Những đoàn khách tham quan ra vào tấp nập là ấn tượng đầu tiên khi đến lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5-22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nà Nưa là một căn lán nhỏ nằm ở sườn núi Nà Lừa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, dưới các tán cây rậm rạp, đảm bảo bí mật, đáp ứng yêu cầu của Bác đề ra là “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái." Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách.
Chị Nông Thị Khánh Ly (hướng dẫn viên du lịch Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào) cho biết khi làm việc ở lán Nà Nưa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ, những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Vì điều kiện sống và làm việc khó khăn, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, Bác Hồ bị bệnh nặng. Mọi người vô cùng lo lắng và tìm mọi cách để chữa bệnh cho Bác, nhưng bệnh tình của Bác vẫn không giảm. Rất may sau đó, nhờ sự mách bảo của người dân địa phương, có một cụ lang già xin được đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi xem mạch, cụ lang vào rừng và đem về một loại củ gì đó, đốt cháy, hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Sau một vài lần như vậy, Bác đã đỡ.
Trong lúc bị bệnh, mặc dù rất mệt nhưng Bác vẫn không phút nào quên sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp "lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập."
Là một trong những du khách về thăm lán Nà Nưa, chị Nguyễn Thị Thu Hường (ở thị trấn Đông Triều, huyện Đông Triều, tỉnh Quang Ninh) chia sẻ đây là lần thứ hai chị được về thăm lán Nà Nưa, nhưng chị vẫn thấy xúc động như lần đầu tiên đến đây. Được thăm nơi Bác đã từng sống và làm việc, được nghe những câu chuyện về Bác, chị Hường hiểu thêm sự hy sinh của Bác cũng như công lao to lớn của Người trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Bà Nông Thị Mơ (dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào) là người từng vinh dự được Bác Hồ tặng quà trong ngày cưới. Năm nay đã bước sang tuổi 91, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, bà Mơ lại có cảm xúc bồi hồi khó tả. Bà Mơ xúc động kể, những ngày tham gia Việt Minh ở căn cứ địa cách mạng Tân Trào, hình ảnh "ông Ké cách mạng" vẫn in sâu trong tâm trí bà và những người dân nơi đây. Bác Hồ luôn quan tâm, thăm hỏi mọi người trong làng. Người còn cùng bà con lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, động viên phụ nữ hăng hái tăng gia sản xuất. Bữa cơm hàng ngày của Bác Hồ và các chiến sỹ đạm bạc nhưng luôn vui vẻ, lạc quan. Có lần thấy bà Mơ và các chị giã gạo, nấu cơm, Bác Hồ ân cần bảo "các cô nấu cơm cho bộ đội cũng là đánh giặc đó."
Tân Trào là cái nôi của cách mạng, nơi đã vinh dự được Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm Thủ đô lâm thời khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Với nhiều điểm di tích lịch sử, trong đó có nhiều điểm di tích gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng của Đảng, Bác Hồ như lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào... Tân Trào đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của du khách khắp nơi trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, cho biết để làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích, hàng năm, Ban quản lý tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang xây dựng kế hoạch bảo vệ các khu di tích; sưu tầm các tư liệu, hiện vật, tài liệu lịch sử để bổ sung vào hồ sơ các điểm di tích; thường xuyên kiểm tra các điểm di tích, phát hiện kịp thời những điểm hư hỏng, xuống cấp và có những biện pháp tu sửa. Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cũng nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên để truyền tải thông tin đến du khách hiệu quả nhất...
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Tân Trào luôn nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào Trần Đức Hạnh cho biết hiện nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Đời sống kinh tế của người dân Tân Trào có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%, đến nay giảm còn 3%...
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong thời gian tới, xã Tân Trào tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lãnh đạo xã tập trung tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất-kinh doanh-dịch vụ.
Xã tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu giữ vững chuẩn nông thôn mới qua các năm làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn năm năm về nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất vinh dự được chọn là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến./.
Theo VN+