Chủ Nhật, 8/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 28/8/2018 21:32'(GMT+7)

Nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp ở Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát thực tế mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tại thành phố Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát thực tế mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tại thành phố Thái Bình

Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, vì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua chính sách thu hút vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho tới thời điểm hiện tai, toàn tỉnh đã có 91 dự án với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức vừa qua, Thái Bình đã trao quyết định cho 33 dự án, có tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng.

Để có được những kết quả đầu tư và chiến lược phát triển nông nghiệp với tầm nhìn dài hạn như hiện nay, Tỉnh ủy Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ sớm trước đó nhiều năm như: chuẩn bị hạ tầng cơ sở, xây dựng chiến lược phát triển cho từng lĩnh vực… và một trong những nhiệm vụ lớn được đặc biệt quan tâm đó là công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp huyện có chuyên ngành sâu, khả năng tham mưu tốt, trở thành động lực quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Xác định trọng tâm công tác cán bộ

Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy Thái Bình luôn xác định, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cần phải có lực lượng chủ chốt chuyên trách thực thi các nhiệm vụ quản lý nông nghiệp, triển khai, cụ thể hóa các chính sách của cấp trên, tham mưu cho cấp ủy về các đề án nông nghiệp trong tầm nhìn mới, phối hợp giải quyết những nảy sinh, vướng mắc tại cơ sở, định hướng và giúp đỡ các địa phương triển khai thắng lợi các chủ trương của tỉnh và huyện. Với quan điểm ấy, đội ngũ cán bộ nông nghiệp cơ sở (tuyến huyện, xã) luôn được được đặt trong chương trình công tác của tỉnh ủy, và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trong 5 năm qua, Thái Bình coi trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực quản lý nông nghiệp, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết sâu về nghiệp vụ, có kiến thức khoa học và trình độ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hiện  nay, chất lượng cán bộ quản lý nông nghiệp cấp huyện của Thái Bình được nâng lên vượt bậc so với trước đây, số cán bộ có trình độ đại học, trên đại học chiếm khoảng 80%. Đồng thời với áp dụng chính sách thu hút nhân tài, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu tuyển dụng cán bộ quản lý nông nghiệp cấp huyện ở mức cao, số công chức tuyển dụng mới ở các phòng nông nghiệp huyện và ở các xã hầu hết được đào tạo bài bản và có tuổi đời rất trẻ.

Một trong những cách làm tích cực của Thái Bình đó là quản lý đầu vào bằng cách thống nhất áp dụng hình thức tuyển dụng công khai qua thi tuyển, tạo cạnh tranh, có sự sàng lọc nên mặt bằng trình độ đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp nâng cao. Đối với các cán bộ đang công tác, tỉnh ủy triển khai các chương trình luân chuyển cán bộ quản lý nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, từ cấp huyện về tỉnh hoặc xuống xã, nhằm mục đích tăng cơ hội cọ xát với thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn.

Công tác quy hoạch cán bộ quản lý nông nghiệp cấp huyện của Thái Bình hiện đã đi vào nề nếp, nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch bảo đảm 3 độ tuổi và bảo đảm đủ các yếu tố “tĩnh” và “động”. Trình độ lý luận chính trị của cán bộ đưa vào nguồn quy hoạch tương đối cao, hầu hết đều có trình độ chuyên môn chính quy, đã tốt nghiệp lý luận chính trị trung cấp trở lên, độ tuổi theo quy định từ 1-3 nhiệm kỳ liên tục. Về năng lực chuyên môn, hiện nay 100% trưởng, phó phòng ban chuyên môn thuộc cấp huyện đều có trình độ đại học trở lên. Nhiều cán bộ có khả năng nghiên cứu khoa học, đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới của địa phương.

Chủ tịch UBND và Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn ở huyện Đông Hưng tham quan mô hình trình diễn giống lúa

Chủ tịch UBND và Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn ở huyện Đông Hưng tham quan mô hình trình diễn giống lúa


Không ngừng đổi mới và tìm các giải pháp tăng cường chất lượng cán bộ quản lý nông nghiệp ở cơ sở

Với đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp cấp huyện như hiện nay (tổng số biên chế có 92 người), có thể nói rằng, Thái Bình đã sẵn sàng cho những bước đi lớn trên mặt trân nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, Tỉnh ủy xác định: Vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý nông nghiệp tuyến cơ sở huyện và xã. Đó là: khả năng thích ứng với tác phong quản lý nông nghiệp trong bối cảnh thị trường hóa toàn diện các quy trình từ sản xuất đầu vào đến chế biến và thương mại hóa sản phẩm của cán bộ còn chưa tốt, nhiều đồng chí vẫn quen với cung cách điều hành theo kế hoạch mùa vụ, thiếu nhạy bén về đầu tư và thị trường; khả năng dự báo và xây dựng đề án tham mưu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo đúng tiềm năng, thế mạnh ở chính địa phương do mình quản lý và theo dõi.

Trước những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ, quản lý nông nghiệp cấp huyện, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thái Bình lần thứ XIX đã nêu rõ: Trong giai đoạn 2016-2020, Thái Bình đặt mục tiêu: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng, nâng cao chất lượng với cơ cấu trình độ, ngành nghề hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quá trình CNH, HĐH, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế...

Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết Đại hội cũng yêu cầu cấp ủy các cấp tập trung thực hiện tốt các giải pháp về công tác cán bộ đó là:

Thứ nhất, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, 95% cán bộ, công chức cấp xã, 100% viên chức đạt chuẩn về trình độ theo quy định.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường tạo nguồn cán bộ quản lý nông nghiệp cho công tác quy hoạch bằng việc phát hiện sớm và đào tạo có định hướng những cán bộ có triển vọng, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ gia đình có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số... bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng, liên tục giữa các thế hệ. Hoàn thiện tốt cơ chế “động” và “mở”, cán bộ chuyên trách cấp huyện, giữ các chức danh chủ chốt, cần nghiêm túc thực hiện công tác bầu cử công khai để chọn những người xứng đáng; bổ nhiệm, luân chuyển đúng chuyên môn.

Thứ hai, tăng cường rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề quản lý nông nghiệp cơ sở, kinh tế vĩ mô cho cán bộ quản lý nông nghiệp cấp huyện, nhất là các vấn đề về kinh tế quốc tế, kinh tế thị trường, các kỹ năng gắn với thực hành, triển khai các lĩnh vực nông nghiệp tại cơ sở.

Tỉnh ủy Thái Bình đã có các phương án đầu tư về đào tạo cán bộ với các trường đại học lớn trong và ngoài nước về nông nghiệp và quản lý nông nghiệp, triển khai kết hợp giữa đầu tư nông nghiệp với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp, thị trường nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp trong toàn tỉnh.

Các dự án, đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nông nghiệp đều xác định mục đích hướng tới đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại hóa toàn diện, đi đầu cả nước về sản xuất hang hóa nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tuc thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường thông tin tuyên truyền về đào tạo, sử dụng nhân lực trên địa bàn tỉnh để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các nhà khoa học.

Để góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống quản lý ngành nông nghiệp, Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan tham mưu xây dựng đề án khung vị trí việc làm, xác định cụ thể nhu cầu về số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo đối với ngành nông nghiệp, các quy định của Đảng về công tác cán bộ để làm căn cứ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn lực.

Tiếp tục thực hiện chính sách tuyển dụng qua thi tuyển cạnh tranh, bảo đảm công khai, minh bạch tuyển đúng người, tìm đúng nhân tài cho ngành nông nghiệp. Đối với cán bộ và công chức, viên chức, tiếp tục tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, thi tuyển công chức, viên chức nghiêm túc, khách quan.

Tăng cường các chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, thu hút người có tài, ngoài chế độ chung của Nhà nước, có chế độ riêng, mang tính đột phá, thiết thực về kinh tế, môi trường làm việc.

Cán bộ Viện BVTV tham gia khảo sát tình hình gây hại của bệnh lùn sọc đen phương Nam trên lúa mùa 2018 tại Tiền Hải – Thái Bình

Cán bộ Viện BVTV tham gia khảo sát tình hình gây hại của bệnh lùn sọc đen phương Nam trên lúa mùa 2018 tại Tiền Hải – Thái Bình


Tự tin hướng tới tương lai

Thái Bình đang triển khai những chiến lược lớn về kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh những quyết sách mạnh mẽ, Thái Bình rất cần có một đội ngũ quản lý nông nghiệp tuyến cơ sở mạnh, có đủ tâm, đủ tầm để thực hiện thắng lợi các quyết sách lớn này. Với những gì hiện đã làm được trong chiến lược cán bộ thời gian qua, Thái Bình đã có đủ tự tin để triển khai các đề án với tầm nhìn ổn định 30 năm.

Một tương lai mới đang đến với vùng đất được mệnh danh là trù phú nhất vùng đồng bằng Sông Hồng. Nhưng chìa khóa là ở chính con người đang nắm giữ, đó là những cán bộ nông nghiệp tài năng, sáng tạo, nhạy bén và tràn đầy nhiệt huyết.

 

Nguyễn Mạnh Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất