(TG)-Khi nhắc đến nghiên cứu sáng tạo, nhiều người thường nghĩ đến các nhà khoa học hay những người có học vị cao như tiến sĩ, thạc sĩ... Suy nghĩ này thoạt nghe có vẻ hợp lý, bởi vì những người học vị cao thường được trang bị tốt về kiến thức chuyên môn, phương pháp luận nghiên cứu sáng tạo...còn ở Đồng Tháp suy nghĩ đó chưa hẳn đã đúng, bởi từ lâu nơi đây đã không còn ranh giới cho sự sáng tạo.
Thời gian qua, nhiều sáng chế, giải pháp sáng tạo hữu ích đã được công chúng khắp nơi đón nhận, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài lại là tác phẩm của những kỹ sư nông dân Đồng Tháp, những người mà người ta vẫn quen gọi là “các nhà khoa học chân đất”, đó là: những chiếc máy nông nghiệp (Máy thu hoạch Bắp liên hợp, Máy cuộn Rơm...) của anh Phan Tấn Bện, Máy hút thổi nguyên liệu rời của anh Đỗ Thanh Đô, Máy đắp bờ một bên của nông dân Nguyễn Văn Đế, Dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của nông dân Nguyễn Thanh Tú, hay các giải pháp lai tạo giống lúa của nông dân Trần Anh Dũng ...
Mỗi người với mục tiêu sáng tạo, một kiểu sáng chế khác nhau, nhưng dường như giữa những con người này có khá nhiều điểm tương đồng. Các anh nông dân không được đào tạo kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn, phương pháp luận sáng tạo, hay có bằng cấp, học vị gì đáng kể... tất cả những điều này tưởng chừng là giới hạn, rào cản, ngăn các anh đến với con đường nghiên cứu sáng tạo. Nhưng bằng sự quyết tâm “mày mò học hỏi” và những trải nghiệm trong thực tiễn lao động sản xuất, cùng với khát vọng đam mê sáng tạo, các kỹ sư nông dân Đồng Tháp đã làm ra các sản phẩm công nghệ đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm đến từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến.
Tại Hội thảo tư vấn “Nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Liên hiệp Hội Đồng Tháp tổ chức vừa qua, anh Phan Tấn Bện (ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ niềm vui về chiếc Máy cuộn Rơm, sản phẩm mà anh mới công bố trong một thời gian ngắn, đã được thị trường trong và ngoài nước đặt mua 317 chiếc, đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thị trường cũng đang có chiếc máy cuộn rơm do Nhật Bản chế tạo, nhưng giá cả đắt đỏ mà tính năng lại không hiệu quả, tiện lợi như máy của anh Phan Tấn Bện nên không được khách hàng ưa chuộng cho lắm!
Thời gian trôi đi, danh sách các nhà sáng chế nông dân Đồng Tháp được nối dài thêm theo mỗi năm và cùng với đó là câu chuyện sáng tạo của những nông dân xứ sở Đất Sen hồng, sẽ trở thành các giai thoại về đức tính - nghị lực - bản lĩnh - trí tuệ, là tấm gương điển hình của người nông dân Việt Nam thời đại mới, là động lực cho tất cả những ai đang gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học, củng cố thêm niềm tin vượt qua giới hạn, sáng tạo để thành công./.
Hồng Ly