Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 26/6/2012 22:42'(GMT+7)

Nội các mới của Xyri tuyên thệ nhậm chức - Đụng độ ác liệt ở các vùng ngoại ô Đamát

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu tại Quốc hội ở Damascus ngày 3/6/2012. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu tại Quốc hội ở Damascus ngày 3/6/2012. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tân Thủ tướng Riát Pharít Higiáp (Riyad Farid Hijab) đã công bố thành lập ba bộ mới, gồm Bộ Các vấn đề hòa giải dân tộc, Bộ Nội thương và Bộ Nguồn nước. Đặc biệt, trong nội các mới, có sự hiện diện của hai nhân vật đối lập: Bộ trưởng Các vấn đề hòa giải dân tộc Ali Haiđa (Ali Haidar), thành viên của Đảng Ý chí Nhân dân; và Bộ trưởng Nội thương Cađri Giamin (Qadri Jamil), Chủ tịch Đảng Ý chí Nhân dân. Theo giới quan sát, sự hiện diện của các nhân vật đối lập trong chính quyền mới được coi là một động thái đúng đắn.

Trước đó ngày 23/6, Tổng thống An Átxát đã quyết định tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn, thay đổi lãnh đạo 20 bộ, chỉ giữ tại nhiệm ba bộ trưởng quan trọng là bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Nội vụ. Đợt cải tổ nội các này diễn ra sau khi Xyri ban hành Hiến pháp mới và tiến hành bầu cử quốc hội khóa mới.

Trong khi đó, chiến sự ác liệt đã nổ ra xung quanh các chốt canh của lực lượng Vệ binh Cộng hòa ở các vùng ngoại ô thủ đô Đamát trong ngày 26/6, làm 6 người thiệt mạng. Khu vực an ninh này có nhiệm vụ bảo vệ Phủ Tổng thống nằm trên đỉnh Caixun (Qaisoun) nhìn xuống Đamát.

Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri, các cuộc đụng độ xảy ra tại Cuxaya (Qudsaya) và An Hama (Al-Hama), cách trung tâm Đamát 8km. Theo người đứng đầu tổ chức này, Ápđen Raman (Abdel Rahman), trong những tuần qua các cuộc giao tranh xảy ra ngày càng nhiều ở trong và xung quanh thủ đô, nơi có các tòa nhà chính phủ và các chốt an ninh được bảo vệ cẩn mật, song cuộc đụng độ nói trên là ác liệt nhất và lần đầu tiên chính quyền sử dụng đạn pháo trong cuộc giao tranh ở ngay gần trung tâm thủ đô.

Cũng trong ngày 26/6, ít nhất 31 người đã thiệt mạng vì bạo lực tại nhiều nơi khác trên cả nước Xyri, trong đó có thành phố Đêia Edo (Deir Ezzor, miền Tây), tỉnh Ilíp (Idlib, miền Tây Bắc), tỉnh Hama (Hama, miền Trung), và tỉnh Đara (Daraa, miền Nam). Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri, tổng cộng hơn 15.000 người đã thiệt mạng vì bạo lực kể từ khi bắt đầu làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Xyri hồi tháng 3/2011./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất