 2010;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% vào năm 2005 (trong đó đào tạo nghề là 22%), và 40% vào năm 2010 (trong đó đào tạo nghề là 30%);

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 4-5%/năm.

Thực hiện chương trình mục tiêu trên đây, giai đoạn 2001-2005 đã tạo được việc làm cho 5,55 triệu lao động; năm 2006 là 1,22 triệu và năm 2007 là 1,25 triệu lao động. Việc làm được tạo ra chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hằng năm có từ 40 đến 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập, đến đầu năm 2007 đã có 234 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh). Hiện nay, cả nước có 150 khu công nghiệp, trong đó có 110 khu đã đi vào hoạt động. Các thành phần kinh tế tập thể và tư nhân phát triển mạnh. Hiện cả nước có trên 3 triệu hộ kinh doanh cá thể, 17.535 hợp tác xã kiểu mới, trên 2.000 làng nghề... Đây là những cơ sở góp phần rất quan trọng tạo ra công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cũng có vai trò quan trọng, thúc đẩy tạo việc làm; từ năm 2001 đến năm 2005, Quỹ đã cho vay gần 100 nghìn dự án lớn, nhỏ, góp phần tạo ra hàng triệu chỗ làm cho công nhân. Xuất khẩu lao động tạo việc làm cũng đem lại kết quả khá, đến nay lao động Việt Nam đã có mặt ở 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm nghề các loại, trên 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được đào tạo nghề. Giai đoạn 2001-2005 nước ta đã đưa được 295,1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, năm 2006 là 78,8 nghìn và năm 2007 là 85 nghìn, nâng tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lên 400 nghìn người...

Nhìn chung, các chính sách việc làm giai đoạn 2001-2005, đã góp phần tạo việc làm cho gần 11 triệu người; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp (năm 2001 cơ cấu lao động nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là 63%,14%, 23% thì năm 2007 tương ứng là 53%, 19%,và 28%); giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 6,28% năm 2001 xuống còn 4,91% năm 2007; tăng số lao động qua đào tạo từ 22% năm 2001 lên 35,4 % năm 2007...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều yếu kém bất cập:

- Tác động chủ động trong chuyển dịch cơ cấu lao động không rõ, hình thành một cách tự nhiên hơn là có sự điều tiết chủ động. Lao động khu vực nông nghiệp giảm, nhưng không hẳn là đã dịch chuyển sang khu vực công nghiệp - xây dựng hay dịch vụ mà cả triệu lao động là nông dân sau khi bị thu hồi đất, rất ít người tìm được việc làm mới. Số còn lại là thất nghiệp. Trước đây, lao động nông nghiệp chỉ thiếu việc làm - không có thất nghiệp toàn phần, thì nay số lao động thất nghiệp toàn phần có xu hướng tăng lên.

- Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là một tất yếu dẫn đến thường xuyên có lao động mất việc làm; hằng năm, lại có thêm 1,1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, khoảng nửa triệu học sinh, sinh viên, người học nghề tốt nghiệp ra trường... nhưng hệ thống chính sách chưa bảo đảm cho người lao động cần việc là có việc; chưa bảo đảm ổn định tương đối lực lượng lao động sản xuất kinh doanh trong những thời gian nhất định. Người sử dụng lao động khu vực ngoài quốc doanh, thường xuyên thay đổi lực lượng lao động bằng cách ký nhiều hợp đồng lao động ngắn hạn. Hơn nữa, từ phía người lao động, nhiều người bỏ việc, tự do di chuyển nơi làm việc mà luật pháp, chính sách không kiểm soát được.

- Việc làm ăn kém hiệu quả của không ít các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến nợ nần quá lớn; việc nhập siêu với mức độ quá cao (4 tháng đầu năm 2008 bằng cả năm 2007)... đã buộc Chính phủ phải cắt giảm nhiều công trình đầu tư càng làm cho số lao động thiếu việc làm, mất việc tăng lên.

- Tiền lương của người lao động danh nghĩa đã thấp, đã lạc hậu, giá cả lại tăng “chóng mặt” làm cho tiền lương thực tế giảm tới mức “hẫng hụt” cũng là nguyên nhân làm cho thị trường lao động biến động mạnh...

Hội thảo đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp:

- Trước hết phải hoàn thiện đồng bộ và kịp thời hệ thống pháp luật về thị trường lao động: Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cho phù hợp vói tình hình mới, khẩn trương xây dựng và ban hành Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu theo hướng tiếp cận với các quy định của quốc tế trong nền kinh tế thị trường; hướng dẫn ngay, đầy đủ, cụ thể các vấn đề còn lại của Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, phân cấp tăng cường trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về lao động; thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động.

- Phát triển mạnh những ngành nghề có lợi thế, bên cạnh những ngành nghề sử dụng lao động có kỹ thuật cao, cần tiếp tục phát triển những ngành nghề đầu tư ít vốn nhưng sử dụng nhiều lao động; gắn quy hoạch các khu công nghiệp với kế hoạch sử dụng lao động, đặc biệt là lao động địa phương nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp.

- Tiếp tục phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần giải quyết việc làm (ước tính mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vào hoạt động sẽ thu hút bình quân 50 lao động); phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là khuyến khích phát triển trang trại; khôi phục và phát triển các làng nghề, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

- Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu sử dụng. Hiện nay, cả nước có 250 trường đại học, cao đẳng và 2.052 cơ sở dạy nghề (trong đó, có 55 trường cao đẳng nghề, 242 trường trung cấp nghề và trường dạy nghề), hằng năm tuyển hơn 200 nghìn sinh viên cao đẳng, đại học, khoảng 120 nghìn học sinh trung học, chuyên nghiệp và tuyển sinh dạy nghề trên 1,4 triệu người. “Sản phẩm” đào tạo phải đáp ứng yêu cầu sử dụng cả trong nước và ngoài nước (xuất khẩu lao động). Mặt khác, phải chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân, các nhà quản lý có trình độ cao; ưu tiên đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên ở những nơi bị thu hồi đất nông, lâm nghiệp.

- Thực hiện các biện pháp thúc đẩy thị trường lao động phát triển trên phạm vi cả nước; tăng cường trợ giúp người lao động để họ có đầy đủ thông tin tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm; có hình thức giáo dục pháp luật phù hợp để người lao động có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình...

Các chuyên gia Cộng hoà liên bang Đức đã đưa ra 4 hướng nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động ở một số nước phát triển để tham khảo, đó là:

- Ngăn chặn giới chủ sa thải lao động bằng cách quy định hết sức chặt chẽ các điều kiện sa thải. Sa thải là phải đền bù rất tốn kém cho người bị sa thải, phải nộp lệ phí cho chính quyền địa phương, càng sa thải nhiều càng phải nộp nhiều.

- Giới chủ phải tổ chức dạy nghề (ngoài giờ) cho công nhân ngay cả khi họ đang làm việc bình thường (khi chưa thất nghiệp) để khi hết việc này thì có việc khác.

- Giảm thời giờ làm việc, chia việc cho nhiều người cùng làm. Có doanh nghiệp giảm từ 42 giờ xuống 38 giờ/tuần; có doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 25 giờ/tuần...

- Những doanh nghiệp công ích, những lĩnh vực kinh doanh không có lãi (nông nghiệp, khai khoáng...) được nhà nước hỗ trợ để duy trì việc làm...

2. Về bảo hiểm thất nghiệp

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006, theo Luật này, lần đầu tiên ở Việt Nam có chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trên thế giới cũng chỉ mới có khoảng 70 nước có chế độ này). Là vấn đề phức tạp nên Quốc hội để Chính phủ có thời gian chuẩn bị tương đối dài là 2 năm 6 tháng, ngày 01-01-2009 chế độ bảo hiểm thât nghiệp mới có hiệu lực thi hành. Hội thảo lần này là để xem cơ quan chức năng được Chính phủ giao chuẩn bị đã chuẩn bị như thế nào. Cho đến nay, Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành chế độ bảo hiểm thất nghiệp đã được soạn thảo xong gồm 12 vấn đề:

- Phạm vi và đối tượng áp dụng;

- Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

- Điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp;

- Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp;

- Các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Thủ tục và hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

- Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp;

- Thu bảo hiểm thất nghiệp;

- Sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp;

- Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp.

Trong Dự thảo Nghị định, nhiều vấn đề được quy định theo thông lệ quốc tế, nhưng cũng nhiều vấn đề được quy định theo điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Các ý kiến tại Hội thảo nhìn chung nhiều vấn đề có sự đồng thuận, nhưng cũng không ít các tình tiết, các vấn đề, cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ càng hơn mới bảo đảm tính khả thi.

Các giáo sư - tiến sĩ của Cộng hòa Liên bang Đức cũng đã giới thiệu một số điểm quan trọng trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp của nước bạn.

- Chế độ này chỉ áp dụng cho lao động làm công ăn lương khu vực sản xuất kinh doanh (công chức trong bộ máy nhà nước được tuyển dụng theo tiêu chuẩn và một cơ chế khác, họ không bao giờ thất nghiệp). Cơ quan lao động liên bang thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan này có các chi nhánh khắp cả nước.

- Nguồn quỹ chủ yếu do giới chủ và người lao động đóng góp; giới chủ đóng 2% tổng quỹ lương, người lao động đóng 2% tiền lương của mình. Nếu không thực hiện đầy đủ sẽ bị xử theo Điều 266a của Bộ luất hình sự. Tiền nhàn rỗi cuả quỹ được đầu tư sinh lời.

- Người thất nghiệp độc thân được hưởng trợ cấp bằng 60% tiền lương trước khi thất nghiệp; nếu có con thì được trợ cấp cao hơn, ví dụ có một con thì được trợ cấp 67%...

- Điều kiện được hưởng là đã đóng góp quỹ ít nhất 2 năm và thời gian làm việc đã được một năm. Người thất nghiệp phải không tự gây ra mất việc, không cố tình nghỉ việc.

- Thời gian được hưởng trợ cấp từ 6 tháng đến 18 tháng tùy theo thời gian đã làm việc và kết quả đóng góp vào quỹ của người lao động.

- Tất cả lao động thất nghiệp đều có quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm thất nghiệp giới thiệu việc làm, nếu được môi giới việc làm phù hợp mà không làm thì 12 tuần đầu không được nhận trợ cấp thất nghiệp...

Hội thảo kiến nghị cơ quan chức năng, chọn lọc các ý kiến tại Hội thảo, các ý kiến của các cơ quan và các nhà khoa học đã tham gia; tham khảo kinh nghiệm của các nước có bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực này, sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định để Chính phủ xem xét, ban hành đúng thời gian quy định, bảo đảm đúng ngày 01-01-2009 chế độ bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống./.

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh-TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất