Thứ Ba, 3/12/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 1/7/2020 8:31'(GMT+7)

Nơi có đội chiếu phim lưu động đầu tiên cả nước

Nhân dân các dân tộc cùng lãnh đạo địa phương xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xem chiếu phim và tuyên truyền nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6/2019. (Ảnh: Sở VH, TT & DL tỉnh Phú Thọ).

Nhân dân các dân tộc cùng lãnh đạo địa phương xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xem chiếu phim và tuyên truyền nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6/2019. (Ảnh: Sở VH, TT & DL tỉnh Phú Thọ).

MANG VĂN HÓA CỦA ĐẢNG TỚI ĐỒNG BÀO

Thời điểm chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc vào giai đoạn ác liệt nhất, các đội chiếu bóng lưu động với phương châm “Tiếng loa hòa tiếng súng” đã thực sự là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không chỉ bám sát địa bàn dân cư mà còn bám sát trận địa phục vụ bộ đội, tuyên truyền về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đấu tranh bất khuất, khơi dậy tinh thần yêu nước, kháng chiến thống nhất hai miền Nam - Bắc, góp phần đáng kể vào việc động viên quân và dân Phú Thọ quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, các đội chiếu phim lưu động của tỉnh Phú Thọ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho. Trong giai đoạn hiện nay, phim ảnh tràn ngập trên Internet và mạng xã hội nhưng với nhiệm vụ của mình, từng thước phim vẫn theo chân những cán bộ chiếu phim lưu động đi đến từng thôn xóm, bản làng, mang ánh sáng văn hóa của Đảng, Nhà nước, sưởi ấm niềm tin cho đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giữ vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; góp phần đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

Là cơ quan tham mưu cho cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của công tác tư tưởng - văn hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường việc đưa các loại hình văn hóa về cơ sở.

Thông qua hoạt động chiếu phim phục vụ miền núi, đã tổ chức lồng ghép, phổ biến hàng ngàn lượt tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sức khỏe sinh sản, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới... Có thể nói, hoạt động chiếu phim lưu động là một trong những công cụ tuyên truyền có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, giảm chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc, từng bước lấp đầy “vùng lõm” ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

TÂM HUYẾT VÌ KHÁN GIẢ

Để có được những thước phim hay, chất lượng phổ biến tới công chúng, ngoài việc tích cực khai thác các nguồn phim của các cơ sở, các hãng sản xuất, phát hành phim trong nước, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đổi mới cả về nội dung cũng như hình thức phục vụ, thường xuyên đầu tư trang thiết bị hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Hiện nay, sáu đội chiếu phim lưu động của tỉnh đã sử dụng máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại. Mặc dù, thiết bị vẫn còn cồng kềnh, lại phải vận chuyển tới tận thôn cùng, xóm vắng, vượt qua đèo cao, núi sâu, nhưng chất lượng phim phổ biến tới công chúng được đảm bảo, nhân dân hưởng ứng đón nhận nhiệt tình là nguồn động viên, cổ vũ đối với những người làm công tác chiếu phim lưu động, giúp họ say mê hơn, gắn bó tâm huyết hơn với nghề, vượt qua mọi khó khăn, tận tụy phục vụ nhân dân. Các bộ phim được lựa chọn trình chiếu là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí để thu hút được khán giả đến với đội chiếu phim lưu động là hết sức quan trọng. Do đó, ngoài việc chiếu phim, các cán bộ chiếu phim còn tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của khán giả, lựa chọn phim cho phù hợp.

Hằng năm, Phú Thọ tổ chức phổ biến hàng trăm bộ phim nhựa 35mm, phim kỹ thuật số đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại phục vụ nhân dân, trong đó phim Việt Nam chiếm 100% tỷ lệ phim phổ biến, tuyên truyền.

Để mọi người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dần nhận thức được hiệu quả của hoạt động chiếu phim phục vụ miền núi, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim thường xuyên động viên anh em cán bộ trong các đội chiếu phim lưu động phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc, chủ động liên hệ, tiếp cận trực tiếp, động viên, định hướng cho cơ sở, người xem; tích cực vận động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… ở cơ sở; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện nơi tổ chức các buổi chiếu phim. Trước mỗi buổi chiếu, các đội chiếu phim lưu động chuẩn bị đầy đủ tài liệu tuyên truyền, phim ảnh, kết hợp với đài truyền thanh địa phương thông báo để nhân dân biết được thời gian, địa điểm chiếu và bố trí đến xem phim đúng giờ. Để các buổi chiếu phim được thuận lợi, công tác chuẩn bị sân bãi cũng được chú trọng vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp ghế ngồi, ánh sáng phù hợp, tạo tâm lý thoải mái, thuận tiện cho người xem.

Hằng năm, các đội chiếu phim lưu động đã tham gia và thực hiện tốt các đợt phim, tuần phim nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh như: Mừng Đảng, mừng Xuân, Ngày thành lập Đảng, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội... thu hút đông đảo người dân đến xem. Đặc biệt, các bộ phim ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, về tình yêu quê hương, đất nước… đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, những năm gần đây, Đội chiếu phim lưu động phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động, các hạt nhân văn nghệ ở địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu văn nghệ và chiếu phim, tổ chức các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa... đạt chất lượng và hiệu quả cao. Qua đó, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, vừa phát huy được khả năng sáng tạo, biểu diễn trên sân khấu của nhân dân. Thực tế cho thấy, hiện nay đời sống của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã có ti vi, điện thoại, kết nối Internet... nhưng những buổi chiếu phim kết hợp giao lưu văn nghệ của Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tại nhiều thôn, làng, bản vẫn luôn chật kín khán giả. Người lớn, trẻ em đều háo hức chờ đón những buổi chiếu phim đầy ý nghĩa và mang đậm tính cộng đồng này.

ĐI LÊN TỪ TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG

Với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân, hoạt động chiếu phim đã và đang khẳng định đây vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân, tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Bình quân mỗi năm, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim được giao 1.600 buổi chiếu, nhưng Trung tâm luôn nỗ lực cố gắng để tăng các buổi chiếu nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân. Riêng năm 2019, Trung tâm đã tổ chức chiếu được 1.629 buổi trên địa bàn 209 xã miền núi, phục vụ hàng trăm nghìn lượt người xem.

Gần 70 năm phát triển sự nghiệp điện ảnh phục vụ nhân dân, hoạt động chiếu phim ở Phú Thọ đã trải qua bao thăng trầm, cùng với những thuận lợi và cả những khó khăn, gian nan, vất vả. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến phim chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời; nguồn kinh phí hạn hẹp; thu nhập của cán bộ chiếu phim lưu động còn thấp, nên cuộc sống vẫn còn bấp bênh, không ổn định. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến phim với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương còn phần nào hạn chế. Đó là những khó khăn cơ bản đòi hỏi phải có sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, các địa phương để hoạt động chiếu phim phục vụ miền núi ở Phú Thọ thực sự có những khởi sắc, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân.

Với chủ trương phát huy nội lực, khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tuyên truyền và phổ biến phim, đảm bảo có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng phục vụ công chúng, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Điện ảnh và Nghị định số 96/2007/NĐ-CP, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của ngành. Tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh trong việc đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chiếu phim lưu động, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiếu phim, tuyên truyền, thuyết minh phim; chăm lo đời sống cho đội ngũ làm công tác chiếu phim lưu động; tăng cường khai thác các nguồn phim chất lượng, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ nhận thức và thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ phim ảnh của nhân dân các vùng miền trong tỉnh…

Phú Thọ có vinh dự là chiếc nôi của nền văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Trong lịch sử ngành Điện ảnh Việt Nam, Phú Thọ đã ghi hai dấu mốc quan trọng, góp phần làm vẻ vang trang sử vàng của Điện ảnh dân tộc. Đó là đội chiếu bóng số 20 với danh hiệu “Tập thể lao động xã hội chủ nghĩa” và đội chiếu bóng đặc biệt được mang tên “Đội thanh niên xung kích” đã liên tục 32 ngày đêm chiếu phim phục vụ hàng vạn lượt người xem tại phòng tuyến biên giới phía Bắc. Truyền thống đó là sức mạnh nâng bước cho các đội chiếu phim lưu động của Phú Thọ ngày nay tiếp tục vượt qua khó khăn để mang ánh sáng văn hóa của Đảng đến với khán giả và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bùi Đình Thi
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ
Phản hồi

Các tin khác

Kiến tạo thể loại để phục dựng lịch sử trong biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2020) và 45 năm chiến thắng lịch sử (30/4/1975), đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tái bản lần thứ 5 có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Những tình tiết, sự việc mới rất có giá trị vừa được giải mật bổ sung nhằm hoàn thiện thêm những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuốn sách và thêm 10 tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật của phía chính quyền Sài Gòn trong thời khắc sụp đổ cuối cùng của chiến tranh lần đầu được công bố trong phần Phụ lục cuối sách, theo như Lời Nhà xuất bản và bộc bạch của tác giả, đã khiến tôi một lần nữa tìm đọc cuốn sách mới tái bản này. Quả thật, hai nội dung chính bổ sung trong lần tái bản này đã nâng tầm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 xét về cả độ tin cậy và phong phú của các tài liệu, văn bản được viện dẫn khiến tác phẩm xứng đáng là một biên niên sử sống động, có giá trị cả về lịch sử - báo chí - văn chương và hấp dẫn người đọc về những giờ phút sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất