Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 9/7/2013 19:18'(GMT+7)

Nơi gặp gỡ của tình hữu nghị

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 cặp tỉnh biên giới phía Tây và Tây Bắc, đây là đường biên giới trên bộ dài nhất của Việt Nam với một nước láng giềng. Với đường biên giới chung dọc theo hai nước như vậy, vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước hết sức quan tâm, coi trọng. Hai nước Việt Nam  - Lào có lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, tình đoàn kết gắn bó keo sơn. Nhân dân hai nước sống trong mối quan hệ chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ lẫn nhau trong suốt lịch sử của hai dân tộc. Trong thời kỳ cách mạng giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, kể cả thời kỳ khó khăn nhất, hai nước luôn kề vai, sát cánh bên nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Trong những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng này của hai dân tộc, những địa danh trên đường biên giới hai nước đã trở nên bất hủ gắn liền với những chiến công hiển hách của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam và Pa-thét Lào.

Ngay sau khi Việt Nam thống nhất và Cách mạng Lào giành thắng lợi trong cả nước, mặc dù kinh tế còn khó khăn cùng với công việc bề bộn của hai nước nhằm xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhưng công tác biên giới lãnh thổ đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm. Ngày 18-7-1977, hai nước đã ký “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào”, tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước.

Bắt đầu từ năm 1978, sau 9 năm nỗ lực phấn đấu, vượt qua bao khó khăn gian khổ, năm 1987, hai nước Việt Nam - Lào đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa; đã xây dựng được 214 cột mốc trên 199 vị trí mốc. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định và Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới đã được ký ngày 24-01-1986; Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới được ký ngày 16-10-1987. Với kết quả này, đường biên giới Việt Nam - Lào đã được hoạch định, phân giới, cắm mốc, được thể hiện rõ ràng trên bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 xuất bản năm 2003 bằng công nghệ kỹ thuật số, chính xác, hiện đại.

Tuy nhiên, đường biên giới hai nước cùng với hệ thống mốc quốc giới được xây dựng trong giai đoạn hai nước còn có nhiều khó khăn về kinh tế nên bộc lộ nhiều điểm cần phải hoàn chỉnh và bổ sung, như: khoảng cách giữa các mốc giới nhiều đoạn còn quá dài, có chỗ khoảng cách giữa hai mốc quốc giới lên tới gần 40km; chất lượng các cột mốc cũng chưa bảo đảm tính bền vững; thiên nhiên khắc nghiệt như bão lũ…, qua thời gian cũng làm ảnh hưởng nhiều tới địa hình đường biên giới hai nước. Những yếu tố đó đòi hỏi hai nước phải sớm bắt tay tôn tạo và củng cố hệ thống mốc quốc giới.

Từ năm 2008, khi điều kiện kinh tế đã chín muồi, Chính phủ hai nước đã nhất trí phê duyệt và triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào nhằm xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Trọng tâm của Dự án là tăng dày số lượng mốc, tôn tạo, xây mới mốc hiện có để làm rõ đường biên giới trên thực địa, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt - Lào.

Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hết sức khó khăn, hiểm trở, hầu hết là núi cao, vực sâu, chưa có đường qua lại, thời tiết lại rất khắc nghiệt. Tại nhiều nơi, để xây dựng một cột mốc giới, phải mở tới hàng chục ki-lô-mét đường công vụ cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và thân mốc giới. Có nhiều mốc, để khảo sát, xác định vị trí mốc, lực lượng cắm mốc của hai nước phải hành quân bộ cả chục ngày, vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng núi mới tiếp cận được khu vực mốc. Điển hình nhất là các mốc ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, Tây Nghệ An, Quảng Nam… Để hoàn thành công tác xây dựng mốc, các lực lượng cắm mốc còn phải tiếp cận từng vị trí mốc để xây dựng, nghiệm thu, bàn giao. Hầu hết địa bàn triển khai công tác cắm mốc là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nên việc triển khai phương tiện, trang bị kỹ thuật và huy động nhân lực gặp rất nhiều khó khăn. Để đưa các cột mốc nguyên vẹn trong địa hình phức tạp, hiểm trở là một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, với nỗ lực phấn đấu của Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới hai nước, của các bộ, các ngành và địa phương hai bên, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác cắm mốc trên thực địa, hai nước Việt Nam - Lào đã chính thức hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa với tổng số 793 vị trí mốc tương ứng 835 cột mốc và cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu.

Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam  - Lào là một công trình quan trọng, có ý nghĩa về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội của hai quốc gia; là công việc nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu lâu dài; là công tác tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều lực lượng từ Trung ương đến địa phương hai nước.

Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc bắt tay ngay vào giai đoạn tiếp theo hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để có thể hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014. Từ nay về sau, hệ thống mốc quốc giới hiện đại rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, mở rộng hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi văn hoá, du lịch giữa các vùng biên giới hai nước, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Sự kiện hoàn thành hệ thống mốc giới hiện đại này sẽ đi vào lịch sử hai nước, là thành quả của mối quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam – Lào, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước, sự quyết tâm cao của các bộ, ngành và địa phương hữu quan của hai nước. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ tham gia trực tiếp trong lực lượng cắm mốc của hai nước đã đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, không quản hy sinh, gian khổ, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, phải kể tới công lao đóng góp và sự ủng hộ quý báu của đồng bào các dân tộc trong vùng biên giới hai nước, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đều hết lòng ủng hộ về tinh thần, hỗ trợ sức người, sức của giúp đỡ các lực lượng cắm mốc của hai nước hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình phân giới, cắm mốc trước đây cũng như trong quá trình triển khai công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa, đã có một số cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Những giọt máu đào của họ đã thấm sâu vào lòng đất, góp phần cho thắng lợi của ngày hôm nay. Trong giờ phút vui chung này, chúng ta tưởng nhớ tới họ với lòng biết ơn sâu sắc và mãi ghi nhớ những hy sinh, mất mát này.

Với hệ thống mốc giới mới hiện đại và trường tồn, đường biên giới hai nước Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi trở thành nơi gặp gỡ của tình hữu nghị, của sự hợp tác chặt chẽ vì sự giàu mạnh của hai nước Việt - Lào, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân và đáp ứng quyết tâm của lãnh đạo hai nước.

Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bắt tay ngay vào việc xây dựng các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả của công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, bao gồm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu Việt Nam - Lào nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh - quốc phòng vùng biên giới hai nước, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm và nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, toàn bộ Dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2014, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai nước./.

Phạm Bình Minh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất