Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 14/3/2016 14:20'(GMT+7)

Nói với những người "giả điếc"

Trên trang mạng của BBC gần đây có đăng tải một số bài viết nêu ý kiến của một số người về vấn đề bầu cử ở Việt Nam. Sở dĩ thời điểm này lại rộ lên những bài viết liên quan đến vấn đề bầu cử, ứng cử với những ý kiến trái chiều, có tính chất kích động dư luận là bởi hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đây là cái cách mà một số kẻ thiếu thiện chí đã làm, đang làm mỗi khi đất nước có những sự kiện mang tính trọng đại.

Ngược dòng lịch sử, năm 1946 là năm đầu tiên người dân nước ta được tự do thực hiện quyền công dân của mình, đó là đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội-cơ quan quyền lực cao  nhất của đất nước. Ngay tại thời điểm đó, tính dân chủ trong bầu cử đã được thực hiện. Người dân được tự do đề cử, ứng cử, tự do bỏ phiếu bầu cho những người mà mình tin tưởng. Cũng từ ngày đó cho đến nay, mọi ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm đưa vào dự bầu (sau hiệp thương) đều phải công khai lý lịch, trích ngang, quá trình công tác, những đóng góp cho dân, cho nước v.v.. trước nhân dân. Bản lý lịch, trích ngang đó ngoài việc công khai trên hệ thống thông tin đại chúng còn được niêm yết ngay tại địa điểm bỏ phiếu để các cử tri tiện theo dõi, lựa chọn. Tóm lại mọi khâu, mọi bước trong tiến trình bầu cử, mọi vấn đề của ứng cử viên đều được công khai trước nhân dân, trước thời điểm các cử tri quyết định bỏ lá phiếu của mình để chọn người đại diện cho chính mình vào cơ quan lập pháp của Nhà nước.

Ấy thế nhưng vẫn có những người “giả điếc” cho rằng, các cuộc bầu cử của Việt Nam là thiếu dân chủ, là “Đảng cử, dân bầu” nên làm giảm quyền lựa chọn của nhân dân. Cũng có những người vờ vĩnh cho rằng “hiện nay ở Việt Nam còn tồn tại một số đảng chính trị và các đảng đó cũng có quyền cử người của mình ra ứng cử”. Thật là lố bịch và thiếu hiểu biết, bởi từ lâu, người dân Việt Nam đã tự lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa đất nước và nhân dân Việt Nam đến hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Còn lại những cái mà một số người tự tụ tập, rồi tự xưng là “tổ chức đảng” này, “tổ chức chính trị” kia, đều là sự tồn tại trái pháp luật và đều không được nhân dân Việt Nam chấp thuận. Lại có người cũng đã từng làm thơ, viết văn, sống đã quá nửa đời người, trải qua ngót chục lần bầu cử, lại giả vờ ngây ngô cho rằng, “tôi đi bỏ phiếu nhưng tôi có biết ai vào ai đâu”. Người nói như thế chứng tỏ một điều là anh ta đã thiếu trách nhiệm với chính cái quyền của mình và coi thường quyền lợi của nhân dân mình. Những đối tượng như vậy mà lại nhăm nhe ra tự ứng cử để hòng “làm đại diện cho nhân dân” trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước thì thử hỏi ai tin là họ có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và của quốc gia, dân tộc?

Bầu cử, ứng cử là quyền tự do của người dân Việt Nam và đã được quy định rõ ràng trong Điều 27, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Mọi hành vi xuyên tạc, mọi kẻ cơ hội, lợi dụng bầu cử để mưu đồ lợi ích cá nhân đều không thể lọt qua con mắt tinh tường của nhân dân, chắc chắn họ sẽ bị nhân dân vạch mặt, chỉ tên./.

Trần Thôn (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất