Theo phóng viên TTXVN tại Prague, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc
tại Cộng hòa Séc từ ngày 21 đến 24/9, đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam do
Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu, đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng
Tư pháp Séc, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp và Hiến pháp Hạ viện Séc, Thượng
viện Séc, làm việc với Viện Công tố và Tòa án Hiến pháp Séc.
Đại sứ Việt Nam Trương Mạnh Sơn cùng tham gia các hoạt động chính của Đoàn.
Sáng 23/9, tại trụ sở Bộ Tư pháp Séc ở Prague, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt
Nam Hà Hùng Cường đã có cuộc hội đàm với nữ Bộ trưởng Tư pháp Séc
Helena Valkova.
Tại cuộc hội đàm hai bên nêu rõ sự cần thiết phải nối lại mối quan hệ
trực tiếp giữa hai bộ tư pháp hai nước, đặc biệt là giữa hai bộ trưởng,
sau một phần tư thế kỷ bị gián đoạn.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh rằng Cộng hòa Séc có nhiều kinh nghiệm
và truyền thống pháp luật tương tự như Việt Nam, đã từng phải giải
quyết những vấn đề giống Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh
tế tập trung sang kinh tế thị trường phù hợp với chuẩn mực chung của
quốc tế. Cộng hòa Séc đã có bước phát triển trong việc xã hội hóa các
họat động và ngành nghề tư pháp như luật sư, công chứng...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Helena Valkova khẳng định rằng hai
nước đang hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao
giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc hiện nay
(1950-2015).
Hai bên nhất trí tiếp tục “hiện đại hóa” Hiệp định Tương trợ tư pháp về
dân sự và hình sự giữa hai nước mà Việt Nam và Tiệp Khắc đã ký năm 1982.
Hai bên cho rằng Hiệp định về chuyển giao những người bị kết án phạt tù
để thi hành án ở nước mà họ có quốc tịch và thường trú đã được hai bên
cơ bản hoàn tất và chuẩn bị ký sớm. Đây có thể được coi là bước đột phá
trong quan hệ tư pháp giữa Việt Nam và Séc.
Trả lời phỏng vấn cùa phóng viên TTXVN sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Hà
Hùng Cường cho biết: “Do cộng đồng người Việt ở Séc rất lớn (gần 100.000
người) nên việc hỗ trợ cho quan hệ giữa người dân với nhau, quan hệ
kinh doanh, đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch… có vai trò quan trọng.
Việc này đòi hỏi phải có một hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực
dân sự giữa hai nước. Tuy hệ thống chính trị hai nước là khác nhau,
song Việt Nam đang chủ trương hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới,
Việt Nam cũng đã ký kết nhiều công ước, điều ước quốc tế mang tính chuẩn
mực cho những vấn đề quyền con người, vì thế có nhiều vấn đề tương đồng
giữa Việt Nam và Séc có thể giải quyết được với nhau trên cơ sở học tập
kinh nghiệm của nhau.”
Về phần mình, bà Bộ trưởng Tư pháp Helena Valkova khẳng định với phóng
viên TTXVN: “Cộng hòa Séc với kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ Việt
Nam giải quyết một số vấn đề trong lĩnh vực pháp lý mà chúng tôi đã trao
đổi trong cuộc hội đàm. Hai Bộ Tư pháp hai nước đã có sự chuẩn bị và
thống nhất đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất để có thể triển khai
được ngay những công việc như đã trao đổi trong cuộc hội đàm.”
Cùng ngày, tại trụ sở Hạ viện Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã
có cuộc hội đàm với ông Jeronym Tejc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Hiến
pháp Hạ viện Séc, và ông Miroslav Antl, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và
Hiến pháp Thượng viện Séc.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong vai trò là Đại biểu Quốc hội, nhấn mạnh
rằng trong thời gian gần đây mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước đã được
tăng cường với việc trao đổi các đoàn cấp cao và sự hỗ trợ lẫn nhau trên
các diễn đàn quốc tế. Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách tư pháp
nên mong muốn học hỏi kinh nghiệm soạn thảo các điều luật của Hạ viện và
Thượng viện Cộng hòa Séc.
Các ông Jeronym Tejc và Miroslav Antl bày tỏ sự sẵn sàng chia sẻ kinh
nghiệm thành công và cả bài học thất bại của Cộng hòa Séc trong các vấn
đề lập pháp để Việt Nam nhanh chóng đạt được mục tiêu đã định trong tiến
trình cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu
tiếp tục làm việc với Viện Công tố và Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Séc tại
thành phố Brno trong ngày 24/9, trước khi sang thăm làm việc Cộng hòa
Slovakia ./.
TTX