(TG) - Đồng chí Vương Đình Huệ, UVTW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, việc trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn giữa hai Đảng không những giúp ích cho công cuộc phát triển của mỗi nước mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác cùng phát triển.
Thực hiện kế hoạch giao lưu giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn đại biểu cán bộ Đảng ta do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 6/7/2013.
Thân mật tiếp Đoàn tại Đại lễ Đường Nhân dân Trung hoa, đồng chí Vương Dũng, Ủy viên Quốc vụ, thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiệt liệt chào mừng đồng chí Vương Đình Huệ và Đoàn sang thăm Trung Quốc, coi đây là biểu hiện sinh động cho quan hệ giao lưu, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Đồng chí Vương Dũng đã giới thiệu khái quát với Đoàn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc thời gian qua; thông báo một số nét cơ bản các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII đến nay. Đồng chí đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng của Việt Nam; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội XI đã đề ra, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng chí khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nguyện cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chung tay củng cố và phát triển quan hệ đó.
Đồng chí Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong công cuộc cải cách, mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc hơn 35 năm qua và tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc sẽ hoàn thành những mục tiêu xây dựng đất nước mà Đại hội XVIII của Đảng đã đề ra, đặc biệt là hoàn thành công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020. Đồng chí đánh giá cao những kinh nghiệm về xây dựng đảng, về phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa, nhất là những kinh nghiệm được đúc kết tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây; đồng chí cũng cho rằng, việc trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn giữa hai Đảng không những giúp ích cho công cuộc phát triển của mỗi nước mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác cùng phát triển của hai nước.
Đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, mong muốn cùng thực hiện đầy đủ nhận thức chung đã đạt được qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai bên, đi sâu trao đổi, hợp tác thiết thực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, giải quyết ổn thỏa các vấn đề còn tồn tại nhằm đưa quan hệ hữu nghị Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần giữ gìn hoàn bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã có cuộc gặp, trao đổi ý kiến với đồng chí Vương Gia Thụy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, Trưởng ban liên lạc Đối ngoại Trung ương. Ngoài ra, Đoàn còn có các buổi làm việc với Trung tâm liên lạc kinh tế, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước; Ủy ban Giám sát quản lý vốn và tài sản Nhà nước (SASAC); Bộ Nhà ở và xây dựng thành thị, nông thôn Trung Quốc (MOHURD); Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội (MOLSS).
Ngoài thời gian làm việc tại Bắc Kinh, Đoàn tiếp tục thăm và làm việc tại thành phố Châu Hải; thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Tại hai thành phố này, Đoàn sẽ nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo của tỉnh Quảng Đông và thành phố Châu Hải về xây dựng và phát triển khu hành chính - kinh tế, đặc biệt là về công tác quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền và tổ chức đảng trong hệ thống chính trị của Khu; về cải cách thể chế kinh tế toàn diện gắn với cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Đông; nhất thể hóa sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, giải quyết vấn đề “tam nông”; vấn đề quy hoạch phát triển đô thị ở thành phố Quảng Châu.../.
PV