Nơi chứa những vật báu của trời, có nhiều danh lam thắng cảnh
Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với đồng bằng sông Mã qua vùng núi Tam Điệp, có tuyến đường huyết mạch quốc gia chạy qua. Với địa thế đủ cả rừng, biển, trung du, miền núi và đồng bằng, Ninh Bình sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực từ bắc vào nam, từ miền núi đến đồng bằng và vùng ven biển, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được người dân Ninh Bình trao truyền, gìn giữ từ hàng ngàn năm nay.
Kỳ thú Thung Nham Ninh Bình
Các di tích danh lam thắng cảnh kỳ thú ở Ninh Bình đã được ghi dấu trong các áng thiên cổ hùng văn của dân tộc, và được du khách trong nước, quốc tế đặc biệt yêu thích như: Tam Cốc - Bích Động, động Địch Lộng, động Vân Trình, khu du lịch sinh thái Vân Long, Tràng An, suối nước nóng Kênh Gà, động Thiên Hà, rừng quốc gia Cúc Phương, hồ Yên Thắng… Những danh lam thắng cảnh đã và đang được Ninh Bình bảo vệ, khai thác để phát triển du lịch, phục vụ nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như Thung Lang (Tam Điệp), hang Đăng Đắng (Cúc Phương), di chỉ Mán Bạc (Yên Mô)…. đã cho thấy Ninh Bình là vùng đất cổ có con người cư trú từ rất sớm. Qua nghiên cứu các hiện vật và dấu ấn địa chất, địa mạo ở các di tích khảo cổ học, các nhà khoa học bước đầu đã khẳng định Ninh Bình có sự phát triển khá đa dạng, phong phú, vừa có vùng đất cổ, vừa có vùng đất mới, vừa có vùng núi, vừa có đồng bằng và vùng biển bồi tụ, giữa các vùng có sự sáng tạo, kế thừa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tạo nên sự phong phú cho văn hóa Ninh Bình.
Ninh Bình có tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo gồm nhiều lễ hội truyền thống, gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Vườn Quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư, danh thắng Tam Cốc- Bích Động… và đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới.
Với tiềm năng, thế mạnh đó, ngày 18/11/2018, Công ty TNHH Vietrantour có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành đã chính thức mở đại lý ủy quyền Vietrantour Ninh Bình.
Vietrantour Ninh Bình cam kết sẽ trở thành địa chỉ tin cậy góp phần đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng của du khách thập phương thông qua dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng; đồng thời, tăng cường hình ảnh Ninh Bình ra thế giới, đóng góp sự phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.
|
Các di sản văn hóa phi vật thể ở Ninh Bình rất phong phú với trên 300 di sản thuộc đầy đủ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ thuật trình diễn dân gian (còn gọi là nghệ thuật diễn xướng), có 91 loại hình bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác. Ninh Bình được biết đến là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, bà tổ của nghệ thuật chèo là Ưu bà Phạm Thị Trân (thời Đinh). Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đã trở nên thân thuộc với người dân Ninh Bình, không chỉ được lưu giữ tại Nhà hát Chèo Ninh Bình mà tại các câu lạc bộ chèo của các huyện, thành phố, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các xã thuộc huyện Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn. Riêng huyện Yên Mô còn lưu giữ loại hình hát Xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt của Việt Nam, bên cạnh đó, nghệ thuật hát chầu văn, nghệ thuật diễn xướng dân gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… cũng được tỉnh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, lưu giữ, truyền dạy, phổ biến.
Di sản tri thức dân gian ở Ninh Bình có 24 loại hình bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
Di sản làng nghề truyền thống ở Ninh Bình cũng rất phong phú. Đó là các nghề đã có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh như nghề thêu ren Văn Lâm, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề cói Kiến Thái, nghề mộc Phúc Lộc, nghề nấu rượu Lai Thành… Không chỉ lưu giữ nghề truyền thống, mỗi làng nghề còn lưu giữ một kho tàng phong phú các bí quyết nghề, tri thức về thiên nhiên, đời sống, lao động sản xuất, và ẩm thực truyền thống của dân tộc…
Di sản lễ hội truyền thống ở Ninh Bình cũng rất đa dạng, theo số liệu kiểm kê sơ bộ năm 2012 cho thấy Ninh Bình có khoảng 260 lễ hội diễn ra ở tất cả các mùa trong năm, ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Lễ hội Hoa Lư được ghi nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, được tổ chức hàng năm thu hút hàng triệu lượt người dân và du khách đến tham dự, các lễ hội khác cũng có sức ảnh hưởng rộng khắp trong tỉnh, trong nước và quốc tế như: L hội đền Thái Vi, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo bản Nộn Khê, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn…
Có gần 50 di sản tập quán xã hội ở Ninh Bình được ghi nhận, chủ yếu là các phong tục tập quán của người Kinh và người Mường như: tục thờ cúng tổ tiên, tục lệ tang ma, đám cưới, phong tục lễ tết… Ninh Bình là vùng đất có 2 tộc người sinh sống gồm người Kinh (Việt) và người Mường, do vậy, di sản ngôn ngữ ở Ninh Bình có 02 ngôn ngữ gồm tiếng Kinh và tiếng Mường. Đặc biệt, người Mường Kỳ Lão (xã Kỳ Phú) còn duy trì tiếng “Mường cổ” với nhiều âm tiết, ngữ điệu, giọng nói khác so với tiếng “Mường chung” ở các nơi khác trên địa bàn tỉnh và trong nước.
|
Bích Động
Ninh Bình có một kho tàng văn học dân gian đặc sắc, bởi là vùng đất cuối sông đầu núi, nơi gắn với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là khối lượng truyền thuyết về các nhân vật lịch sử gắn liền với vùng đất này như vua Đinh, vua Lê, vua Lý, vua Trần (truyền thuyết Mả táng hàm rồng, truyền thuyết Kiện ma Liễu Thăng….); truyền thuyết về đề tài phép thuật (Sự tích Núi Sậu, Khách để của, Hang giấu vàng…), truyền thuyết địa danh (Hai anh em họ Quách, Bắn phải voi quý của nhà vua….). Các loại hình tục ngữ về đề tài lịch sử, những câu phương ngôn về vùng đất, về con người và sản vật quê hương cũng làm nên nét riêng của văn học dân gian Ninh Bình.
Vùng đất Hoa Lư - Kinh đô nước Đại Việt thế kỷ X
Ninh Bình với vai trò là Kinh đô của nước Việt (kinh đô Hoa Lư) ở cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, thống nhất giang sơn gắn liền với anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, chiến tích kháng Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn là nơi giao thoa không gian văn hóa (sông Hồng, sông Mã), giao thoa không gian xã hội Việt-Mường, nơi giao thoa không gian địa mạo núi đồi và vùng đồng bằng trước núi, thời điểm hình thành kinh đô là bản lề cánh cửa khép lại một ngàn năm thuộc Bắc, mở ra thời kỳ độc lập phát triển kinh tế, xã hội-văn hóa.
Long sàng đền Đinh
Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, qua các triều đại nhà Đinh (968-979), triều đại nhà Lê (980-1009) và đầu nhà Lý, hình thành trên cơ sở chấm dứt tình trạng cát cứ, tạo ra một quốc gia độc lập, thống nhất về mặt chính trị. Đó là tiền đề cho sự phục hưng, mở ra nền văn hiến Đại Việt liên tục phát triển tiếp theo đến các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn...; có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Di sản văn hóa còn lại ngoài những dấu ấn vật chất, dấu tích tường thành, cung điện còn là những kinh nghiệm tổ chức hành chính của chính quyền trung ương tập quyền, kinh nghiệm ngoại giao của dân tộc, những dòng thơ ca…
Trong Khu di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau.
Trong số các di tích trên nổi bật là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ X.
Sang thời Trần có hành cung Vũ Lâm gắn với chiến thắng quân Nguyên, rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, địa bàn phân tranh thời kỳ Nam-Bắc triều, nơi hội tụ những tướng tài, địa thế vua Quang Trung xây dựng phòng tuyến Tam Điệp làm bàn đạp xua đuổi 29 vạn quân Thanh.
Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, di vật, di văn bia đá vẫn đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Những tên làng đậm chất Mường-Việt (Me, Mí, Mèn, Mát, ác, Láo…), trong không gian này còn đang bảo tồn lối hát đối Rằng thường bên cạnh các làng vùng đồng bằng có hát chèo, hát xẩm, hát ả đào…Cùng với đó là sự hội tụ và lan tỏa của các dòng họ trong quá trình đi mở đất lập làng, di dân, di thần để lại biết bao những dấu ấn vật chất, phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực…Và đây cũng là không gian để Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo sớm thâm nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu), thờ Cha (Trần Hưng Đạo) phát triển mạnh mẽ...
Ông Phạm Sinh Khánh - Phó ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng an đã nhấn mạnh việc thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh quần thể di sản danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới:
Thời gian qua, thực hiện bảo tồn gắn với phát huy giá trị nổi bật toàn cầu, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhằm gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau, ngành Du lịch của tỉnh nói chung, Ban Quản lý nói riêng đã chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm 2018, ngành Du lịch đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật của Di sản và các sự kiện quan trọng trong Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá về tầm quan trọng của Di sản thế giới.
Ngành Du lịch tỉnh cũng đã tham dự các hội nghị, hội thảo về bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch trong và ngoài nước. Đón tiếp, hướng dẫn cho các đoàn khách ngoại giao, công ty lữ hành, các nhà báo, phóng viên, các đoàn làm phim trong nước và quốc tế về tham quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch.
UBND các thành phố, các huyện trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo triển khai tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng, được thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi giao ban, họp thôn, tổ dân phố, thông qua các chi hội, đoàn thể…, lồng ghép với tuyên truyền trực quan: Kẻ vẽ, chăng treo băng zôn, pa nô, khẩu hiệu, bảng cổng chào điện tử, màn hình led...tại các khu vực trung tâm, khu tập trung đông dân cư và trên các phương tiện thông tin đại chúng...
|
Với một tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như vậy, di sản Ninh Bình đang được quan tâm, bảo tồn tốt thông qua việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Đó sẽ là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trên đường hội nhập và phát triển đất nước.
NAM ANH